Những người giàu lặng lẽ

Nhật Bản không chỉ là quốc gia có nền kinh tế thứ ba thế giới, đất nước nhiều người có tuổi thọ cao nhất thế giới, sở hữu nền văn hóa đặc sắc mà còn là nơi có nhiều người giàu có.

Nền giáo dục Nhật Bản hình thành lối sống cộng đồng của các thành phần khác nhau trong xã hội.

Nền giáo dục Nhật Bản hình thành lối sống cộng đồng của các thành phần khác nhau trong xã hội.

Tuy nhiên, giới người giàu Nhật Bản lại được người đời biết đến không phải ở sự hào nhoáng mà ngược lại, chính ở sự lặng lẽ của họ. Dù của cải, tiền bạc đã dư thừa nhưng họ vẫn làm việc như những công dân bình thường. Người ta có thể gặp một tỷ phú Nhật Bản đi bộ ngay trên đường phố, hoặc làm vườn ở một chốn thôn quê yên ả.

Hình như cuộc sống xa hoa rất xa lạ với người giàu ở Nhật Bản. Những người phụ nữ giàu có ít la cà tìm kiếm những món hàng hiệu đắt tiền. Còn bên cạnh đàn ông giàu người Nhật không thấy bóng các “chân dài”. Với họ, đẳng cấp không phải là bề nổi bên ngoài mà là một cuộc sống lao động không ngừng nghỉ, một mái nhà yên ấm và một sự nghiệp để lại sau khi đã nhắm mắt xuôi tay. Người giàu ở Nhật Bản thích tự ví mình như loài hoa anh đào, khi nở rất lộng lẫy, nở hết mình và rồi đột ngột trút hết những cánh hoa để trôi theo dòng nước.

“Đó chính là thẳm sâu của một nền văn hóa đã làm nên tính cách và sự chọn lựa cách sống của người Nhật Bản, dù là giới giàu có hay giới bình dân” - Marine Matthier, một học giả phương Tây chuyên nghiên cứu về Nhật Bản nhận xét và thêm rằng, vì thế trong ngôn ngữ quốc gia này hầu như không thấy xuất hiện từ “đại gia”.

Theo tờ Japan Times, giới giàu có ở Nhật Bản không tự “nhốt mình” trong những biệt thự khổng lồ với tường cao bao quanh. Họ thậm chí sống bình dị như những cư dân thông thường mà chẳng ai nhận ra sự khác biệt. Họ dị ứng với sự phô trương, vì họ quan niệm tiêu pha phung phí không phải là phải đẳng cấp nên cũng không cần tạo ra sự khác biệt. Người ta nói rằng, chính nhờ sự đoàn kết, hòa mình trong cộng đồng mà Nhật Bản đã chống chọi được với thiên tai, chiến tranh để gây dựng nền kinh tế phồn vinh.

Vậy, giới nhà giàu Nhật Bản đang sống như thế nào và họ tiêu số tiền khổng lồ của mình ra sao?

Tác giả Atsushi Miura của cuốn “The New Rich” đã tìm hiểu và phát hiện khoảng 1,3 triệu người Nhật, tương đương 1% tổng dân số có tài sản “dư ra” từ 100 triệu Yên trở lên (hơn 20 tỷ đồng Việt Nam) và thu nhập hàng năm đạt tối thiểu 30 triệu Yên (hơn 6 tỷ đồng). Nghiên cứu của Miura cũng cho thấy tuy thu nhập cao và khá ổn định như vậy nhưng họ cũng ít xây biệt thự và cũng không sử dụng nhiều đồ xa xỉ phục vụ trực tiếp cuộc sống hàng ngày. Thay vào đó, người giàu Nhật Bản thường chi tiêu cho những giá trị vô hình như nghệ thuật, tham gia các buổi diễn văn hóa hay đấu giá tác phẩm... Sự chi tiêu cho những khoản này không chỉ có ở các tỷ phú mà ngay cả giới trung lưu cũng thường hướng tới.

“Tất nhiên, đã là nhà giàu thì họ cũng hay đi du lịch, cũng có du thuyền hay các sản phẩm phục vụ cuộc sống thượng lưu lúc cần thiết. Nhưng khi trở lại đời thường, một người giàu Nhật Bản nhìn chung chẳng khác gì bao công dân khác” - nhận xét của Miura. Trên thực tế, họ thường hay mua đồ nội địa và thích du lịch trong nước hơn ra nước ngoài, họ thích rượu nội Nihonshu hơn rượu vang ngoại, ưa các tác phẩm nghệ thuật cổ truyền hơn là sản phẩm văn hóa Phương Tây.

Sở dĩ như vậy là do người Nhật nói chung hiểu được vai trò của mình trong xã hội khi ý thức được rằng mỗi khoản chi tiêu cho hàng nội địa sẽ đóng góp cho nền kinh tế hay những hộ gia đình nghèo khác.

Đáng chú ý, trong cuốn “Capital in the Twenty-First Century”, tác giả Thomas Piketty cho rằng Nhật Bản là một trong những nước đánh thuế rất cao với nhà giàu. Thuế thu nhập đối với giới giàu có tại đây có thể lên đến 45%. Điều đó giúp cho sự phân phối toàn xã hội trở nên công bằng hơn và cũng khiến người giàu trở nên kín đáo hơn.

Vẫn theo tác giả Miura, đối với giới nhà giàu Nhật Bản bất kể họ kiếm tiền từ hai bàn tay trắng hay thừa kế thì cũng không có “kẻ giàu lười biếng”. Phần lớn người giàu ở quốc gia này vẫn kiếm công việc để làm hoặc xây dựng khối tài sản được thừa kế chứ không ăn chơi trác táng, sống mơ màng hưởng thụ hay khoe giàu.

Miura lấy ví dụ về vị cựu Chủ tịch Haruka Nishimatsu của Japan Airlines - hãng hàng không Nhật Bản lớn thứ 6 thế giới về lượng hành khách. Dù giàu có nhưng ông Nishimatsu vẫn đi xe buýt đến công ty hàng ngày, cùng ăn trưa với nhân viên trong căn-tin hay mua đồ ở những cửa hàng bán quần áo giảm giá.

“Lối sống khắc khổ đã ăn sâu vào người Nhật chúng tôi như một phần của văn hóa truyền thống, nghĩa là không nên than phiền về sự nghèo khó và càng không nên khoe khoang sự giàu có” - ông Nishimatsu nói và cho rằng phần lớn người giàu Nhật Bản thích được truyền lại cho con cháu cách làm giàu hơn là chỉ để lại tiền bạc. Chính vì thế, thay vì để trẻ tự do phát triển sống đời sung sướng, giới nhà giàu Nhật Bản lại giáo dục để chúng hiểu cách “vận động” của tiền bạc để sinh lời ra sao mà không ỷ lại vào tài sản thừa kế.

Thật đáng nể khi trong một báo cáo của Nomura Research cho thấy, trong khi chỉ 8% dân số có kinh nghiệm về đầu tư tài chính thì 24% trẻ em trong các gia đình Nhật Bản có tài sản trên 100 triệu Yên đã từng đầu tư. Thậm chí 52% số trẻ em trong các gia đình này có hẳn 1 danh mục đầu tư của riêng mình.

Tuy nhiên, ở khía cạnh này cũng có một vấn đề đáng chú ý là thuế thừa kế tại Nhật Bản rất cao: lên đến 55%, vì thế con cháu gia đình giàu có đều hiểu họ không thể trông chờ quá nhiều vào tài sản thừa kế. Vấn đề là phải tự mình làm ra, không thể trông chờ, ỷ lại.

Người ta thường nói rằng, ở Nhật Bản, bạn có thể sống cạnh một tỷ phú mà không biết, bởi vì ngôi nhà của anh ta cũng giống như ngôi nhà của bạn; con cái của họ cũng không khác gì con cái bạn vì chúng cũng đến một một ngôi trường với con cái bạn. Nếu như khái niệm “đại gia” dành cho người lớn ở Nhật Bản hiếm khi xuất hiện, thì với trẻ em cũng không có nhiều “cậu ấm, cô chiêu”.

Nói như tác giả Miura thì một đặc tính vô cùng đáng quý giới giàu có Nhật Bản là họ luôn tỉnh táo trước sự giàu có của mình. Họ vẫn có xu hướng kiếm việc làm và làm việc cả đời. Lý do chủ yếu là do họ thấu hiểu họ đạt được sự giàu có là nhờ nỗ lực tự thân hoặc nhờ vào những kỹ năng, ý tưởng đặc biệt. Họ nhận thức rất rõ rằng không ai sinh ra đã tự nhiên giàu có, vì thế dẫu tiền có “chất như núi” thì họ vẫn ra khỏi nhà đi làm từ sáng sớm và về nhà vào buổi chiều muộn.

Tại Nhật Bản có khái niệm “nghiện việc”. Điều này được cho là khởi đầu từ giới giàu có: Họ luôn tay luôn chân, không một ngày ngồi không mà không làm việc gì. Điều đó với giới giàu có phương Tây thật là khó hiểu, nhưng với người Nhật lại được tôn trọng như một phẩm chất.

Ngày nay, xã hội đổi khác rất nhiều nhưng chính vì cách đặt vấn đề với cuộc sống như vậy nên người ta cũng ít thấy giới trẻ Nhật Bản vung phí tiền bạc, hoặc giết thời gian trong những cuộc tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, hay là lượn lờ khuân từng đống hàng hiệu từ siêu thị về nhà. Có chăng, họ khác cha mẹ ở chỗ thường thích sống trong các khu chung cư cao cấp ở trung tâm thành phố, với những tiện nghi đầy đủ tuy rằng phải trả nhiều chi phí hơn là sống trong những khu nhà vườn ở ngoại ô. Và họ cũng thích đi du lịch nước ngoài hơn thế hệ những người cao tuổi, với quan niệm đi xa để khám phá.

Theo Giáo sư Kenji Cho (Viện Đại học Kyushu), sở dĩ nước Nhật “giàu bền” là do họ lo cho nông dân trước. Ngay sau khi thất trận trong thế chiến thứ hai, lúc bấy giờ nước Nhật dân số phần lớn là nông dân nên đã được giúp đỡ trước tiên với mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho nông dân, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa ổn định xã hội một cách bền vững. Năm 1947 và sau đó là năm 1954, Nhật Bản đã ban hành luật về nông nghiệp.

Người Nhật cũng xác định để vươn lên giàu có thì phải bắt đầu từ “trồng người”. Mọi người đều tin tưởng rằng làm gì cũng phải có kiến thức và cái tâm để mỗi sản phẩm “Made in Japan” đều được tiếp nhận. Người Nhật tiết kiệm nhưng không hà tiện, bằng chứng là bữa ăn hàng ngày “đủ dùng” là được, nhưng họ sẵn sàng đầu tư xây dựng những trung tâm thương mại, sân bay, nhà ga, xe điện ngầm, tàu lửa siêu tốc, trường học, bệnh viện, công viên, đền chùa… rất hoành tráng.

Viên chức ở Nhật Bản thấm nhuần tư tưởng tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, có lãi để có tiền đóng góp cho ngân sách quốc gia, thay vì làm khó dễ doanh nghiệp để kiếm lợi riêng. Họ hiểu rằng khi các doanh nghiệp có lãi nhiều thì lương của người lao động cũng lớn, đóng thuế thu nhập cao. Và khi đó họ sẽ mua sắm nhiều hơn, đóng thuế càng nhiều hơn.

BẢO THƯ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhung-nguoi-giau-lang-le-5677424.html