Những người cùng toa tàu
Trong đêm tối, đoàn tàu băng băng về phía trước. Mọi vật bên đường lao vun vút bên ngoài cửa sổ. Gió gào thét trong gầm tàu như bão. Tiếng bánh sắt nghiến ken két trên đường ray.
Tôi chợt tỉnh giấc vì có ai đó ở giường bên đánh rơi một vật gì bằng kim loại. Nghe bập bõm tiếng càu nhàu của ai đấy. Tôi trở dậy khi đã ngủ đẫy giấc từ chập tối và ngạc nhiên khi thấy cô gái miền Nam mà tôi gặp lúc vào toa trò chuyện với chàng trai lạ mặt giờ vẫn ngồi tư lự bên cạnh cửa sổ.
Tầm này cũng phải quá nửa đêm. Cô có gương mặt thật đẹp, một vẻ đẹp đôn hậu, rất khó quên. Không hiểu chàng trai đứng cạnh cô là hành khách ngẫu nhiên hay là người thân quen. Đó là một thanh niên giọng miền Bắc, trắng trẻo, đẹp trai, ăn vận lịch sự, trông dáng vẻ trí thức.
“Phượng, em ngủ đi chứ?”
“Dạ.”
Một tiếng đáp dịu dàng, êm ái khẽ cất lên. Tôi đã nghe cái tiếng thân thương, ngọt ngào ấy bao lần từ khi vào Nam nhưng mà sao nghe cô gái này nói cứ thấy mềm lòng. Lại nhớ lần đầu đi tàu vào Huế sau ngày giải phóng miền Nam, tôi cứ bần thần, xao xuyến mãi cái tiếng đó. Khi ấy tôi có ý nghĩ rất kỳ quặc là những cô gái này sẽ chẳng bao giờ nặng lời, to tiếng với ai.
Chàng trai đến sát bên cô gái, vai chạm vai.
“Em phải quyết định ngay hôm nay để anh điện thoại cho bố anh. Thứ Bảy này là hạn cuối cùng. Người đến thì đông mà việc ngon lành thì ít. Cái gì cũng có giới hạn”.
“Dạ, em nói rồi, không thay đổi đâu. Anh biết tính em rồi đó”. Cô gái nhè nhẹ đẩy vai anh chàng đang cọ vào vai mình. “Anh về chỗ anh đi. Em đang mệt”.
Chàng trai cau mặt, lầm lũi trở vào.
Ánh trăng mờ nhạt đã nhô lên ngay tầm hàng dương phía đầu tàu. Con tàu hồng hộc tiến vào bãi cát dài, chầm chậm qua cầu sắt. Một khúc sông êm đềm phẳng lặng. Vài ba chiếc thuyền nan đậu im lìm bên mép sông.
Tôi lững thững đi dọc hành lang, có ý tìm nơi hút thuốc.
“Anh à” - Cô gái khe khẽ gọi.
Tôi dừng chân ngoái đầu.
“Xin lỗi, anh. Anh ở Bắc có biết Bắc Giang không?”
“Tôi quê ở Bắc Giang đây”. Tôi đến lại gần cô gái.
“Chao ôi, số em hên rồi - cô gái mừng rỡ - Nãy em nghe anh nói chuyện với ai đấy, em đoán anh là người ở vùng châu thổ sông Hồng. Thế này, anh à…”
- “Đây là đầu tiên em ra Bắc đó anh. Ba em là bộ đội cao xạ đóng ở Bắc Giang mấy năm liền, nói nhiều về vùng đất ấy lắm, nhất là sông Thương. Ôi chao, sao lại có tên sông hay đến thế. Em nghĩ đất nước mình chả có con sông nào có tên như vậy. Ngay con sông cũng thương cũng nhớ, nói chi về con người. Hẳn nào…
“Vậy cô có định đến Bắc Giang?” Tôi cười.
“Ủa, có chứ. Việc chính của em mà. Em ra thủ đô trước rồi tới Bắc Giang. Nhất định em phải ra sông Thương ngồi ngắm thỏa thích, chụp nhiều ảnh để về khoe với bạn bè chứ…”
Cô gái nói liến thoắng. Chỉ trong phút chốc cô khác hẳn từ gương mặt rạng rỡ đến giọng nói vui tươi, thật khác xa khi trò chuyện với chàng trai.
Có ai đó, một giọng phụ nữ gọi cô.
“Em vô tí xíu rồi sẽ trở ra”.
“Cũng gần sáng rồi. Cô nên nghỉ một chút cho đỡ mệt”.
“Dạ”
Tôi đứng nhìn cảnh vật mờ ảo trong đêm đầy gió. Cũng quá lâu rồi tôi mới được đi tàu như thế này. Những cây cối bị gió uốn cong một cách kỳ dị. Có cái gì đó đầy bí ẩn ở các mô đất, mỏm đồi, thỏa sức tưởng tượng riêng mình.
Tôi giật mình vì có bàn tay vỗ nhẹ vào vai.
“Xin lỗi anh bạn, Phượng của tôi đã ngủ rồi?”
Tôi ngoái lại nhận ra người bạn của cô gái lúc nãy. Anh ta nhấn giọng mấy tiếng “Phượng của tôi” với cái ý như sự cảnh báo khiến tôi rất khó chịu.
“Bạn gái thân thiết của tôi đấy. Nói đúng ra là người yêu”. Anh chàng bật lửa, châm thuốc, nói chậm rãi có vẻ dửng dưng.
"Chúc mừng” - Tôi lạnh nhạt.
“Một cô gái đỏng đảnh, rất khó chiều, không dễ chinh phục. Nhưng không sao. Trong cái khó sẽ ló cái khôn - Anh đổi giọng thân tình - Con gái có thì. Vài năm nữa không ai hỏi, lại... à cái gì nhỉ, hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng. Quan họ có câu đáo để: Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng. Sinh viên mới ra trường đấy. Học giỏi, loại ưu. Nhưng hoang tưởng…”
Thú thực tôi chẳng hiểu hết câu chuyện anh nói khi phô cô gái là người yêu mình. Nghe có vẻ trục trặc gì đấy. Anh ta vẫn tiếp tục say sưa nói như thuyết trình một đề tài không giới hạn, coi tôi như một kẻ ngu ngốc, một gã mới lớn.
Bỗng anh quàng vai tôi, vẻ thân thiết.
“Nãy cô ấy có khoe với anh ra Bắc Giang không?”
“Anh có vẻ tò mò nhỉ? Chúng tôi nói chuyện phiếm, anh không có gì phải để tâm”.
“Không, không. Anh hiểu lầm”. Chàng trai giọng chùng xuống, vẻ mệt mỏi. “Gia đình tôi gốc gác Hà Nội, ngay nội thành, đã vào Nam mấy chục năm nay. Bố tôi làm tổng giám đốc một công ty lớn trong đó. Tôi cũng ở công ty ấy. Tôi ra Hà Nội cũng vì một việc công ty, nhân thể theo cô ấy để cố thuyết phục cô ta lần cuối vào làm công ty mình. Tôi muốn theo cô ấy đến Bắc Giang nhưng đã bị quyết liệt chối từ…”
Cửa toa giường nằm phía trước mở ra. Cô gái lẳng lặng đi tới.
“Ủa, hai anh cũng chưa nghỉ à?”
Chàng trai gượng gạo cười: “Anh làm sao ngủ được. Em đến Bắc Giang có sông Thương, nhớ câu này nhé: Sông Thương nước chảy đôi dòng/Đôi ta nên chồng nên vợ thì lên".
Cô gái nghiêm giọng:
“Anh nhầm rồi. Chả có câu ca dao cổ nào như thế. Em đã có sẵn câu ca này: Sông Thương nước chảy đôi dòng/Chia ly đôi ngả cho lòng thảnh thơi”.
Chàng trai trừng mắt, sa sầm nét mặt.
Tôi toan quay đi nhưng cô gái đã níu giữ tay tôi. “Anh ở đây. Em còn muốn kể với anh nhiều chuyện. Em đã kể hết đâu”. Cô gái quay mặt về phía tôi, không hề để ý đến chàng trai đứng buồn bực cạnh bên. “Em chép nhiều bài ca dao, chục bài hát và mười mấy bài thơ về sông Thương. Em còn biết nhiều nhà văn, nhà thơ quê ở vùng ấy đấy".
Chàng trai khoanh tay lơ đãng nhìn ra phía cửa sổ, lặng lẽ đi dọc hành lang rồi mất hút sau cánh cửa sổ cuối toa tàu. Dường như cô gái không để ý chuyện đó.
“Em với anh ấy cùng phường, quen biết nhau đã lâu. Anh đã theo đuổi em từ khi em vào đại học. Cũng có thời gian ngắn em yêu anh ấy nhưng em hết sức giữ gìn, không vượt quá giới hạn. Rồi em chia tay vĩnh viễn khi anh ấy có nhiều điều dối trá và đặc biệt hay công kích, coi thường cựu chiến binh chống Mỹ. Một con người vô ơn bạc nghĩa với lịch sử, với thế hệ mà phải biết ơn, đầy kính trọng…”
“Anh ấy muốn đưa em vào công ty của anh với mức lương hấp dẫn nhưng em chối từ. Vào đấy em sợ gần gặn có lúc mình nông nổi, không làm chủ lại chấp nhận tình yêu. Em sẽ vào một công ty nhỏ ở ngoại thành, lương ít, hơi xa nhà nhưng lòng thanh thản. Em đã trúng tuyển, nửa tháng nữa vào làm…”
“Cô đến Bắc Giang có việc gì đấy. Mà sao không đi máy bay cho nhanh?”
“Dạ. Ba em là thương binh. Dạo này ba em ốm nhiều, bảo em làm một việc quan trọng. Em là út. Anh trai em đang làm việc ở nước ngoài... Anh à, em không đi được máy bay. Một lần em phát ốm khi đi cùng má em ra Huế. Ô tô em cũng kinh vì say phát sợ. Đi tàu hỏa thú lắm anh".
Cô gái chậm rãi kể việc tới Bắc Giang. Cái giọng mềm mại, ngọt ngào, thân thương đưa tôi nhớ lại thời chiến tranh chống Mỹ cách đây đã mấy chục năm.
Bố cô là lính pháo cao xạ mặt đất. Trải qua bao trận địa ở Bắc Giang, ông cùng đồng đội trấn giữ bên bờ sông Thương. Ở đó đã xảy ra những cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt. Nhiều bà mẹ trong làng gần trận địa đã vá quần áo cho chiến sĩ sau trận đánh. Bố cô gái trải qua bao năm tháng vẫn giữ mấy bộ quần áo ấy, cho đến hôm nay, giờ nhờ con gái đưa đến Bảo tàng quốc gia để trưng bày, lưu trữ. Xong việc này con gái ông sẽ tìm đến những bà mẹ ở làng quê ven sông đó để thăm hỏi, tri ân. Cô sẽ đến thăm gia đình họ, viếng mộ những bà mẹ đã khuất...
"Em đã nghe ba em nói nhiều về sông Thương. Ba em là sinh viên khoa Văn đấy, đang học là xin nhập ngũ. Sông Thương. Sông Thương. Sông thương, sông nhớ. Tự sông Thương đã cất lên lời ca và chúng ta đều hát về con sông ấy. Có gì huyền diệu về con sông này và con người ở đó có gì thân thương đến lạ. Em nói thế có quá không hả anh?"
Cô gái đăm đăm nhìn ra cảnh vật bên ngoài qua ô cửa kính đẫm sương.
Trời đã mờ mờ sáng. Đoàn tàu hú tiếng còi dài lanh lảnh, từ từ tiến vào ga xép. Nhiều người vội vã bước xuống. Và tôi không giấu nổi sự bất ngờ khi thấy chàng trai của cô gái xách va ly cũng bước theo số người ấy.
Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh