Những người 'cõng' mùa Xuân lên bản

Hơn 20 năm hiện diện, những cán bộ

Hơn 20 năm hiện diện, những cán bộ "áo hồng” đã trèo đèo, lội suối để mang vốn tín dụng chính sách (TDCS) của Đảng, Nhà nước đến với bà con, đem đến những mùa xuân ấm no cho bản làng. Không chỉ là người chuyển vốn, họ còn là nhân chứng sống cho sự chuyển mình của các vùng quê khi có sự đồng hành của đồng vốn ưu đãi.

Chị Nguyễn Thị Tý, cán bộ NHCSXH huyện Mai Châu đã có hơn 10 năm gắn bó với các bản làng ở huyện vùng cao Mai Châu.

Chị Nguyễn Thị Tý, cán bộ NHCSXH huyện Mai Châu đã có hơn 10 năm gắn bó với các bản làng ở huyện vùng cao Mai Châu.

Những năm qua, nguồn vốn TDCS xã hội phủ khắp các bản làng, trở thành một trong những "trụ cột” quan trọng trong hệ thống các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Có dịp đồng hành cùng cán bộ TDCS, chúng tôi phần nào thấu hiểu nỗi vất vả và cả niềm hạnh phúc của họ…

Rời phố về bản làm công tác tín dụng chính sách

Khoác trên mình chiếc áo hồng truyền thống của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), cuối năm 2011, chị Nguyễn Thị Tý, quê ở Hoài Đức (Hà Nội) rời phố thị lên công tác tại huyện vùng cao Mai Châu. Lên đường nhận nhiệm vụ với sự háo hức nhưng ngay khi đặt chân tới dốc Cun, chị Tý đã choáng ngợp vì hai bên đường toàn núi đá. Đến địa phận huyện Mai Châu, tâm trạng sợ hãi, lo lắng đan xen khi càng đi càng heo hút đồi núi. Vậy mà đến nay đã gần 15 năm chị rong ruổi khắp các bản làng ở huyện vùng cao Mai Châu, cóp nhặt nhiều kỷ niệm khó quên ở nơi chị coi là quê hương thứ hai này.

"Những năm đầu về công tác, đường giao thông ở nhiều thôn, xóm rất khó khăn. Nhiều chuyến đi vào hôm trời mưa, chúng tôi phải đi bộ rất xa. Như chuyến vào xóm Thung Mài (xã Hang Kia), hay chuyến lên xóm Nà Bó (xã Tân Dân cũ). Đặc biệt khi đó nhiều người còn e ngại, không dám vay vốn vì chưa có định hướng sử dụng, sợ vay rồi không trả được. Chúng tôi phối hợp với chính quyền sở tại tuyên truyền, hướng dẫn, đến nay, bà con đã mạnh dạn vay vốn. Tôi rất vui khi chứng kiến nhiều hộ nhờ vốn chính sách đã vượt lên đói, nghèo”, chị Tý chia sẻ.

Quê gốc ở Nam Định, được sinh ra và lớn lên tại thành phố Hòa Bình, chúng tôi vẫn đùa anh Nguyễn Minh Dưỡng, cán bộ tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đà Bắc cũng là người dưới xuôi lên bản công tác. Anh Dưỡng đã có thâm niên 8 năm công tác ở huyện vùng cao Đà Bắc. So với chị Tý, địa bàn công tác của anh Dưỡng thậm chí còn khó khăn hơn, bởi địa hình huyện Đà Bắc đồi núi phức tạp, giao thông còn nhiều trắc trở. Đặc biệt gần 10 năm trở lại đây, Đà Bắc được coi là trọng điểm về thiên tai của tỉnh. Tình trạng sạt lở đất vào mùa mưa bão không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại mà còn khiến hàng trăm hộ dân phải di dời về nơi ở mới.

Anh Dưỡng hiện phụ trách địa bàn các xã: Yên Hòa, Tiền Phong, Tú Lý, Hiền Lương. Trước đó, anh nhiều năm lăn lộn ở các địa bàn xa nhất của huyện như: Nánh Nghê, Mường Chiềng, Đồng Chum. Theo anh Dưỡng, công tác ở vùng cao nên các anh gặp nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm. Có nhiều chuyến đi giao dịch xã, các anh phải quay lại vì sạt lở đất, hoặc ngầm tràn bị ngập không thể lưu thông.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng anh Dưỡng và những người đồng nghiệp làm công tác TDCS vẫn miệt mài trong những chuyến chở vốn về với bà con. Niềm hạnh phúc nhất của anh Dưỡng là nhìn thấy sự vượt lên của nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách khi được tiếp cận với vốn chính sách.

"Cán bộ TDCS không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tôi vay vốn, mà còn định hướng sử dụng vốn như nào cho hiệu quả, phù hợp. Nếu không có vốn chính sách thì cuộc sống của gia đình tôi còn vô vàn khó khăn”, đó là chia sẻ của bà Đinh Thị Yến, xóm Dưng, xã Hiền Lương (Đà Bắc). Bà Yến là một trong số hàng nghìn hộ dân đã vượt lên đói, nghèo nhờ sự hỗ trợ đa chiều từ NHCSXH.

Đồng vốn "xua đuổi” cái nghèo

Hơn 20 năm trước, đồng vốn ưu đãi của NHCSXH hiện diện đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn ở các vùng quê trong tỉnh. Không chỉ giải bài toán về vốn đầu tư, mà từ khi được tiếp cận vốn chính sách, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Dần dần vốn chính sách đã phủ khắp bản làng, đem lại những hiệu quả thiết thực cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Như chia sẻ của đồng chí Phàng A Chà, Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò (Mai Châu): Con bò, con trâu, con lợn mà bà con có được như ngày hôm nay phần lớn là do được vay vốn chính sách. Nguồn vốn này đã giúp bà con phát triển kinh tế, là động lực rất quan trọng để giảm nghèo bền vững.

Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao mà ngay gần trung tâm thành phố Hòa Bình cũng có những thôn, xóm lột xác nhờ vốn chính sách. Điển hình như xóm Đồng Chụa (nay là tổ 9, phường Thống Nhất), nơi sinh sống của gần 200 hộ đồng bào Dao. Từ một xóm khó khăn, hầu hết thuộc hộ nghèo nhưng nhờ vốn chính sách, nay xóm không còn hộ nghèo, chỉ còn 2 hộ cận nghèo.

Trước những hiệu quả thiết thực đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn đánh giá cao vai trò của TDCS trong đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Do đó, đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội. Điều này thể hiện rõ qua sự tăng trưởng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến hết năm 2024, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH các cấp đạt trên 207,5 tỷ đồng, tăng gần 202 tỷ đồng, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Ngay đầu năm 2025, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH đạt 76 tỷ đồng.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/197760/nhung-nguoi-cong-mua-xuan-len-ban.htm