Những người đi qua chiến tranh
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta kéo dài hơn 2 thập kỷ và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975. Góp sức làm nên mùa xuân lịch sử ấy là tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình, ý chí quật cường, là máu xương của biết bao bộ đội, thanh niên xung phong và đồng bào yêu nước. 50 năm trôi qua, trong ký ức của những người đi qua chiến tranh vẫn còn vẹn nguyên sự khốc liệt của đạn bom, nghĩa tình đồng đội và niềm vui khải hoàn.Tháng 4/1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Ðào Xuân Kế, ở xã Hùng An (Kim Ðộng) khi đó là công nhân lái xe Nhà máy hoa quả Hưng Yên lên đường nhập ngũ, tham gia lực lượng bộ binh và được bổ sung cho mặt trận Ðường 9 làm nhiệm vụ vận chuyển bộ đội, hàng hóa. Giai đoạn này, những đoàn xe vận tải là mục tiêu đánh phá số 1 của giặc Mỹ. Cánh lái xe mỗi lần nhận nhiệm vụ là xác định 'cảm tử', nhưng chẳng ai nao núng, nhận lệnh là lên đường.

Ông Đào Xuân Kế, ở xã Hùng An (Kim Động) xem lại những cuốn sách viết về chiến tranh
Ông Kế say sưa kể: Năm 1970, giữa rừng Trường Sơn, quân đội Mỹ thả một đội biệt kích gần 50 tên chặn đoàn xe của ta vận chuyển lương thực, khí tài vào miền Nam. Tình huống khi đó, nếu không mở đường thì đoàn xe hơn 100 chiếc của ta sẽ bị lộ và bị đánh bom bất cứ lúc nào. Ông Kế khi đó là Trung đội phó được giao làm trinh sát. Tuy nhiên, trong quá trình làm nhiệm vụ, 1 thành viên tổ trinh sát bị lộ buộc ông cùng đồng đội phải nổ súng ngay và may mắn tiêu diệt được toàn bộ lực lượng đối phương. Sau chiến công đó, ông Kế được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Tháng 3/1972, giữa rừng Trường sơn đại ngàn, ông Kế vinh dự được kết nạp Ðảng. Suốt 7 năm ở chiến trường miền Nam, cùng những chuyến xe như con thoi chạy qua chảo lửa Ðường 9 vận chuyển lương thực, khí tài vào Nam, nhiều lần lực lượng công binh chỉ kịp gỡ bom, mìn bằng đúng vệt bánh xe, ông cùng các đồng đội "cân não" lái xe qua với quyết tâm duy nhất là bảo đảm an toàn hàng hóa phục vụ cho quân ta ở chiến trường.
Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi tìm gặp ông Lê Quang Trọng, ở phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên). Sau một hồi gợi chuyện, ông Trọng xúc động lấy ra cuốn lý lịch quân nhân và tập giấy chứng nhận khen thưởng mà ông lưu giữ hơn nửa thế kỷ qua. Mở từng trang giấy nhuốm màu thời gian, những ký ức về một thời hoa lửa từ chiến trường Quảng Trị đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử lại tràn về trong tâm khảm người cựu chiến binh như chuyện vừa xảy ra.

Ông Lê Quang Trọng, ở phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) xem lại những kỷ vật thời chiến
Ông Trọng nhớ lại, trong một lần ông cùng 3 đồng đội được giao nhiệm vụ trinh sát, đặt đài quan sát trên một quả đồi ngay trong vùng địch chiếm. Trong quá trình làm nhiệm vụ, tổ trinh sát bị trúng pháo của địch, 1 người bị thương nặng và 2 người hi sinh. Nhận lệnh của cấp trên cho rút lui để bảo toàn lực lượng, ông Trọng bị sức ép của đạn pháo, bị thương nhẹ nhưng vẫn cố gắng mang khí tài, máy thông tin và đưa đồng đội thoát ra khỏi vùng địch chiếm đóng. 3 ngày sau, bất chấp nguy hiểm, ông Trọng cùng đồng đội vượt sông, vào vùng địch chiếm đưa 2 đồng đội đã hi sinh về căn cứ để mai táng.
Từ chiều ngày 29/4/1975, đơn vị ông được lệnh tập kết ở khu vực sông Nhà Bè, nếu địch không đầu hàng sẽ tràn qua sông đánh vào Sài Gòn. Sáng ngày 30/4, rất nhiều máy bay Mỹ từ Sài Gòn bay ra phía Biển Ðông. Khi đang căng thẳng chờ đợi trong những địa điểm ẩn nấp thì nghe tin chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng, mọi người đã đổ ra đường hò reo, ăn mừng chiến thắng với cảm xúc vui sướng tột độ.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, chàng trai Vũ Ðình Luật, ở xã Minh Hoàng (Phù Cừ) đã xếp bút nghiên, xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào một đơn vị pháo cao xạ, cùng đồng đội chiến đấu kiên cường đến ngày đại thắng. Sau niềm vui khải hoàn, cựu chiến binh, thương binh Vũ Ðình Luật luôn cảm thấy niềm vui không trọn vẹn khi người thân và rất nhiều đồng đội còn nằm lại chiến trường, ông Luật đã một mình trở lại chiến trường tìm hài cốt đồng đội.

Ông Vũ Đình Luật, xã Minh Hoàng (Phù Cừ) đứng bên các đồng đội thời quân ngũ
Năm 2012, ông Luật có thêm 5 cựu chiến binh ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Ðăng, tỉnh Bình Phước (nơi gia đình ông chuyển vào sinh sống từ năm 2000) đồng hành. Từ 1 tổ tình nguyện 5 người, đến nay đã phát triển thành Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ của tỉnh Bình Phước với trên 200 hội viên, trong đó có nhiều tình nguyện viên ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông Luật cùng các tình nguyện viên tìm kiếm được 168 hài cốt liệt sĩ và hỗ trợ nhiều gia đình đưa liệt sĩ trở về quê hương miễn phí. Trong đó có một cuộc tìm kiếm, quy tập được 74 hài cốt liệt sĩ do Nhân dân báo tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (Bình Ðịnh) vào năm 2013.
Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên đã lãnh đạo quân và dân dốc sức thi đua sản xuất, hoàn thành mọi nghĩa vụ với tiền tuyến lớn. Hàng vạn thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu, lực lượng thanh niên, dân công hỏa tuyến, công nhân kỹ thuật xung phong đi phục vụ chiến đấu.
50 năm kể từ chiến thắng mùa xuân năm 1975 ấy, những người lính Cụ Hồ năm xưa trở về với đời thường nhưng chưa giây phút nào họ quên những đồng đội đã ngã xuống ngay trước giờ đất nước khải hoàn. Họ luôn sống trong những ký ức đẹp một thời tuổi trẻ đánh giặc cứu nước để hôm nay tiếp tục giữ gìn, phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Ðảng, thi đua xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nhung-nguoi-di-qua-chien-tranh-3180827.html