Những người 'khác biệt' tạo nên giá trị riêng

25 phụ nữ vượt khó tiêu biểu được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tặng Bằng khen trong chương trình 'Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết' diễn ra ngày 18/4 đều là người khuyết tật. Mỗi người một hoàn cảnh riêng, song điểm chung là khó khăn vất vả không làm họ chùn bước, các chị đã nỗ lực vươn lên, làm chủ số phận của mình.

Bị khiếm thị từ khi mới lên 3 tuổi, chị Đào Thị Lệ Xuân, quê ở Bắc Giang khiến nhiều người nể phục vì sự nỗ lực và đam mê học hỏi. Được học hòa nhập từ cấp 1, tới hết cấp 2 thì việc học tập bị gián đoạn. Năm 18 tuổi, Lệ Xuân khăn gói một mình vào TP.HCM và học tiếp cấp 3. Tốt nghiệp trung học phổ thông, chị được tuyển vào Trường Đại học Sư phạm, sau đó hoàn tất văn bằng 2 Ngữ văn Anh tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Chị từng đạt giải nhất hội thi tin học dành cho người khiếm thị. Hiện nay chị Lệ Xuân và chồng là anh Nguyễn Mạnh Hùng là tuyển thủ của đội tuyển cờ vua người khuyết tật Việt Nam. Anh chị thường xuyên tham gia các đấu trường khu vực và châu lục như Đại hội thể thao người khuyết tật Châu Á (Asian Para Games), Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games)...

Các sản phẩm lưu niệm do phụ nữ khuyết tật làm ra rất đẹp và tinh tế

Các sản phẩm lưu niệm do phụ nữ khuyết tật làm ra rất đẹp và tinh tế

Vượt qua nhiều thử thách để có được thành công như hiện tại, chị Lệ Xuân cho rằng người khuyết tật phải tin vào chính mình, chỉ khi thay đổi được suy nghĩ, cái nhìn của cộng đồng về khả năng lao động, sức cống hiến thì người khuyết tật mới có thể khẳng định giá trị của bản thân: "Nếu mà nói về những thử thách đối với người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung, tôi nghĩ đó là sự nhìn nhận của xã hội đối với người khuyết tật, tức là mọi người xung quanh trong cộng đồng có thể hiểu được một người mù có thể làm được gì? Bản thân chúng tôi khi xin đi học hay xin đi làm thì hầu như mọi người không hiểu là bọn mình sẽ làm được những gì. Đó là điều mà người khiếm thị phải làm, từng bước chứng minh cho cộng đồng biết mình có thể làm được những gì. Đó là điều quan trọng nhất".

Hiện nay, ngoài việc đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Người mù quận Bình Thạnh, TP.HCM, chị Xuân còn dạy thêm tiếng Anh, tiếng Trung tại nhà và dịch sách, dịch các tài liệu giáo dục dành cho người khiếm thị. Hai vợ chồng chị cũng triển khai dự án cung cấp dịch vụ hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ, như chế tạo bàn cờ vua dành cho người mù, gậy dò đường khi di chuyển…

Các bức tranh giấy xoắn độc đáo của Cơ sở Alice Quilling đã được xuất khẩu sáng một số quốc gia

Các bức tranh giấy xoắn độc đáo của Cơ sở Alice Quilling đã được xuất khẩu sáng một số quốc gia

Tuy khiếm khuyết về cơ thể nhưng các phụ nữ khuyết tật đã xóa bỏ mặc cảm, cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kỹ năng để tìm hướng đi cho riêng mình và đã có được thành công mà không phải người bình thường nào cũng làm được. Đó cũng là trường hợp của chị Trần Thụy Thúy Vy, ngụ Quận 4, TP.HCM.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, chị bị liệt chân bên phải sau một cơn sốt nặng lúc nhỏ. Với quyết tâm vượt khó, chị đã tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật công nghiệp Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng TP.HCM. Trong quá trình học tập, Thúy Vy được một người bạn trong Câu lạc bộ "Ý tưởng sáng tạo" của trường hướng dẫn cách làm tranh giấy xoắn để tham gia một buổi triển lãm. Ngay trong lần đầu tiên chạm tay vào những sợi giấy đủ màu sắc, biến chúng thành hoa lá, cỏ cây, Thúy Vy cảm thấy một sức hút mãnh liệt. Với đôi tay tài hoa, chị đã tìm được nguồn cảm hứng sáng tạo từ việc sáng tác tranh giấy xoắn.

Thúy Vy đã thành lập Cơ sở tranh giấy xoắn Alice Quilling để truyền nghề và tạo việc làm cho những người khuyết tật khác. Sản phẩm quà lưu niệm tranh giấy xoắn của chị ngày càng được ưa chuộng, hiện đã xuất khẩu sang một số quốc gia.

"Khi mới bắt đầu thì gặp nhiều khó khăn lắm, nhất là vấn đề đầu ra vì họ chưa hiểu về tranh giấy xoắn này. Sau khi được Nhà Văn hóa Thanh Niên, Nhà Văn hóa Phụ nữ và Hội LHPN giúp đỡ, chúng tôi có nơi trưng bày, giới thiệu môn nghệ thuật này để có thêm nhiều người biết đến. Hiện tại có mấy trăm người khuyết tật được học nghề tranh giấy xoắn"- Thúy Vi nói.

Tạo nên giá trị, làm đẹp cho đời

Câu chuyện của hai chị Thúy Vi và Lệ Xuân là minh chứng cho nghị lực phi thường của 25 phụ nữ khuyết tật tiêu biểu vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tặng Bằng khen trong chương trình "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" năm 2023. Đa phần các chị có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống thiếu thốn.

Tuy không trọn vẹn về mặt thể chất, nhưng điều đó không ngăn được ý chí, quyết tâm, nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. Những phụ nữ khuyết tật ấy đã trở thành tấm gương để kết nối, giúp những người khuyết tật khác cùng nuôi ý chí kiên cường.

Chị Đào Thị Lệ Xuân, Chủ tịch Hội người mù quận Bình Thạnh, TP.HCM giao lưu trong chương trình "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" năm 2023.

Chị Đào Thị Lệ Xuân, Chủ tịch Hội người mù quận Bình Thạnh, TP.HCM giao lưu trong chương trình "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" năm 2023.

Bà Trần Thị Phi Yến, Trưởng Ban Gia đình Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM cho rằng, bằng sự kiên trì khẳng định bản thân, các phụ nữ khuyết tật đã tạo nên giá trị làm đẹp cho đời, xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh: "Chính nghị lực vươn lên vượt khó của các chị đã lan tỏa trong cộng đồng, để mọi người có thêm niềm tin vào cuộc sống. Các chị đã tạo một thông điệp rất ý nghĩa, đó là sự nỗ lực vươn lên, không lệ thuộc vào xã hội, không để mình trở thành gánh nặng. Dù không được lành lặn như người khác nhưng các chị luôn cố gắng, khẳng định được giá trị của bản thân".

Trên thực tế, những người khuyết tật tuy có “khác biệt” nhưng họ vẫn miệt mài lao động, sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng. Rất nhiều biến cố, khó khăn, song 25 phụ nữ khuyết tật tiêu biểu vừa được Hội LHPN TP.HCM tuyên dương đã vẽ nên những bức tranh tươi đẹp, không chỉ cho riêng mình mà cả những người đồng cảnh ngộ, giúp họ sống tích cực, dám ước mơ và hiện thực hóa niềm mơ ước./.

Ngọc Xuân/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-khac-biet-tao-nen-gia-tri-rieng-post1015105.vov