Những người gìn giữ hình bóng của Bác Hồ tại Cuba
Trong số hàng trăm công trình mang tên danh nhân và địa phương Việt Nam tại Cuba, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô La Habana không chỉ là công trình nằm ở vị trí trung tâm và được tham quan nhiều nhất, mà thực sự là hình ảnh gắn bó với đời sống tinh thần thường nhật của người dân địa phương, trở thành 'góc Việt Nam' thân thuộc tại đất nước Cuba anh em.
Để có được điều đó, ngoài sức lan tỏa của hình ảnh Hồ Chí Minh và tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba, còn phải kể tới sự đóng góp bền bỉ, vô tư của những chi hội viên hữu nghị đầy nhiệt huyết tại khu phố này.
Khánh thành vào năm 2004 trong khuôn viên của Công viên Hòa bình, trên Đại lộ 26, tại khu trung tâm của thủ đô La Habana, tượng đài được xây dựng khi Việt Nam trao tặng Cuba bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đảm nhiệm công việc thiết kế và giám sát thi công là kiến trúc sư kỳ cựu Joel Díaz Gutíerrez - một người từng có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Mỹ cứu nước.
Bà Magalys del Río Aguilera, Chi hội trưởng Chi hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam tại phường Acapulco, cho biết: “Người dân trong khu phố rất gắn bó và yêu quý công viên này. Vì vậy, khi có những thay đổi khuôn viên để chuẩn bị xây dựng đế tượng, đã có những ý kiến thắc mắc vì mọi người chưa biết đây sẽ là công trình gì.
Khi đó, kiến trúc sư Joel Díaz, cũng là một người trong khu phố và quen biết tôi từ nhiều năm về trước, tới tìm các cán bộ trong Chi hội phụ nữ khu phố và tôi, người có kinh nghiệm làm việc tại Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc, để vận động sự ủng hộ của bà con khu phố. Chúng tôi nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của mọi người và đã hỗ trợ ngay từ quá trình xây dựng chân tượng và lắp đặt tượng để hoàn thành kịp thời gian. Sau đó, chúng tôi - với sự ủng hộ của Trung ương Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam đã thành lập một chi hội tại khu phố”.
Từ một số hạt nhân và những hội viên Hội Phụ nữ ban đầu, chi hội sau đó có cả các thành viên đại diện cho Chi bộ Đảng, Ủy ban Bảo vệ cách mạng, Đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội, quần chúng khác. Chi hội phát triển các hoạt động của mình, không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn cả văn hóa, giáo dục, tạo ra những hoạt động giao lưu với các tổ chức quần chúng xã hội tại địa phương, tích hợp thêm yếu tố Việt Nam vào các hoạt động cộng đồng rất phong phú của khu dân cư và thậm chí còn có một phòng sinh hoạt chung để tiến hành các hoạt động đặc thù và lưu giữ kỷ vật, tư liệu về Việt Nam và Bác Hồ.
Bà Soraida González, hội viên Chi hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam tại phường Acapulco, chia sẻ: “Công viên vẫn như trước, là nơi các học sinh tiểu học thực hành các tiết thể dục của mình, nơi mọi người nghỉ ngơi, hóng mát, trò chuyện, là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng của khu phố. Giờ đây, tượng đài Hồ Chí Minh đã trở thành một điểm hẹn, một không gian trang trọng mà thân quen, hay đúng hơn là một phần tâm hồn của mỗi người dân trong khu phố. Thay vì gọi Công viên Acapulco như trước hay Công viên Hòa bình theo tên gọi chính thức, giờ đây mọi người đều gọi đây là Công viên Hồ Chí Minh”.
Trong 18 năm qua, Chi hội hữu nghị đã tham gia đón hàng trăm đoàn thăm chính thức của Việt Nam tới đặt hoa ở tượng đài Bác, trong đó có những đoàn ở cấp cao nhất. Công trình này còn được nhiều đoàn nước ngoài khác ghé thăm, bày tỏ lòng kính trọng tới vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta và tìm hiểu “góc Việt Nam” độc đáo của La Habana.
Ông Matías García, hội viên Chi hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam tại phường Acapulco cho biết mới chuyển tới đây sống khoảng 5, 6 năm trước. Là một giảng viên đại học chuyên ngành sử về hưu, ông nhận thấy ngay ý nghĩa to lớn của công trình này trong việc tăng cường hiểu biết về Việt Nam - một dân tộc chia sẻ rất nhiều giá trị chung với Cuba. Vì thế khi bà Magalys tới tìm và nhờ ông đảm nhiệm công tác lưu giữ sổ lưu bút, sắp xếp tư liệu và ghi lại các hình ảnh đáng nhớ của hoạt động chi hội, ông đã nhận lời ngay.
Chi hội đặc biệt chú trọng tới việc ươm mầm tình cảm hữu nghị trong các thế hệ tương lai. Kết hợp với ban giám hiệu một trường tiểu học và một trường trung học cơ sở trong khu phố, chi hội đã tổ chức nhiều buổi thuyết trình cho các em học sinh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam, với diễn giả gồm cả những người am hiểu và đồng cảm với cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất của đất nước ta như chính kiến trúc sư Joel Díaz và những người mới có dịp thăm Việt Nam trong các chuyến công tác, trao đổi thuộc nhiều ngành nghề. Chi hội còn khuyến khích và tạo điều kiện cho các em học các bài thơ, bài hát, điệu múa có liên quan tới Việt Nam, và thậm chí là bằng tiếng Việt.
Bà Magalys del Río Aguilera, Chi hội trưởng Chi hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam tại phường Acapulco, khẳng định các em nhỏ chính "là linh hồn, là nhựa sống" trong các hoạt động giao lưu và chi hội hữu nghị luôn mong muốn các em cảm nhận được những gì mà thế hệ đi trước cảm nhận về đất nước Việt Nam anh hùng và không ngừng vươn lên. Đối với bà Aguilera, nền tảng vững chắc của một tình hữu nghị thực sự chính là tình cảm chân thành của những người dân bình dị nhất. Đó không chỉ là lời tổng kết triết lý mà còn là thực tiễn đã được những người gìn giữ hình bóng của Bác tại La Habana chứng minh qua những nỗ lực bền bỉ, thầm lặng nhưng vô cùng đáng quý của mình.