Video: Những người luôn trở về nhà sau cùng, đón mùa xuân muộn nhất.
Những ngày cuối năm trong khi nhà nhà tất bật chuẩn bị đồ Tết, những người đi xa lập nghiệp háo hức về bên gia đình để hưởng Tết đoàn viên thì hơn 600 nhân viên ngành đường sắt thầm lặng làm việc, chở Tết đi muôn phương trên những chuyến tàu xuyên Giao thừa.
Họ tạm gác niềm vui quây quần bên gia đình để thực hiện nhiệm vụ đưa đón hành khách về quê ăn Tết đoàn viên.
Trong các ngày cao điểm Tết từ 1 đến 5/2, ngành đường sắt tổ chức chạy 83 đoàn tàu khách xuất phát từ ga Sài Gòn về các tỉnh miền Trung, miền Bắc để đưa bà con về quê sum họp cùng gia đình.
Theo ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, công ty đã phối hợp với ga Sài Gòn, công an địa phương tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn, trật tự hành khách tại nhà ga. Đồng thời, bố trí nhân viên hỗ trợ hành khách lên xuống tàu được thuận tiện, nhanh chóng. Các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn đạt tỷ lệ đúng giờ 100%.
Mỗi ngày, hàng chục chuyến tàu chở theo hàng nghìn hành khách và hàng trăm tấn hàng hóa. Khi tàu đến ga, từ trưởng tàu đến cán bộ nhân viên các bộ phận trên tàu đều không ai bảo ai hỗ trợ chuyển hành lý, hướng dẫn khách lên đúng toa tàu.
Trước mỗi chuyến tàu, nhất là thời điểm giáp Tết, nhân viên đường sắt phải có mặt tại tàu trước 3 tiếng để kiểm tra và thực hiện các thủ tục đảm bảo an toàn cho hành khách.
Hỗ trợ khách tìm đúng khoang tàu.
Những đêm không ngủ của nhân viên đường sắt Bắc - Nam.
Ông Nguyễn Văn Khánh, 55 tuổi, người phục vụ ăn uống cho hành khách và nhân viên trên tàu Bắc - Nam chia sẻ, vào nghề gần 30 năm thì chỉ 1 lần được đón Giao thừa với gia đình. Với người làm bếp, Tết luôn gợi cho ông Tiến cảm giác về bữa cơm sum họp nên nỗi nhớ càng da diết, cháy bỏng. "Nhưng đó là những năm đầu, sau này đi riết rồi cũng quen, tất nhiên cũng không tránh khỏi phút chạnh lòng. Bây giờ, chuyện đón Tết trên tàu của nhân viên đường sắt là lẽ bình thường của nghề", ông Khánh chia sẻ.
Nhân viên hậu cần trên tàu gọi vui với nhau bằng cái tên: "Người con dâu của mọi nhà".
Hành khách đông trên những chuyến tàu ngày cận Tết, công tác vệ sinh của nhân viên đường sắt cũng cực hơn vì phải thực hiện nghiêm ngặt.
“Nghề của chúng tôi là nghề dịch vụ, ngày Tết mọi người nghỉ thì chúng tôi lại vào giai đoạn cao điểm, hầu như không có nhiều thời gian nghỉ”- Trưởng tàu SE10 Nguyễn Văn Thanh tâm sự. Anh cho biết, tàu Bắc - Nam SE10 khởi hành từ ga Sài Gòn lúc 13h10 ngày 7/2 (28 Tết), tới Hà Nội khoảng 4h sáng 9/2 (30 Tết). Anh em đội tàu có vài tiếng nghỉ ngơi, sau đó 13h50 ngày 9/2 sẽ lên mác tàu SE9 quay đầu vào TP.HCM, , dự kiến thời khắc Giao thừa tàu sẽ trên địa phận tỉnh Quảng Bình.
Đối với nhân viên nhà tàu chuyện đón Tết trên đường ray là chuyện hết sức bình thường, nhiều người cả chục năm không có Giao thừa ở nhà với vợ con. Bữa cơm tối của nhân viên đường sắt trên tàu SE3 tối 6/2 (tức 27 tháng Chạp) muộn hơn 3 tiếng so với ngày thường, sau khi đảm bảo phục vụ xong cho hành khách.
Con tàu lần lượt dừng lại ở từng sân ga, đưa từng hành khách về đến nhà, sum vầy cùng gia đình...
Còn tàu vẫn miệt mài đi về điểm cuối cùng của hành trình.Trên đó, có những người đang lặng lẽ góp phần chở mùa xuân về với mọi nhà trên các chuyến tàu.
Với hành trình cao điểm Tết, phục vụ hành khách, thay vì đón thời khắc chuyển giao năm cũ qua năm mới bên gia đình, công nhân viên đường sắt cùng nhau trải qua thời khắc thiêng liêng này. (Ảnh đón Giao thừa năm 2023 trên tàu SE10)
Những người luôn trở về nhà sau cùng, đón mùa xuân đoàn tụ muộn nhất.