Những người đàn ông thành 'lốp dự phòng' khi đi hẹn hò ở Trung Quốc

Những người đàn ông độc thân quá lâu, không có hộ khẩu thành phố thường bị các nhà mai mối bỏ lại, chỉ có thể thành 'lốp dự phòng' của ai đó.

 Một người đàn ông đang xin liên hệ của một cô gái tại sự kiện mai mối.

Một người đàn ông đang xin liên hệ của một cô gái tại sự kiện mai mối.

Chiều thứ 7 cuối tháng, Wang Lei - một nhân viên tiếp thị 37 tuổi chưa lập gia đình - một mình đi tới khu dân cư nhỏ ở đông nam Bắc Kinh, nơi tổ chức tiệc mai mối hàng tuần.

Đây không phải lần đầu tiên anh đến một ngày hội mai mối như vậy. Thực tế, những ngày cuối tuần của anh đều kín lịch đi xem mắt: tối thứ 6 ở quận Dongchen, chiều thứ 7 ở Triều Dương và chiều chủ nhật là Hải Điến.

Lịch trình xem mắt của Wang thậm chí bận rộn hơn vào các ngày lễ liên quan đến tình yêu ở Trung Quốc như Lễ tình nhân 14/2, lễ Thất tịch (được xem là Lễ tình nhân riêng của Trung Quốc), ngày 20/5 và lễ Độc thân 11/11.

Wang đã rong ruổi khắp các thành phố để tìm vợ. Theo cách nói của anh, việc gặp gỡ phụ nữ như một "công việc cuối tuần" mà anh đã gắn bó suốt 5 năm qua.

Miệt mài xem mắt

Wang Lei không đơn độc. Ở hầu hết sự kiện, anh có cả hội bạn độc thân của mình - những người đàn ông độc thân lâu năm, trong độ tuổi từ đầu 30 đến cuối 40.

Khoảng một nửa trong số họ là người gốc Bắc Kinh, có thu nhập thấp. Phần còn là dân nhập cư, làm công việc thuộc tầng lớp trung lưu: nhân viên công nghệ thông tin, tiếp thị, biên tập sách.

Độc thân nhiều năm, chưa từng kết hôn, những người đàn ông này bị các đơn vị mai mối cho "ra rìa"t, bị coi là những kẻ xui xẻo và không có phụ nữ nào yêu được.

 Những người đàn ông độc thân lâu năm, không có hộ khẩu thành phố và thu nhập thấp bị các đơn vị mai mối khinh thường.

Những người đàn ông độc thân lâu năm, không có hộ khẩu thành phố và thu nhập thấp bị các đơn vị mai mối khinh thường.

Một nửa của đánh giá đó phản ánh sự thật, nhưng có những điều các trung tâm mai mối đã hiểu sai về đàn ông độc thân, thậm chí khiến những nam giới này trở nên thù hận với phụ nữ mà họ cố gắng theo đuổi.

Trong suốt 5 năm nghiên cứu thực địa ở Bắc Kinh, Zhao Shanni - người có bằng Tiến sĩ Nhân chủng học từ ĐH Harvard - đã nhìn thấy cùng một nhóm đàn ông độc thân đi từ sự kiện này đến sự kiện khác, ngày càng hoài nghi sau mỗi mối tình thất bại và bị coi thường.

Những đàn ông như Wang và bạn bè của anh đôi khi bị giới mai mối ở Bắc Kinh gọi là "lao youtiao" - que quẩy chiên cũ. Khi còn mới, quẩy chiên là món ăn sáng rẻ tiền và phố biến ở thành phố này. Nhưng nếu để bên ngoài quá lâu, chúng sẽ ỉu và chảy dầu, không còn ngon.

Zhao Shanni lần đầu tiên nghe thấy thuật ngữ này là từ Yuan, giám đốc sự kiện mai mối chiều thứ 7 của Wang. Yuan thấy những chiếc sơ mi đẫm mồ hôi, mái tóc bóng nhờn và tư thế xấu xí của những người đàn ông đó không khác gì chiếc quẩy để lâu ngoài gió, cũ kỹ.

Nhưng Yuan thực tế là một trong những nhà tổ chức sự kiện thân thiện nhất với các anh chàng "lao youtiao". Các chuyên gia mai mối khác thường nhìn đàn ông độc thân lâu năm bằng ánh mắt thương hại lẫn khinh bỉ.

Có những người mai mối gọi "lao youtiao" là kiểu đàn ông "không thể sửa chữa", không biết xã giao và không có ý định chân thành trong việc tìm bạn đời.

Lốp dự phòng

Li, một nhà trị liệu tâm lý được các nhà tổ chức sự kiện mời đến để cố vấn cho những đàn ông độc thân, cũng có cái nhìn mù mờ tương tự về nhóm này, gọi họ là "những gã nông thôn muốn ép phụ nữ lấy mình".

Nhưng Yuan đã lên tiếng bảo vệ những anh chàng ế vợ, cho rằng "họ không tệ đến thế".

Yuan từng nghe nhiều nhà tổ chức sự kiện mai mối khác lo ngại rằng các anh chàng độc thân thô lỗ sẽ khiến phụ nữ không dám đến và làm ô nhục tổ chức của họ. Bởi vậy, phía tổ chức thiết lập rào cản để loại trừ "thanh niên lao động", họ ưu tiên các chàng trai trẻ tuổi, bóng bẩy và có hộ khẩu Bắc Kinh.

 Đàn ông ế vợ ở Trung Quốc bị ví như những chiếc quẩy cũ, chảy dầu và kém hấp dẫn.

Đàn ông ế vợ ở Trung Quốc bị ví như những chiếc quẩy cũ, chảy dầu và kém hấp dẫn.

Nếu các anh chàng "lao youtiao" có thiếu tinh tế thật, thì những nhà mai mối chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. Đúng là một số người độc thân ăn mặc tồi tàn và thiếu kỹ năng trò chuyện, nhưng nguồn gốc vấn đề của họ không được nhìn nhận đúng cách.

Là con trai trong một gia đình nông dân, Wang thất vọng trước thực tế rằng giàu có và hộ khẩu Bắc Kinh rất quan trọng trong hẹn hò.

"Mọi người ngày càng sử dụng tài sản vật chất, thu nhập, nhà ở và hoàn cảnh gia đình để sàng lọc các đối tác tiềm năng. Điều này quá thiên về vật chất. Nó ưu tiên tiền bạc hơn tình cảm", Wang nói.

Theo Wang, những người tham gia mai mối không thuộc tầng lớp ưu tú nhất có thể hy vọng trở thành "lốp dự phòng" - phương án phụ trong trường hợp lựa chọn hàng đầu của ai đó thất bại.

"Trong một sự kiện, người ta có thể chọn 10 đối tác tiềm năng. Trong đó, một số người hấp dẫn về ngoại hình, một số người là con nhà giàu. Nhưng nếu bạn không có một ưu thế nổi trội nào thì có thể trở thành lốp dự phòng".

Nhiều anh chàng độc thân cảm thấy như bị lợi dụng, cạn kiệt năng lượng sau những lần hẹn hò thất bại. Quy trình mai mối khiến họ không còn hy vọng, thấy mình là kẻ thừa thãi, là một "que quẩy đã chảy dầu" thật thảm hại.

Với Wang, mai mối cuối tuần cũng như công việc được trả lương thấp trong thành phố. Anh đã trở thành một nhân viên thụ động, làm việc cực nhọc với rất ít hy vọng thăng tiến.

"Phụ nữ độc thân là do họ lựa chọn, còn đàn ông 'bị bỏ lại' là những kẻ dư thừa", Wang chán nản nói.

Đinh Phạm

Ảnh: VCG

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/nhung-nguoi-dan-ong-thanh-lop-du-phong-khi-di-hen-ho-o-trung-quoc-post1446373.html