Những người hùng trước họng súng kẻ thù
Lịch sử vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam có nhiều gương hy sinh anh dũng, lẫm liệt, đó là những dấu son rạng ngời, niềm tự hào mãi khắc ghi đối với nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ. Có những cái chết đầy quả cảm, hóa thân cùng thời gian, trở thành huyền thoại trong tâm trí của bao người. Liệt sĩ - Anh hùng LLVTND Lâm Văn Thạnh (SN 1957) và anh Nguyễn Ngọc Diêu (SN 1954) - người đồng chí, đồng đội của anh đã hy sinh như thế, trong cùng ngày 23-12-1980.
Bất chấp hiểm nguy, dấn thân vào "cửa tử"!
Fulro - theo ông Nahria Ya Duck (SN 1940, dân tộc K'Ho, nguyên đệ nhất Phó thủ tướng Fulro) là chữ viết tắt của cụm từ Front Unifíe pour la Libération des Races Opprimeés (tiếng Pháp), nghĩa là "Mặt trận đấu tranh, giải phóng các sắc tộc bị áp bức", nhưng thực chất không phải thế, những người theo tổ chức này đã bị lợi dụng. Sau năm 1975, tổ chức Fulro bị các thế lực phản động giật dây nhằm chống phá chính quyền cách mạng Việt Nam vừa thành lập. Đây là thời kỳ Fulro hoạt động vũ trang tàn bạo, phức tạp nhất, kéo dài hàng chục năm, gây bao đau thương, đổ máu cho đồng bào Tây Nguyên.
Chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Bộ Nội vụ là phải giải quyết dứt điểm số cầm đầu Fulro, làm tan rã hoạt động của chúng. Các lực lượng Công an, quân đội thuộc các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tổ chức nhiều chuyên án lớn truy quét những tên đầu não của Fulro, trong đó, đáng kể là chuyên án của lực lượng An ninh Lâm Đồng với kế hoạch câu nhử cực kỳ táo bạo.
Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, tự Vũ Linh (SN 1927, mất năm 2019), khi đó đang là Phó Trưởng ty Công an Lâm Đồng, được giao nhiệm vụ làm Phó ban Thường trực chuyên án F101 (sau ông là Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, Cụm trưởng Cụm an ninh Tây Nguyên). Trực tiếp chỉ huy chuyên án với những "chuyến hàng" đặc biệt, bắt giữ lần lượt từ thủ lĩnh Fulro tới chỉ huy các toán, nhóm... làm tan rã hoàn toàn tổ chức Fulro rất phức tạp, nguy hiểm ở Lâm Đồng. Các anh Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu đã hy sinh khi đấu tranh chuyên án này.
Cuối năm 1979, ông Nahria Ya Duck giữ nhiều chức vụ quan trọng ở "Trung ương Fulro", Phó Thủ tướng thứ nhất của Fulro, tất cả quyền lực nằm trong tay Ya Duck, biệt danh “Hùm xám Tây Nguyên”; sào huyệt đóng ở vùng rừng Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng). Ban chuyên án quyết định "cất lưới".
Anh Lâm Văn Thạnh khi đó 21 tuổi, là trinh sát an ninh (Phòng trinh sát ngoại tuyến) đã xin tham gia "đánh án". Anh Thạnh mới cưới vợ là chị Trịnh Thị Nga, đồng nghiệp, đồng chí với anh. Anh Diêu hơn anh Thạnh 3 tuổi, là thiếu úy công tác Phòng hậu cần cũng có vợ mới cưới là chị Trịnh Thị Nhi, y tá.
Hai anh Thạnh, Diêu cùng với các anh Trần Hữu Phi (thiếu úy, lái xe riêng của Phó giám đốc Tư Vũ), Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Bảo Toàn (cán bộ Phòng Hậu cần) cũng được Ban chuyên án "chọn mặt gửi vàng", chỉ định tham gia chuyên án.
Ngoài ra, đồng chí Tư Cho (trinh sát an ninh do Bộ Nội vụ tăng cường) khi đó đã trên 40 tuổi, nhưng vẫn hăng hái khoác ba lô từ Hà Nội vào Tây Nguyên theo các đồng chí Lương Quyền, Đức Minh tham gia vào chuyên án. Trong số các anh, anh Lâm Văn Thạnh vốn xuất thân con nhà võ đất Bình Định và là một võ sư đai đen nổi tiếng ở Lâm Đồng. Chính anh Thạnh đã giúp trang bị võ thuật cho đồng đội thật tốt. Tất cả các anh đều được cấp trên làm cho mỗi người một cái “Thẻ hội viên Caritas”.
Anh Lâm Văn Thạnh được giao nhiệm vụ quan trọng nhất: đóng vai nhân viên của tổ chức phản động quốc tế Caritas tìm cách liên lạc và tiếp cận với nhóm Fulro do Ya Duck đang làm thủ lĩnh, truyền đạt các kế hoạch "hợp tác" theo chỉ đạo của Ban chuyên án.
Lọt vào "hang sói"!
Từ chỉ đạo của Ban chuyên án, anh Lâm Văn Thạnh nhập vai "Bình", thành viên của Hội Caritas, các anh Nguyễn Ngọc Diêu, Trần Hữu Phi, Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Tư Cho có nhiệm vụ điều khiển những chuyến xe đón "những chuyến hàng đặc biệt" là các nhóm, toán Fulro từ 5 đến 14 người rời Lâm Đồng theo "Hội Caritas" về "điểm hẹn" tại các tỉnh, thành hoặc nhà khách Công an tỉnh - theo kế hoạch.
Sau 6-7 chuyến xe đón gần 100 Fulro từ thủ lĩnh Ya Duck, các "tướng, tá" Fulro...., nhiều lần chuyên án suýt bị lộ nhưng kịp thời được "vá lộ" bằng những chiến thuật tinh vi, hoàn hảo; sáng sớm 23-12-1980, 4 anh Thạnh, Diêu, Phi, Cho đã "sập bẫy", lọt vào ổ phục kích và bị tên B'ré Niê cầm đầu tra tấn, xả súng bắn dã man! Hai anh hy sinh, hai anh chạy thoát và cùng mang theo những nỗi đau bất ngờ, tiếc nuối và cả hạnh phúc mà các anh đã liều mình, dấn thân không hối hận, gánh vác trọng trách cho những người đồng đội!
Anh Trần Hữu Phi, người chung chuyến xe cuối cùng với các anh Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu kể lại: Khoảng 4h ngày 23-12-1980, các anh cùng anh Nguyễn Tư Cho lên đường trên hai chiếc ôtô quen thuộc để đi đón 2 toán Fulro như đã hẹn, tại đoạn Quốc lộ 20 thuộc xã Định An, huyện Đức Trọng (đoạn đặt trạm thu phí trên đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt hiện nay).
Tuy nhiên, nhóm Fulro không ra xe mà cử 1 tên ra năn nỉ các anh cho xe cùng vào tận nơi số Fulro đang ẩn nấp, bởi việc ra đi của chúng sợ có kẻ khác theo dõi, trả thù. Trước tình huống này, cả 4 trinh sát đưa mắt hội ý và cùng chấp thuận. Thế nhưng, các anh đâu biết đã bị lọt vào một cái bẫy mà chúng gọi là “kế hoạch phượng hoàng”!
Xe vừa vào trong cửa rừng, bất ngờ, gần 20 tên Fulro lao vào khống chế rồi dùng hai sợi dây dù trói các anh lại, đánh đập thỏa sức như để trút cơn tức tối. Gần chục tên lăm lăm súng ống gí vào người các anh, vừa chửi vừa cười man rợ. Sợ dây trói không đủ chặt, chúng bứt dây rừng quấn thêm mấy vòng trói các anh, lôi đi. Bọn chúng bịt mắt các anh, quần áo dài thì bị lột hết chỉ còn chiếc quần đùi cộc nên các anh bị gai và cây rừng cứa vào da thịt, tứa máu, dẫn giải các anh như tù binh.
Chúng đánh anh “Bình” nhiều nhất, gằn lên từng tiếng: “Chúng mày có đúng là công an Lâm Đồng không? Bữa nay thì tụi mày chết với tao…”. Chúng khống chế các anh vào sâu trong rừng khoảng 1km, lên dãy núi Voi trước mặt. Một nhóm thì nhào vào xe lấy hết đồ ăn các anh mang theo cho chúng.
Nhận ra mình đang “được” lơi lỏng nhất, anh Diêu đưa tay lên giật văng tấm vải che mặt rồi bất ngờ vụt bỏ chạy. Ba bốn tên Fulro lập tức đuổi theo, vác súng xả đạn về phía anh. Một viên đạn xuyên vào ngực từ phía sau lưng làm anh Diêu đổ gục xuống. Thấy anh đã chết, sợ hết đạn, chúng không làm gì thêm nữa mà bỏ đi đến chỗ các anh Phi, Cho, Thạnh. Một tên lớn tiếng: "Thằng nào còn dám bỏ chạy, tao sẽ bắn".
Anh Phi nhớ lại: Lúc đó, tôi muốn đổ quỵ xuống vì uất ức, vì đau. Chúng tôi không ngờ bọn chúng ra tay quá độc ác. Nhưng nghĩ Diêu nằm lại đó, cũng gần đường, gần xe, sớm muộn gì cũng được anh em tới đưa về, còn chúng tôi đinh ninh mình sẽ bỏ xác trên núi Voi. Lúc này, chiếc xe đi yểm trợ các anh quần nhiều vòng trên Quốc lộ 20 ngóng tìm các anh và không hiểu nổi vì sao các anh lại để “mất dấu”.
Khoảng 16h30 phút cùng ngày, bọn chúng đưa các anh qua đỉnh núi Voi và tiếp đến đỉnh Hòn Bù ở phía bên kia quả núi. Chúng dừng lại ở đây để tra khảo. Nhất cử nhất động bọn chúng làm gì cũng đều có vài tên đồng bọn gí súng vào đầu. Sau đó, chúng xốc các anh dậy, lấy những mảnh vải che mặt và xếp các anh đứng thành hàng. Âm mưu thủ tiêu của chúng đã rõ ràng. Rất nhanh mắt, các anh đã nhìn thấy phía trước là một cái vực sâu thăm thẳm. Có lẽ bọn chúng định vứt xác các anh nơi đây…
"Chạy đi các anh!", bất ngờ tiếng hô của anh Thạnh và bóng anh lộn nhào để tính lăn xuống lòng vực. Chỉ một giây chần chừ, cả anh Phi và anh Cho hiểu rằng phải chạy thoát khỏi nơi đây. Một loạt đạn bắn đuổi theo và cả loạt đạn vang lên khô khốc phía các anh vừa chạy thoát. Anh Phi gục khóc bên bờ suối vì phía sau anh Thạnh đã vĩnh viễn nằm lại.
"Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu nổi vì sao mình chạy thoát, không hề bị mảnh đạn nào găm vào người. Bọn chúng đeo 4-5 khẩu súng, nhưng chắc súng không đủ đạn. Lúc đó anh em chỉ nghĩ rằng, theo phản xạ cứ chạy thật xa. Nghe súng nổ, tôi cứ ngỡ súng bắn trúng mình. Lúc ấy, toàn thân tê dại, chẳng thể nhận biết nổi điều gì nữa. Tôi khóc, gọi cả tên anh Tư Cho vì nghĩ anh cũng trúng đạn. Anh Tư Cho thì nghĩ chỉ mình anh may mắn sống sót. Sau này, anh Tư Cho đã nói với tôi như vậy", anh Phi bùi ngùi hồi tưởng lại.
Đêm đó, các anh Phi, Tư Cho bò ra khỏi rừng, gặp được đoàn chuyên săn Fulro của ta nên đã báo tin về Ban chuyên án. Trong đêm và suốt buổi sáng hôm sau, Ban chuyên án tổ chức các nhóm, đoàn đi tìm, đón các anh Nguyễn Ngọc Diêu, Lâm Văn Thạnh trở về, an táng các anh tại Nghĩa trang Liệt sĩ - Đà Lạt.
Khi anh Thạnh, anh Diêu mất, vợ các anh đều đang mang thai 2-3 tháng. Cả hai chị sau sinh được 2 con gái là Lâm Trịnh Quỳnh Hương và Nguyễn Trịnh Ngọc Nhung. Cả hai đều vào lực lượng Công an, hiện đeo hàm Thiếu tá, đều đang là Phó trưởng các Đội nghiệp vụ của Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Lâm Đồng và đều đã lập gia đình.
Cả hai chị Trịnh Thị Nhi và Trịnh Thị Nga, vợ của hai liệt sỹ Nguyễn Ngọc Diêu và Lâm Văn Thạnh hiện đều đã qua tuổi 60, nghỉ hưu hơn 10 năm qua với quân hàm trung tá. Sau này, các anh Đức Minh, Tư Cho cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chuyên án F101 được đánh giá là chuyên án lớn, thành công trong cuộc đấu tranh với Fulro. 40 năm đã trôi qua, lịch sử có nhiều đổi thay, nhưng với lực lượng Công an Lâm Đồng, với những người thân của anh hùng Lâm Văn Thạnh và anh Phạm Ngọc Diêu, cái chết của các anh trong một chuyên án an ninh đặc biệt, mãi là niềm tự hào, viết thêm trang sử hào hùng, góp phần vào công cuộc xây dựng hòa bình, hạnh phúc, bình yên cho các dân tộc Tây Nguyên.
Được biết, năm 1983, Trung úy Nguyễn Đức Hiệp (sau là Đại tá - Giám đốc Công an Lâm Đồng) đã cùng đồng đội đánh tan căn cứ Fulro tại núi Voi, tiêu diệt tên “thiếu tá” B'ré Niê (còn gọi là Y Giôn) - kẻ cầm đầu toán Fulro đã bắt các anh Thạnh, Diêu, Phi, Cho và là kẻ trực tiếp bắn chết anh Lâm Văn Thạnh. Đồng chí Tư Cho sau này cũng được phong Anh hùng.
Sau này, Đại tá Nguyễn Văn Độ (nguyên Phó phòng Bảo vệ Chính trị, người tham gia với vai trò đặc biệt quan trọng, sát cánh với Đại tá Vũ Linh trong chuyên án F101, sau là Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ với chúng tôi: "Thời điểm đó, tư duy của chúng ta không như bây giờ, nên lãnh đạo Công an Lâm Đồng thời kỳ đó còn e ngại, chỉ làm hồ sơ đề nghị phong Anh hùng cho Liệt sĩ với đồng chí Lâm Văn Thạnh. Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Diêu và cả các anh Trần Hữu Phi, Tư Cho cũng rất xứng đáng".