Cà phê sâm Ngọc Linh có gì đặc biệt?
Cà phê sâm Ngọc Linh là nỗ lực 'bình dân hóa' sâm quốc bảo của Việt Nam, xóa bỏ định kiến đây là hàng xa xỉ chỉ dành cho giới siêu giàu
Ngày 28-12, nhiều người đi đường đến ngã tư Nguyễn Hồng Đào – Bàu Cát 2 (quận Tân Bình, TP HCM) ngạc nhiên khi thấy quán cà phê – trà mới khai trương có nhiều họa tiết trang trí đậm chất sâm Ngọc Linh.
Đây là quán cà phê có tên Panax đầu tiên được ông Lương Trọng Khoa, người sáng lập Công ty CP Sâm Việt Nam (Vinapanax) - Phó Chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam mở tại TP HCM với mong muốn "bình dân hóa" loại dược liệu quý này.
Ở cà phê Panax có 25 món, tất cả đều có sâm Ngọc Linh với định lượng 15mg tinh chất, tương đương 2-5 gram sâm Ngọc Linh tươi. Định lượng này dựa vào khuyến cáo liều dùng của Dược điển là 5-10 gram sâm Ngọc Linh/người/ngày.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, có nhiều loại cà phê kết hợp với sâm Ngọc Linh như: cà phê lạnh (cold brew), cà phê sữa, cà phê đen, cà phê hạnh nhân,… mới mức giá từ 28.000 – 47.000 đồng/ly (cỡ vừa).
Ngoài ra, có rất nhiều loại trà sữa sâm Ngọc Linh cũng có trong thực đơn với mức giá cao nhất là 60.000 đồng/ly (cỡ vừa), nếu dùng cỡ lớn cộng thêm 5.000 đồng/ly.
Theo Phó Chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam, đa số người dân biết đến sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới nhưng siêu đắt đỏ. Mỗi kg củ sâm Ngọc Linh tươi có thể có giá đến 100 triệu đồng, nếu cắt lát để dùng có giá cả trăm ngàn đồng/lần. Từ đó, định kiến của người tiêu dùng dành cho sâm Ngọc Linh là sản phẩm dành cho nhà giàu, ngoài tầm với nên ít quan tâm. Khi người dùng bị giới hạn thì ngành sâm Ngọc Linh không thể phát triển được.
"Nếu dùng sâm Ngọc Linh tươi thì đúng là đắt thật nhưng khi dùng công nghệ để chiết xuất ra tinh chất sâm Ngọc Linh rồi phối trộn với các thực phẩm khác thì không hề đắt vì liều dùng vừa đủ, không lãng phí" – ông Khoa giải thích.
Cũng theo ông Khoa, hiện tại, việc bán sâm Ngọc Linh tươi rất khó khăn vì người mua phải có 1 khoản tiền lớn. Chưa kể, tình trạng sâm Ngọc Linh giả tràn lan khiến người dùng thiếu niềm tin.
"Tôi hi vọng việc mở quán cà phê sâm Ngọc Linh sẽ là điểm dẫn để thu hút người tiêu dùng quan tâm đến sâm Ngọc Linh như là một mặt hàng tiêu dùng hằng ngày. Tại đây, chúng tôi còn có nhiều sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, kết nối với nhà vườn sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam để người mua có thể chọn hàng trực tiếp tại vườn qua hình thức livestream" – ông Khoa chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cà phê sâm Ngọc Linh trên thị trường đã có dưới dạng cà phê hòa tan, chưa có sản phẩm dạng cà phê tươi như tại quán cà phê này.
Cà phê là thức uống yêu thích của nhiều người nên gần đây có rất nhiều sản phẩm mới từ cà phê được đưa ra thị trường như: cà phê nước mắm, cà phê muối, cà phê dừa, cà phê sầu riêng,...
Cà phê sâm Ngọc Linh không có vị sâm?
Sau khi thưởng thức cà phê sâm Ngọc Linh, nhiều người dùng nhận xét sản phẩm này không có khác biệt về hương vị so với các thức uống cà phê thông thường. Ông chủ quán cà phê Panax giải thích qua 2 năm thử nghiệm, ghi nhận phản hồi từ khách hàng thì phần lớn không thích hương vị sâm đặc trưng. Do đó, quá trình chiết xuất tinh chất sâm Ngọc Linh đã tách hương để đáp ứng khẩu vị của số đông. Tuy nhiên, với người dùng thích hương vị đặc trưng của sâm Ngọc Linh vẫn có dòng sản phẩm để đáp ứng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ca-phe-sam-ngoc-linh-co-gi-dac-biet-196241228165946266.htm