Những người đi… ngược dòng
Với những hiệp sỹ chống sốc, đôi khi chỉ là cái bắt tay của người mẹ già, là giọt nước mắt của người vợ khi chồng mình còn sống, là lời cảm ơn và lời hứa tu chí làm lại cuộc đời của những người vừa cận kề cái chết.
Cho những ban mai trở lại
Kể từ ngày đầu tiên bắt đầu tham gia vào chương trình uống Methadone vào năm 2011, ngày nào cũng như ngày nào, dù trời quang mây tạnh hay gió mưa bão bùng, bất kể ngày thường hay lễ, Tết, anh Phạm Đình Thi, Trưởng nhóm Ban Mai Xanh (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng - SCDI) đều đặn đến cơ sở để uống thuốc. Liệu pháp điều trị nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone đã đem đến cho không chỉ anh Thi mà gần 53.000 bệnh nhân trên toàn quốc thoát khỏi sự lệ thuộc của các chất dạng thuốc phiện (heroin là một trong số đó).
Phạm Đình Thi từ quê lúa Thái Bình lên Điện Biên khi mới 7 tuổi, cậu con út tên Thi vốn được bố mẹ nuông chiều, đã bỏ học sớm, theo chúng bạn trong các cuộc vui quên tháng ngày. Rồi giống như nhiều cậu trai mới lớn khác tại Điện Biên, miền biên viễn với con đường vận chuyển heroin từ Lào sang Trung Quốc, anh nghiện ma túy và mang trong mình vi rút HIV.
“Hồi ấy mỗi lần giặt đồ, mẹ lại lấy cái que dài cả mét khều qua khều lại, ngâm quần áo anh vào thuốc tẩy. Cái quần vải thô màu xanh loang hết, như quần rằn ri…”. Hình ảnh chiếc quần vải thô loang màu ấy vẫn luôn gợi anh nhớ về những đêm dài không ăn ngủ, anh sống trong kỳ thị của người thân, của chính mình, trong lo sợ và trống rỗng khi nghĩ về tương lai.
Còn chị Lả, người con gái lớn lên từ bản Mới lại mang những ký ức buồn về mối tình thanh xuân khi HIV đã lấy đi người chị thương. Và để lại chị một cuộc sống khép mình trong bốn bức tường: “Lúc đó người yêu mất, mình lại nhiễm. Không muốn sống nữa, đau khổ lắm, người ta không hiểu như bây giờ. Đi ăn đám cưới, đám cỗ, người ta còn không dám ngồi cạnh mình”…
Thế rồi, từ những tháng ngày họ gặp nhau ở Tia Nắng Mới - CLB hỗ trợ những người sống chung với H vào năm 2008, “tia nắng” tình yêu đã le lói trong hai mảnh đời riêng, nhưng chung nhiều nỗi niềm ấy. “Nói thật, khi anh chị đến với nhau, hai bên gia đình đều phản đối. Trong mắt của các cụ lúc bấy giờ, chồng thì nghiện, vợ lại bệnh tật như thế thì chúng mày sống với nhau kiểu gì, chỉ có làm khổ nhau thôi”…
Nhưng chị Lả quyết tâm về chung một mái nhà với anh Thi. Những ngày đầu khi về sống với nhau, khó khăn chồng chất. Có khi chưa đến mùa thóc, nhà hết cả gạo ăn, tài sản của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn một chiếc xe đạp cọc cạch. “Lúc anh chị đến với nhau, Tết mà, đêm giao thừa, hai đứa muốn đi xem pháo hoa trên phố. Vẫn cái xe đạp cọc cạch, hai đứa đèo nhau đi. Ôi ra ngoài đường, người ta đi xe máy hết, cứ vút qua. Anh cũng chẳng biết có cái sức mạnh gì mà đi xe đạp thôi cũng vui, cũng cứ đi như người ta”…
Bằng tình yêu và sự kiên trì, chị thuyết phục anh vào điều trị Methadone vào tháng 7/2011. Rồi từ đó, hai vợ chồng cùng Trung tâm Học tập Cộng đồng xã bắt đầu hành trình truyền thông đến các bản về phòng, chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng, trên chính chiếc xe không có nổi tấm chắn bùn ngày nào...
Vào năm 2016, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), anh Thi và những thành viên nhóm bắt đầu hành trình cứu sốc tại các bản. Sau gần 4 năm triển khai hoạt động cứu sốc, Ban Mai Xanh đã cứu gần 150 người. Ca cứu sốc đầu tiên luôn là một kỷ niệm không thể nào quên với những “hiệp sĩ cứu sốc” này.
“Lúc đó, anh còn đang trong 3 tháng thử việc. Nhận tin của bà con, nạn nhân bị vứt xuống ao cho “tỉnh” đang nổi lều phều. Anh và mọi người vớt lên, quần áo bạn ấy ướt hết. Anh làm theo quy trình. Thế rồi nạn nhân tỉnh lại. Vừa run, vừa sợ, vừa vui, anh gọi điện khoe, kể đi, kể lại với chị cán bộ dự án”…
“Ngày xưa về ở với nhau, không ai dám vào nhà. Trẻ con vào nhà, về bị người lớn mắng. Bây giờ, họ hiểu hơn, họ sẵn sàng chia sẻ, đi ăn uống… Nhiều người nói không có thằng Thi và dự án thì có nhiều người chết. Nhà mình ở gần “điểm nóng” mà, gọi cái là đi ngay. Hàng xóm, ai cũng biết và ủng hộ vợ chồng Thi - Lả”..., anh Thi cười hiền hậu chia sẻ.
Từ “ anh chị” tới “hiệp sỹ chống sốc”
Được thành lập vào năm 2015, CLB Thành Công - Phú Lương (Thái Nguyên) là một trong những đơn vị đóng góp tích cực cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng người sử dụng ma túy tại địa phương. Ít ai biết rằng sự ra đời của CLB lại là cú lội ngược dòng đầy gian truân từ vòng xoáy ma túy của chính anh Lê Trung Tấn - trưởng nhóm.
“Anh tìm đến ma túy từ những năm 90, lúc đấy anh nghỉ học đi làm vàng. Nói thật ra ngày ấy ở trên bãi, nếu mình là người đi làm thuê thì suốt ngày làm ở trong hang, cứ phải nằm bàn đèn hút thuốc phiện thì mới ra dáng “bưởng”, đại ca, là bậc đàn anh, đàn chị…”.
Sinh ra trong một gia đình nghèo với 7 anh chị em, anh Tấn sớm vào đời theo bạn bè đi làm ăn. Năm 1991 được vàng, chàng thanh niên 25 tuổi về xuôi mua xe Dream, rồi xe Win. Anh kể lúc bấy giờ như thế là “hoành tráng” lắm, nào có nghĩ đến chuyện tậu nhà, tậu trâu, ổn định nhà cửa. Rồi gió đổi chiều, ròng rã 2 - 3 năm, nuôi hơn 80 quân trên bãi mà không được vàng, anh Tấn phải bán hết xe cộ, bỗng chốc cuộc đời lại quay về hai bàn tay trắng. Vì muốn cậu con út tu chí, bố mẹ xin cho anh vào làm lái xe tại một công ty ở Hà Nội nhưng “ngựa quen đường cũ”, anh bị cơ quan phát hiện sử dụng ma túy và bị đình chỉ công tác. Không dám ở nhà, anh Tấn tìm về cuộc sống trên bờ bãi và tiếp tục những tháng ngày chìm đắm trong làn khói trắng.
Nhiều lần vào, rồi lại ra trung tâm cai nghiện mà vẫn không dứt bỏ được ma túy, chàng thanh niên Tấn rong ruổi chạy xe Nam - Bắc rồi chuyển vào Tây Nguyên làm ăn. Vào trong Đắk Lắk, anh thuê một quán nhỏ ở Buôn Ma Thuột, lúc thì cắt tóc, lúc đi lái máy cày thuê, sửa xe máy, xe đạp và nhận công trình xây. Thế rồi giữa núi rừng Tây Nguyên nắng gió ấy, nhân duyên đưa anh đến với tình yêu của đời mình. Chị Đinh Thị Lê, vợ anh Tấn cũng không giấu nổi hạnh phúc khi nhớ về kỷ niệm xưa.
Những tưởng mái ấm gia đình sẽ khiến anh đoạn tuyệt với ma túy nhưng lại một lần nữa, lầm đường lạc lối, anh Tấn tìm đến ma túy. Anh phải vào trung tâm cai nghiện 18 tháng khi vợ mang bụng bầu bảy tháng. Kể về quãng thời gian đơn độc ấy, chị Lê nghẹn ngào nhớ lại ngày bụng mang dạ chửa, lặn lộn vào Nam sinh con rồi một mình nuôi con. Khi ấy, bà nội mới mất, ông nội già yếu, ngoài Bắc không người thân, không công ăn việc làm ổn định.
Chị Lê vẫn còn nhớ như in năm 2013, ngày anh Tấn nhận được cuộc gọi từ xã, báo tin anh được bắt đầu uống Methadone. “Nhớ hôm đấy, đang rửa xe ngoài kia, anh Tấn nghe được cuộc điện, anh ấy sướng quá, vừa nhảy vừa reo lên bảo chuẩn bị được đi uống Methadone rồi”… Từ khi uống Methadone, sức khỏe dần ổn định, anh Tấn dần tu chí làm ăn. Ngày ngày, anh đi khắp các quán nước mía, xin ngọn mía về trồng trên mảnh đất đi mượn của hội cựu chiến binh xóm. Thời gian đó, anh cũng hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện trong các hoạt động cộng đồng. Sau đó, anh thành lập CLB tự lực hỗ trợ người sử dụng ma túy, cùng các anh em đi gắp bơm kim tiêm ở các “điểm nóng” tại địa phương và tiếp cận, tư vấn về lợi ích của Methadone. Năm 2015, với sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, anh Tấn là một trong sáu người của huyện đi học đào tạo xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng.
Sau đó, anh kêu gọi thêm những anh em có tâm huyết với cộng đồng, thành lập nhóm Thành Công - Phú Lương với 18 thành viên nòng cốt. Các công việc chính của nhóm bao gồm: tiếp cận những người sử dụng ma túy, truyền thông giảm hại, xét nghiệm sàng lọc HIV, chuyển gửi đến các cơ sở điều trị ARV; hỗ trợ Phòng khám ngoại trú Methadone Phú Lương truyền thông về việc tuân thủ điều trị ARV và lợi ích của Methadone.
Anh chia sẻ: “Mình thật tâm muốn dìu dắt những người sử dụng ma túy để tham gia vào công việc có ích trong xã hội”. Hiện tại, phần lớn các thành viên trong CLB đều là những người từng sử dụng ma túy, những người cũng giống như anh Tấn, từng qua bao đắng cay, ngược dòng tìm về một cuộc đời lương thiện.
Anh Tấn kể rằng, khoảng năm 2015, ở địa phương anh rất nhiều người sốc ma túy, khi chỉ trong nửa năm, bãi tha ma đã có thêm mười mấy vòng hoa trắng chết vì sốc. Vốn nắm hết các địa điểm tập trung người nghiện, Tấn để lại số điện thoại và tờ rơi tới tất cả công an xóm, xã, trạm y tế thôn và những người sử dụng ma túy để khi có trường hợp sốc thuốc, họ có thể gọi ngay cho anh.
Không chỉ nhận được sự tin tưởng và ghi nhận của cộng đồng, CLB Thành Công - Phú Lương còn là địa chỉ tin cậy, là số máy để lực lượng công an xã và các bác sĩ ở các bệnh viện, trung tâm y tế liên hệ mỗi khi xảy ra sốc thuốc tại địa phương. Chưa bao giờ các anh nhận đó là những chiến công. Động lực cho anh Tấn cũng như những thành viên trong nhóm không quản ngại gian khó để viết tiếp những trang sổ cứu sốc.
Có thể nói, với anh Thi, anh Tấn, lời cảm ơn đôi khi chỉ là cái bắt tay của người mẹ già, là giọt nước mắt của người vợ khi chồng mình còn sống, là lời cảm ơn và lời hứa tu chí làm lại cuộc đời của những người vừa cận kề cái chết. Công việc nghĩa hiệp thầm lặng ấy của họ cho chúng ta thêm hy vọng về bao điều điều kỳ diệu. Khi mỗi con người, dù đã từng vấp ngã, sẽ đứng lên từ chính nơi họ đã từng tuyệt vọng...
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-nguoi-di-nguoc-dong-post498960.html