Những người con của bản Mông góp phần xóa bỏ hủ tục trong tang ma

Trên hành trình về với miền Tây Thanh Hóa, chúng tôi có dịp gặp gỡ những người con của bản Mông đã và đang làm việc, công tác tại cơ quan, đơn vị ở cấp huyện, cấp xã hay những người có uy tín, bí thư chi bộ tại các bản Mông thuộc các huyện miền núi cao, biên giới như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn... Họ đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào gìn giữ những nét đẹp truyền thống, xóa bỏ những hủ tục, trong đó có hủ tục tang ma của đồng bào Mông.

Ông Lầu Minh Pó (ngoài cùng bên trái) là người có uy tín bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát) có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ. Ảnh: Đ.Trung

Ông Lầu Minh Pó (ngoài cùng bên trái) là người có uy tín bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát) có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ. Ảnh: Đ.Trung

Tiên phong đưa người chết vào quan tài

Nhắc đến ông Lầu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, hiện nay là người có uy tín bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát) là nhắc đến người con tiêu biểu của đồng bào Mông trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Mông xóa bỏ những hủ tục, trong đó có việc đưa người chết vào quan tài.

Tại huyện Mường Lát, đồng bào dân tộc Mông sinh sống tập trung ở 39 bản (1 bản xen ghép) thuộc địa bàn 6 xã với 3.500 hộ/19.100 khẩu, chiếm 44% dân số toàn huyện. Đồng bào Mông có đời sống văn hóa, tinh thần khá phong phú và đặc sắc. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn, phát huy, vẫn có không ít các hủ tục đã bám rễ, đặc biệt là trong tang lễ, với thói quen không bỏ người chết vào trong quan tài. Người chết được đưa lên cáng quàng vào gian giữa của ngôi nhà, để lâu ngày. Người nhà còn mổ nhiều trâu, bò, tổ chức ăn uống rình rang.

Ông Lầu Minh Pó chia sẻ: "Là người con của đồng bào Mông, được học tập, được thấy sự tiến bộ, văn minh của đồng bào các dân tộc khác. Vì vậy, tôi đã quyết tâm thuyết phục, tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ và xác định để đồng bào nghe và làm theo thì phải thực hiện từ trong gia đình mình. Ngày 22/3/2013, ông cố nội của tôi là ông Lầu Chứ Dơ ở bản Pha Đén, xã Pù Nhi qua đời. Tôi đã triệu tập họp dòng họ, đồng thời giao nhiệm vụ cho một số anh em cán bộ, công chức là người họ Lầu phụ trách tâm sự, thuyết phục, vận động các già làng, những người có tiếng nói trong việc tổ chức tang lễ và chúng tôi đã thành công đưa thi hài ông cố vào quan tài. Đây cũng là đám tang đầu tiên của đồng bào Mông Thanh Hóa đưa người chết vào quan tài. Trong quá trình thực hiện, tôi bị một số anh em trong dòng họ và ngay trong gia đình chỉ trích, phê phán không đồng tình ủng hộ. Tôi thiết nghĩ đây là một cuộc cách mạng làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm phù hợp với xu thế phát triển, tiến bộ của xã hội mà bao lớp trẻ đồng bào Mông đang mong muốn song chưa ai dám đột phá, vượt qua".

Quyết định số 2181/QĐ-UBND, ngày 25/6/2013 về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020” là một chủ trương, chính sách đúng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Thanh Hóa đối với đồng bào Mông, là cơ sở để tuyên truyền, vận động tất cả các dòng họ đồng bào Mông xóa bỏ các hủ tục trong tang lễ, thực hiện nếp sống văn hóa mới. Do vậy, khi đề án được triển khai, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành từ huyện đến xã đã đồng bộ vào cuộc, thành lập ban vận động, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông thí điểm tại xã Pù Nhi. Mở các hội nghị mời các trưởng dòng họ, trưởng bản, bí thư chi bộ, người có uy tín tham gia, sau đó về tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hưởng ứng và đạt được những kết quả quan trọng.

Để nếp sống văn hóa trong tang lễ bền vững

Để nếp sống văn hóa trong tang lễ trở thành nền nếp, tập quán bền vững, ngày 19/3/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Bằng sự nỗ lực, uy tín của mình, những năm qua, ông Lầu Minh Pó đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và người uy tín, trưởng các dòng họ tổ chức tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng Mông bằng nhiều hình thức khác nhau như: tuyên truyền trên các hội nghị, vận động, thảo luận với các trưởng dòng họ và bà con Nhân dân tại địa phương... gắn với việc thực hiện quy ước thôn, bản và xây dựng bản văn hóa, bản NTM với thái độ kiên trì, quyết liệt. Hiện nay, đồng bào Mông ở Mường Lát đã thực hiện tang lễ theo nếp sống văn hóa mới. 100% đám tang đã đưa người chết vào quan tài và không bắn súng thông báo khi có người chết như trước; 100% bản Mông đã đưa quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước của bản, các đám tang thực hiện việc chôn cất trong 48 giờ, không còn hiện tượng bắt mổ nhiều gia súc, gia cầm trong đám tang, việc tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang đã giảm đáng kể. Để có được kết quả quan trọng này, ông Lầu Minh Pó đóng vai trò quan trọng và được cấp ủy, chính quyền các cấp và đồng bào dân tộc Mông ghi nhận.

Hiện nay, ông Lầu Minh Pó còn là báo cáo viên quan trọng tại các “Hội nghị tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông” do Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn tổ chức. Ông Lầu Minh Pó luôn gương mẫu, tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, dòng họ, Nhân dân trong bản thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Thường xuyên nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào và phản ánh kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực tham gia đề xuất các giải pháp để giải quyết có hiệu quả. Tham gia các hoạt động giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục truyền thống của Nhân dân địa phương; vận động Nhân dân trong bản không theo các tà đạo, đạo lạ hoạt động trái phép trên địa bàn, góp phần giữ vững an ninh trật tự khu vực vùng biên.

Trên hành trình về với miền Tây Thanh Hóa, chúng tôi có dịp gặp gỡ nhiều tấm gương tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Mông, góp phần xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu. Trong lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, ở Đồn Biên phòng Pù Nhi (Mường Lát) có đồng chí Lâu Văn Lâu, Hơ Văn Xá, Hơ Văn Cấu; ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (Quan Sơn) có đồng chí Thao Văn Vư; ở Đồn Biên phòng Trung Lý (Mường Lát) có đồng chí Hơ Văn Trẻ và Hơ Văn Di (cán bộ tăng cường); ở Đồn Biên phòng Tam Chung (Mường Lát) có đồng chí Sùng A Ư... Họ không chỉ là những người lính mang quân hàm xanh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia mà còn nỗ lực tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn đóng quân nói chung.

Ở các bản của đồng bào Mông Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn còn có những người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng bản như anh Thao Văn Lâu, bí thư chi bộ bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn); Giàng A Chu, bí thư chi bộ bản Suối Tôn, xã Phú Sơn (Quan Hóa); Thao Văn Dia, người có uy tín bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn); Giàng A Này, bí thư chi bộ bản Pá Búa, xã Trung Lý (Mường Lát)... Họ đã và đang góp phần đưa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến đồng bào, cũng như đề xuất, triển khai nhiều giải pháp quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo, XDNTM, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhung-nguoi-con-cua-ban-mong-gop-phan-xoa-bo-hu-tuc-trong-tang-ma-32929.htm