Những người 'đứng mũi, chịu sào'

PTĐT - Nắm 'sứ mệnh' được Đảng và Nhà nước giao phó, ngày qua ngày, đội ngũ những người làm công tác dân vận trên quê hương Đất Tổ vẫn miệt mài trên mọi nẻo đường, in dấu chân trên những vùng đất khó...

Kỳ 1: Dặm dài bước chân nơi rẻo cao
PTĐT - Nắm “sứ mệnh” được Đảng và Nhà nước giao phó, ngày qua ngày, đội ngũ những người làm công tác dân vận trên quê hương Đất Tổ vẫn miệt mài trên mọi nẻo đường, in dấu chân trên những vùng đất khó, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Họ trở thành cầu nối mang những tri thức mới; tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ những tập tục lạc hậu, bài trừ tệ nạn xã hội và tích cực tham gia xây dựng đời sống mới ở làng bản.

Già làng Sùng A Vang (người ngồi ngoài cùng bên trái) kiên trì đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ những hủ tục.

Già làng Sùng A Vang (người ngồi ngoài cùng bên trái) kiên trì đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ những hủ tục.

Vận động bà con từ bỏ hủ tục Gần 20 năm qua, Sùng A Vang - già làng bản Mỹ Á, xã Thu Cúc (huyện Tân Sơn) mặc cho mưa dầm hay nắng gắt, vẫn đến từng nhà, lên tận nương rẫy và luôn có mặt trong các buổi sinh hoạt khu dân cư hay các buổi sinh hoạt của người cao tuổi để kiên trì thuyết phục người dân từ bỏ những hủ tục, xây dựng nếp sống mới.Bản Mỹ Á nằm ở cuối xã Thu Cúc, nơi giáp ranh với 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái, hiện có 136 hộ dân với 750 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc H’Mông sống rải rác trên các sườn đồi. Trước kia, cuộc sống của đồng bào nơi đây rất khó khăn bởi cái đói, cái nghèo bủa vây, nhiều hủ tục còn đeo đẳng như tổ chức ma chay dài ngày, không đưa người chết vào quan tài; giết nhiều trâu, bò trong đám ma hay suy nghĩ không được sử dụng các biện pháp tránh thai…Ngày trước, đám tang của người Mông thường tổ chức từ 4 - 5 ngày, thậm chí kéo dài cả tuần lễ; thi thể người chết không được đưa ngay vào quan tài mà treo ở giữa nhà. Hằng ngày, gia đình làm lễ cúng cơm và mổ trâu, bò, ăn uống linh đình cho đến khi người chết được đưa đi chôn. Sau đi đưa người chết đi chôn, gia đình lại tiếp tục mổ trâu, bò đem chia cho những người tham gia phục vụ việc chôn cất. Sau đám tang, có gia đình không còn kế sinh nhai bởi đã mổ hết trâu, bò hoặc trở thành “con nợ” do phải vay mượn để lo tang ma.Già làng Sùng A Vang cho biết: Việc tổ chức đám tang theo hủ tục này không phù hợp với nếp sống văn minh, gây tốn kém về kinh tế, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, khó phòng tránh lây lan dịch bệnh. Đây là một tập tục lạc hậu đã ăn sâu, bén rễ trong đồng bào từ nhiều đời nên muốn thay đổi được không phải một sớm, một chiều mà phải kiên trì, “mưa dầm thấm lâu”. Ông đã đến từng nhà trong bản để gặp những người cao tuổi, nói cho họ hiểu về hệ lụy của hủ tục, từ đó từng bước vận động từ bỏ. Khi người cao tuổi nghĩ thông suốt thì họ chính là những người vận động con cháu cùng xóa bỏ hủ tục. Với những gia đình có người chết, ông cùng với trưởng khu và cán bộ địa phương xuống tận nơi, vừa vận động, thuyết phục, vừa giúp đỡ gia đình những công việc trong đám tang.Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tuyên truyền, vận động của già làng Sùng A Vang cũng “thuận buồm, xuôi gió”. Già làng chia sẻ: Nhiều lần tôi đến các gia đình để vận động mà họ kịch liệt phản đối. Họ cho rằng nếu không làm đúng, đủ các bước trong đám tang thì người chết không được siêu thoát, con cháu sau này không được yên ổn sinh sống, làm ăn. Những lúc như thế, tôi phải tranh thủ thời gian để gặp từng người. Hôm nay lên rẫy tìm gặp một người, ngày mai ra suối tìm gặp một người… đến khi nào họ đồng thuận mới thôi. Nhờ sự chân thành, bền bỉ và cách nói chuyện đơn giản, dễ đi vào lòng người, già làng Sùng A Vang đã làm thay đổi suy nghĩ, giúp người dân Mỹ Á dần từ bỏ những hủ tục lạc hậu. Bà Vàng Thị Ly (50 tuổi) - chia sẻ: Già làng bảo rằng, con người có sinh, có tử, đó là quy luật rồi. Con cháu phải hiếu thảo với bố mẹ lúc còn sống, lúc chết thì làm đám tang cho phải đạo, không xuề xòa, qua loa nhưng cũng không nên quá linh đình, tốn kém. Còn việc sinh đẻ là lộc trời cho, trai hay gái đều là con của mình nhưng không nên đẻ nhiều, đẻ “vỡ kế hoạch”, như thế con cái càng khổ, nhà càng nghèo. Bây giờ bà con mình đã hiểu nên không còn tổ chức đám tang dài ngày nữa, người chết cũng được đưa vào quan tài rồi. Sinh đẻ cũng kế hoạch hơn trước, đời sống nhờ đó mà cũng đỡ vất vả hơn. Có thể nói, hành trình xóa bỏ hủ tục của đồng bào dân tộc H’Mông ở bản Mỹ Á là một cuộc cách mạng về nhận thức trong đồng bào dân tộc thiểu số mà già làng Sùng A Vang là một thủ lĩnh. Với sự tận tâm, trách nhiệm và tấm lòng luôn nghĩ về người dân, già làng Sùng A Vang đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nếp sống mới, chung tay phát triển quê hương Mỹ Á ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ông Thành (người ngồi ngoài cùng bên trái) cung cấp cho người dân những thông tin về tác hại và hậu quả khi sử dụng, buôn bán ma túy.

Ông Thành (người ngồi ngoài cùng bên trái) cung cấp cho người dân những thông tin về tác hại và hậu quả khi sử dụng, buôn bán ma túy.

Vì sự bình yên nơi xóm núiCách đây khoảng chục năm, khu Đồng Thịnh, xã Minh Đài từng là địa bàn trọng điểm về tệ nạn xã hội của huyện miền núi Tân Sơn. Cả khu có trên 170 hộ dân với trên 900 nhân khẩu, bình quân cứ 10 nhà dân lại có 1 người nghiện ma túy. Nhiều người nghiện ma túy thường xuyên gây mất an ninh trật tự ở cơ sở. Đặc biệt, trên địa bàn xuất hiện đối tượng bị truy nã vì tội lừa đảo và một nhóm đối tượng buôn bán ma túy, đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhân dân trong một thời gian dài.Trước tình hình đó, ông Nguyễn Văn Thành - công an viên xã Minh Đài luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để đảm bảo an ninh trật tự, để người dân yên tâm sinh sống và lao động sản xuất. Chính vì thế, ông Thành đã phối hợp với trưởng khu dân cư tham mưu với Đảng ủy, UBND xã thành lập Ban An ninh trật tự và Tổ liên gia tự quản tại khu Đồng Thịnh với 15 thành viên là trưởng các ban, ngành, đoàn thể của khu và một số cá nhân nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với công việc; trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng lĩnh vực. Hằng ngày, các thành viên Ban An ninh trật tự và Tổ liên gia tự quản của khu đã chủ động nắm bắt tình hình an ninh trật tự tại địa phương thông qua việc tuần tra, canh gác, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của khu dân cư; tham gia quản lý giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng…Là Phó ban Thường trực Ban An ninh trật tự, Tổ trưởng Tổ liên gia tự quản cùng với kinh nghiệm hơn 15 năm là công an viên, ông Thành đã phát huy vai trò hạt nhân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thường xuyên đến từng hộ gia đình để vận động, đôn đốc, nhắc nhở người dân chấp hành các quy định về đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường… và tham gia đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn. Với cách gợi chuyện và vận động khéo léo, ông Thành tạo được sự tin tưởng của bà con nhân dân, được nhân dân cung cấp nhiều thông tin tố giác tội phạm. Ông cũng thông tin cho bà con về tác hại và hậu quả khi sử dụng, buôn bán ma túy để nhân dân nắm rõ. Từ đó đề cao ý thức thượng tôn pháp luật trong nhân dân, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên tại địa bàn, giúp các em có lối sống tích cực hơn, tránh xa những cám dỗ, thói hư tật xấu để sống có ích cho gia đình và xã hội. Đặc biệt, đối với các đối tượng bị truy nã và buôn bán ma túy trên địa bàn, ông đã không quản ngày đêm theo dõi hoạt động của chúng để kịp thời báo cáo và giúp cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ. Nhờ việc thường xuyên đi xuống địa bàn để kịp thời nắm bắt tình hình dân cư cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân, ông còn kịp thời phát hiện và tham gia hòa giải nhiều mâu thuẫn trong nhân dân, giúp người dân xóa bỏ hiềm khích và hạn chế tối đa những vụ việc phát sinh ở cơ sở.“Ông Thành là người nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm với công việc. Những việc làm thiết thực và ý nghĩa của ông đã góp phần ngăn chặn, giảm thiểu các tệ nạn xã hội trên địa bàn khu Đồng Thịnh trong những năm gần đây. Đến nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của khu đã ổn định. Bà con nhân dân yên tâm sinh sống và lao động sản xuất” - ông Nguyễn Quý Dân, Trưởng khu Đồng Thịnh khẳng định.Già làng Sùng A Vang và công an viên Nguyễn Văn Thành là 2 trong số rất nhiều tấm gương điển hình về “Dân vận khéo” của tỉnh. Họ đã và đang ngày đêm cống hiến sức mình cho sự phát triển văn hóa, xã hội, tạo nên những đổi thay trong tư tưởng, nếp nghĩ của bà con nhân dân để xây dựng đời sống ấm no và bình yên trên những vùng đất khó.Kỳ 2: Những người “nói dân tin, làm dân thấy”

Thanh Hòa - Vũ Tuân

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202008/nhung-nguoi-dung-mui-chiu-sao-172512