Những người dấn thân vì lợi ích cộng đồng

Thời gian gần đây, cái tên Lê Thị Hơ Rin, Bí thư Quận ủy quận 6, TP. Hồ Chí Minh xuất hiện khá dày trên các báo và mạng xã hội. Người ta khen chị dám 'xé rào' trong chống dịch và đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Trong lúc hệ thống y tế toàn thành phố đã quá tải và số người tử vong tăng cao, dù chưa có hướng dẫn của ngành y tế và cấp trên, chị Hơ Rin đã quyết đoán, chủ động cho phát thuốc kháng viêm, kháng đông điều trị cho F0 tại nhà. Và quận 6 là đơn vị đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh đã 'xé rào' trong chống dịch.

Bí thư quận 6 Lê Thị Hờ Rin (nữ áo xanh) báo cáo về nỗ lực chống dịch với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi. Phó thủ tướng tuyên dương mô hình chủ động của quận 6 và đề nghị các địa phương nhân rộng tinh thần này trong chống dịch. Ảnh: Thuận Thắng

Thật may là quyết định táo bạo của nữ Bí thư quận 6 đã thành công. Tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, coi việc cứu sống người dân trước đại dịch Covid-19 là trên hết của chị Hơ Rin đã hạn chế được số ca nhiễm và tử vong tại quận 6. Chị được lãnh đạo thành phố khen, lãnh đạo ngành y tế khen, được Phó thủ tướng Chính phủ đến tận nơi kiểm tra và khen ngợi, yêu cầu lãnh đạo các địa phương khác học tập tinh thần quyết đoán vì lợi ích cộng đồng của chị Hơ Rin. Ai cũng mừng cho chị.

Nhưng giả sử việc làm của chị Hơ Rin không mang lại hiệu quả, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng, như tỷ lệ tử vong cao thì chắc chắn sẽ là một “tội” lớn. Đương nhiên khi ấy, cái tên Hơ Rin cũng sẽ xuất hiện nhiều trên báo đài và mạng xã hội, nhưng sẽ theo chiều hướng ngược lại. Vậy, vì sao chị vẫn quyết làm? Trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí, chị Hơ Rin nói giản dị: “Nhiều ca tử vong như thế, là người đứng đầu, tôi không thể nhìn thấy có cách giúp dân mà không làm”. Và cách giúp dân của chị là huy động trí tuệ của người thân đang làm việc trong ngành y và chủ động gặp các chuyên gia dịch tễ giỏi để tham khảo ý kiến. Khi đã nắm phần chắc sẽ thành công, hoặc chí ít là kết quả khá hơn việc cứ ngồi chờ chỉ đạo từ trên, chị đã quyết định xé rào.

Câu chuyện của chị Hơ Rin trong công tác chống dịch, cho dù không phổ biến, nhưng thời nào, ở đâu cũng có những con người dám hy sinh vì lợi ích cộng đồng. Và “tượng đài” của việc xé rào vì lợi ích cộng đồng từ trước tới nay là cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - ông Kim Ngọc, người khởi xướng chủ trương “khoán hộ” ở tỉnh Vĩnh Phúc những năm 1966-1968. Với người nông dân cả nước, câu chuyện về cố Bí thư Kim Ngọc mãi mãi là một huyền thoại. Những hy sinh, đóng góp của ông đã giúp hàng chục triệu nông dân Việt Nam đổi đời. Cho đến hôm nay, tấm gương đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của ông vẫn còn nguyên giá trị, để lại những bài học quý giá trong xây dựng nông thôn mới.

Nếu ở miền Bắc có Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc thì miền Nam lại có ông Chín Cần (Nguyễn Văn Chính, người từng giữ cương vị Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam). Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Long An, ông Chín Cần từng “xé rào” trong việc chinh phục “rốn phèn” Đồng Tháp Mười. Ngày ấy, ngay cả chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng cây lúa không thể tồn tại trên vùng đất phèn. Nhưng ông Chín Cần không cam chịu. Ông kéo các nhà khoa học, những nông dân có nhiều kinh nghiệm vào cuộc, truyền cho họ sức mạnh và niềm tin. Từ quyết định táo bạo của Bí thư Tỉnh ủy Chín Cần, hàng ngàn lượt người đã tiến vào Đồng Tháp Mười đắp đường, mở đất. Hàng trăm kênh, rạch ngang, dọc giữa Đồng Tháp Mười đã đưa nước ngọt về rửa phèn, biến “rốn phèn” trở thành vùng đất màu mỡ. Ông Chín Cần còn là người tiên phong, đột phá vào thành trì của cơ chế quan liêu bao cấp - một hành động mà thời bấy giờ rất dễ bị quy chụp là “chống lại chủ nghĩa xã hội”…

Ông Kim Ngọc, ông Chín Cần hay chị Hơ Rin cũng đều là những cán bộ của Đảng, Nhà nước, công bộc của nhân dân. Hẳn họ cũng không khỏi băn khoăn khi một mình làm một kiểu và phải chịu trách nhiệm cao nhất về việc làm ấy. Và nếu không động lòng, đau xót trước sự đói khổ và sinh mạng của người dân, hẳn họ sẽ chọn cách làm “an toàn” nhất, là tuân thủ mọi chỉ đạo của cấp trên. Đúng là phải qua sóng gió, qua hoạn nạn mới thấy rõ dấu ấn nổi bật của người đứng đầu trong việc đưa ra những quyết sách sáng suốt, táo bạo và mới tỏ rõ năng lực, trì tuệ, nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên trước lợi ích của nhân dân. Nếu không có những con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung như thế thì không thể có những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong đổi mới, dựng xây đất nước.

Thật đáng mừng là vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã chính thức có một văn bản mang tầm chiến lược về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Kết luận số 14 được ban hành thật đúng thời điểm, với những nội dung sâu sắc và rất thiết thực, là mũi tên dẫn đường cho các ngành, địa phương, trong đó có Bình Phước mạnh tay trong sử dụng, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích nhân dân và lợi ích của Đảng, Nhà nước.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/129190/nhung-nguoi-dan-than-vi-loi-ich-cong-dong