Những người gọi một ly nước, ngồi cả tiếng đồng hồ ở quán cà phê
Nhiều người trẻ xứ kim chi coi việc đi cà phê là nhu cầu thiết yếu và khó cắt giảm dù kinh tế eo hẹp. Họ sẵn sàng chi 4.000-6.000 won (70.000-100.000 đồng) cho một ly nước.
Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) tại Hàn Quốc dường như thích “cắm rễ” ở quán cà phê. Họ đọc sách, học bài hoặc đơn giản là không muốn ở nhà.
Các cặp đôi cũng thường rủ nhau đến quán cà phê để hẹn hò.
Để tìm hiểu cà phê có ý nghĩa thế nào đối với cuộc sống của giới trẻ, Korea Herald trò chuyện với nhiều người thuộc thế hệ Z.
Giá cả phải chăng
Gaeul đang học bài tại một quán cà phê trong khuôn viên một trường đại học ở Seoul. Nhắc đến cà phê, điều đầu tiên cô gái 24 tuổi nghĩ đến là giá cả phải chăng.
“Một cốc cà phê mua mang đi khoảng 2.000 won (35.000 đồng). Tôi thường chọn quán tiện đường đi học và giá rẻ”, cô nói.
Ban ngày, Gaeul đi học trên trường, còn buổi tối làm vũ công bán thời gian. Để mở mắt được vào buổi sáng và giữ sự tỉnh táo khi tập nhảy đến đêm muộn, cô không thể thiếu cà phê.
Gaeul không quan tâm hương vị đồ uống ngon hay không.
“Thành thật mà nói, chính vị đắng mới khiến tôi bừng tỉnh”, cô bày tỏ.
Khi quán cà phê có chỗ ngồi, Gaeul sẵn sàng chi 5.000 won (85.000 đồng) cho mỗi ly nước. Cô xuống tiền để mua thời gian tán gẫu với bạn bè và tận hưởng bầu không khí thoải mái.
Bỏ tiền mua không gian
Ji-won (22 tuổi) không ngại chi tiền để ngồi trong quán cà phê rộng rãi khi gặp gỡ bạn bè. Cô coi khoản mua đồ uống chính là giá thuê không gian.
“Khi ngồi hàng tiếng đồng hồ trong quán, đặc biệt là cùng với bạn bè, tôi không ngại trả nhiều tiền hơn để mua việc sử dụng không gian đó”, cô nói.
Nữ sinh viên đại học thừa nhận cô không có nhiều lựa chọn vì kinh tế eo hẹp. Sống nhờ tiền trợ cấp hàng tháng từ cha mẹ, cô chỉ dám uống một cốc cà phê mỗi ngày tại các hàng quán giá rẻ trên đường đến trường.
“Đối với cà phê uống hàng ngày, tôi cân nhắc về giá cả hơn là hương vị. Tôi nghĩ 25.000 won (430.000 đồng) là mức cao nhất tôi có thể bỏ ra cho một cốc cà phê”, cô chia sẻ.
Khi mới bắt đầu uống cà phê, Ji-won bị choáng bởi caffeine. Nhưng bây giờ, cô đã quen và rất thích cảm giác đó.
Ngày càng đắt đỏ
Hanna - giáo viên tiếng Anh 26 tuổi - thường tự pha cà phê ở nhà. Là người tính toán chi li, cô tận dụng phiếu giảm giá hoặc chỉ ghé quán cà phê giá rẻ.
Tuy nhiên, Hanna hiểu vì sao một số người sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho cà phê còn hơn cả thực phẩm.
“Điều đó không có gì sai. Caffeine là nhu cầu hàng ngày đối với nhiều người nhưng giá cả đang rất cao. Tiền uống nhiều cốc cà phê mỗi ngày có thể còn đắt hơn cả một bữa ăn ngon”, nữ giáo viên nói.
Trong tuần, Hanna giữ thói quen tằn tiện chi tiêu. Nhưng vào ngày nghỉ, cô sẵn sàng mua cho mình một ly cà phê thơm ngon.
“Quán cà phê cũng là nơi tuyệt vời để giao lưu mà không tốn quá nhiều tiền. Khoảng 3.500-4.000 won (60.000-70.000 đồng) cho một ly nước là tất cả những gì tôi phải bỏ ra để sử dụng không gian đó hàng tiếng đồng hồ”, cô bộc bạch.
Check-in là chủ yếu
Nữ sinh viên 22 tuổi Sol cho biết đôi khi, cô ghé đến các quán cà phê chỉ vì bầu không khí.
“Tôi thích chụp những bức ảnh dễ thương và đắm mình trong không gian, cách trang trí, đồ uống sáng tạo... Tất cả đều là một phần của trải nghiệm”, cô nói.
Sol thường đi cà phê với bạn bè. Đôi khi, cô coi đó là lối thoát khỏi guồng quay căng thẳng của cuộc sống hàng ngày.
“Tôi thích những không gian ngập ánh sáng, thoáng đãng và được bài trí ấn tượng. Nơi đó giống như chốn nghỉ ngơi, tôi có thể thư giãn và trò chuyện quên đi hết ưu sầu”, cô chia sẻ.
Dù vậy, Sol gần đây phải cắt giảm cà phê vì trở nên phụ thuộc vào đồ uống này. Lúc đầu, một cốc cà phê giúp cô tỉnh táo trong những buổi học kéo dài. Nhưng sau đó, nữ sinh viên xuất hiện tình trạng đau đầu nếu không uống ít nhất một cốc mỗi ngày.
Bây giờ, Sol cố gắng chỉ uống cà phê khi đi hẹn hò với bạn bè.
Nhịn ăn để uống cà phê
Su-an (22 tuổi) thừa nhận đôi khi, cô sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho cà phê so với bữa ăn. Cô nghĩ mình không có nhiều lựa chọn khi có ngân sách eo hẹp.
Su-an, giống như nhiều người thuộc thế hệ Z, thích tìm kiếm các quán cà phê đẹp, đặc biệt là nơi có không gian nhỏ và ấm cúng hơn là những chuỗi lớn.
Với nữ sinh đại học, ghé đến các quán cà phê giống như một sở thích.
“Còn điều gì lý tưởng hơn để Gen Z làm là check-in ở những không gian đẹp, chụp ảnh và kết nối với mọi người... Tất cả chỉ với khoảng 6.000 won (100.000 đồng) mỗi người?”, cô bộc bạch.
Giá cả phải chăng
Sun-woo - nhân viên pha chế - thừa nhận anh thường ghé đến các quán cà phê thời thượng để chụp ảnh đồ uống và không gian.
“Khi rảnh rỗi, tôi thích đến quán cà phê để thưởng thức đồ uống đắt đỏ, chụp hình, sau đó đăng lên mạng xã hội. Tôi nghĩ điều đó thỏa mãn một phần trong tôi muốn thể hiện bản thân và được công nhận”, chàng trai 23 tuổi chia sẻ.
Sun-woo giải thích rằng mong muốn của anh không có gì là kỳ quặc.
“Gen Z thích thể hiện bản thân. Các quán cà phê nắm bắt được điều này, tung ra những chiêu đánh trúng tâm lý của thế hệ chúng tôi là thích không gian đẹp hơn là đồ uống ngon”, anh nhận định.
Sun-woo nói thế hệ Z, bao gồm cả mình, bị cuốn vào vòng xoáy muốn trưng trổ cuộc sống trên Instagram. Các quán cà phê chỉ thúc đẩy xu hướng tiêu dùng mà tất cả chúng ta đều bị mắc kẹt.