Những người 'gieo chữ' ở Làng Sáng

Các thầy, cô giáo Điểm trường Làng Sáng chuẩn bị bữa trưa cho học sinh.

Các thầy, cô giáo Điểm trường Làng Sáng chuẩn bị bữa trưa cho học sinh.

“Ngày ngày vui với các con

Mái trường nơi ấy vẫn còn đơn sơ

Bao quanh những dải sương mờ

Cô, trò vào lớp vẫn chờ nắng lên”

Những câu thơ mộc mạc mà người thầy giáo cắm bản vùng cao đọc cho tôi nghe vài năm trước luôn khắc sâu vào tâm trí, thôi thúc tôi khoác balo lên đường đến với điểm trường vùng cao Làng Sáng, xã Háng Đồng (Bắc Yên). Mỗi lần đến, thêm một lần cảm phục các thày, cô giáo, những người miệt mài “gieo chữ” nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này.

Con đường từ trung tâm xã Háng Đồng đến Làng Sáng giờ đây đã được đổ bê tông, nhưng đèo dốc cao quanh co, khiến chúng tôi vẫn phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để đến được điểm trường Làng Sáng. Từ xa, đã thấy ngôi nhà lắp ghép có 4 phòng học, được xây dựng trên diện tích đất khá rộng và bằng phẳng. Hiện, điểm trường có 4 thầy giáo phụ trách cấp tiểu học và 3 cô giáo phụ trách bậc mầm non, với tổng số 45 học sinh.

Đón chúng tôi là thầy giáo Nguyễn Văn Trường, một trong những giáo viên có nhiều năm gắn bó với điểm trường Làng Sáng. Thầy Trường kể về những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời nghề giáo: Chỉ cách đây 3 năm thôi, mỗi lần đến được điểm trường Làng Sáng, những giáo viên cắm bản đều phải băng rừng, vượt qua những con đường mòn ẩm ướt, trơn trượt chạy xuyên qua những cánh rừng do người dân tự mở. Con đường từ trung tâm xã đến bản 20 km, nhưng phải đi mất gần 6 giờ đồng hồ. Chúng tôi thường về thăm nhà vào trưa thứ 6 và trở lại điểm trường vào sáng Chủ Nhật. Nếu đi bằng xe máy thì phải cuốn dây xích vào lốp, vì dốc cao, đường trơn trượt, mỗi lần về bị ngã, đổ xe 2,3 lần là chuyện thường.

Đêm đó ngủ lại điểm trường, bên ánh lửa bập bùng, các thầy, cô giáo chia sẻ với chúng tôi niềm vui bởi con đường mòn xuyên rừng đã được đổ bê tông, việc đi lại đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Hơn nữa, điểm trường còn được Hội thiện nguyện Hiếu - Nghĩa - Tâm tài trợ xây dựng mới khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học của thày và trò. Còn lớp học cũ là nhà gỗ được bà con trong bản hỗ trợ tu sửa để làm nơi ăn, nghỉ của các thầy, cô giáo. Tuy nhiên, cuộc sống của những giáo viên cắm bản ở Làng Sáng vẫn bộn bề những khó khăn, trong mỗi chuyến về nhà, các thầy, cô giáo đều phải mang theo thực phẩm để sử dụng trong tuần.

Sáng sớm tỉnh giấc, cảm nhận không khí vùng cao thật trong lành, cành đào đã nở bung những cánh hoa hồng đậm. Tiếng nói, tiếng cười rộn ràng của các em nhỏ trên con đường đến trường như xua tan đi làn sương giá buốt. Xúc động với sự tận tụy vì học sinh vùng cao của thầy cô nơi đây, khi tôi biết, hằng ngày sau khi ổn định lớp học, các thầy, cô giáo kiểm tra sỹ số học sinh, nếu còn thiếu em nào sẽ đến tận nhà để đón đi học. Thầy giáo Nguyễn Văn Thành tâm sự: Đặc thù vùng cao, nên nhiều em đến lớp muộn do nhà ở cách xa điểm trường trên 2 km, nhất là những ngày mưa, rét, đường trơn học sinh đi lại khó khăn nên bị chậm giờ học, hoặc có khi bố, mẹ đi làm nương sớm, không đưa các con đến lớp. Việc chúng tôi đến tận nhà đưa học sinh đến lớp là chuyện thường ngày.

Học sinh ở điểm trường Làng Sáng giờ đã học 2 ca. Nên ngoài việc dạy học, việc chăm lo cho các em ở lại lớp vào buổi trưa cũng được các thầy, cô giáo quan tâm, tận tình. Bữa cơm trưa của các em do gia đình chuẩn bị khá đơn giản, ngoài cơm trắng, chỉ có thêm một chút muối, ít rau xanh, thỉnh thoảng có thêm vài ba miếng thịt lợn; cũng có em, bố mẹ không chuẩn bị kịp đồ ăn. Thương các em, các thày cô mỗi lần về nhà lại tự bỏ tiền mua thêm thực phẩm, để hằng ngày nấu thêm cơm, thêm thức ăn, chia vào khẩu phần ăn cho các em để các em “no cái bụng, yên tâm học chữ”. Tình thương yêu của các thày cô được đền đáp khi các em chăm chỉ đến trường hơn, phụ huynh học sinh cũng quan tâm hơn đến việc học của con em mình.

Chứng kiến giờ học của thầy và trò điểm trường Làng Sáng, nhận thấy, học sinh lớp 1, khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn hạn chế, trong quá trình dạy học, thầy giáo phụ trách lớp vừa sử dụng tiếng Việt, vừa nói bằng tiếng Mông để hướng dẫn các em tập đọc, tập viết. Để truyền tải được kiến thức đến học sinh, thầy, cô giáo đều phải tự học thêm tiếng đồng bào dân tộc Mông. Khắc phục mọi khó khăn, sau mỗi năm học, phần thưởng đối với các thầy, cô giáo là 100% học sinh bậc tiểu học được lên lớp và 95% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học tiếp tục theo học bậc THCS tại điểm trường trung tâm xã.

Chia tay Làng Sáng, chia tay những người “gieo chữ” ở vùng cao khi xuân đã gõ cửa, trong lòng tôi càng thấy ấm áp hơn khi nghĩ đến tình yêu thương của thầy, cô giáo dành cho học sinh nơi đây; sau những nhọc nhằn, vất vả, sẽ là tương lai tươi sáng của con trẻ được chắp cánh từ những bản làng xa xôi.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhung-nguoi-gieo-chu-o-lang-sang-37666