Những người khơi luồng cho tàu vươn khơi
Những người làm nghề nạo vét luồng hàng hải đối mặt không ít hiểm nguy mỗi ngày nhưng vẫn kiên trì bám biển.
Nơi biển khơi mênh mông, những người làm nghề nạo vét luồng hàng hải đối mặt không ít hiểm nguy vẫn ngày đêm hối hả với công việc để những chuyến tàu cập bến an toàn hay rẽ sóng vươn khơi.
Áp lực giữa chốn đông đúc tàu bè
Những ngày tháng 4, luồng hàng hải khu vực cảng biển Nam Nghi Sơn liên tục bận rộn với những chuyến tàu hàng ra vào cảng.
Tàu cá của ngư dân cũng nhộn nhịp tối ngày. Trong không gian ấy, những chiếc sà lan chở bùn, tàu hút bụng, tàu kéo... của dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn (Thanh Hóa) vẫn không ngơi nghỉ.
Tập trung điều khiển tàu để vừa thực hiện hút bùn, vừa tránh va chạm với các tàu cá ra vào cảng, anh Trần Ngọc Soan (58 tuổi, Hải Phòng), thuyền trưởng tàu hút bụng Thái Bình Dương thừa nhận, nỗi lo lớn nhất với người làm thuyền trưởng như anh là bảo đảm an toàn, không chỉ cho các thuyền viên mà cả các ngư dân.
Theo lời anh Soan, công việc nạo vét luồng hàng hải có không gian làm việc chủ yếu ở khu vực cửa biển và gần các bến cảng. Đây là khu vực dễ xảy ra tai nạn nhất vì mật độ tàu thuyền qua lại nhiều. Trong khi những người nạo vét luồng luôn phải túc trực, hoạt động 24/24h bất kể đêm hay ngày.
Sáng tinh mơ, hàng trăm chiếc tàu cá của ngư dân ào ạt xuất phát ra khơi. Buổi tối, các tàu cá lại tấp nập về. Đó là những lúc anh Soan cùng các thuyền viên trên tàu căng thẳng quan sát tỉ mỉ từng tàu cá vì sợ va chạm, đặc biệt khi nhiều ngư dân hay quan niệm chạy “cắt mũi” tàu để... lấy may.
Dù cố gắng tránh tối đa va quệt với tàu cá, tàu của anh Soan có lúc cũng đụng phải tàu hàng. Anh kể, có lần tàu hút bùn đang đánh lái tránh một tàu hàng vào cảng thì sự cố máy móc xảy ra. Hai tàu va chạm với nhau trên luồng. May mắn sự cố nhẹ, không gây thiệt hại lớn.
Không chỉ thuyền trưởng Trần Ngọc Soan, máy hai Lê Thịnh Đôn (SN 1988, trú Thái Bình) cũng nhiều lần “tái mặt” vì sự cố giữa biển mênh mông. Anh bảo, tàu hút bụng là loại tàu có tính tự động hóa cao nên những rủi ro hầu hết xuất phát từ máy móc. Trong một số tình huống, nếu không xử lý kịp dễ uy hiếp tới an toàn của tàu và tính mạng các thuyền viên.
10 năm làm việc trên tàu nạo vét, anh Đôn không ít lần đối mặt với những hiểm nguy vì các sự cố. Anh nhớ lại lần tàu đang thi công tại khu vực gần thủy diện cảng Lạch Huyện, tàu đang quay trở thì máy phát điện bị trục trặc. Mất khả năng điều động, con tàu sau đó đã va vào cầu cảng Lạch Huyện. Các thuyền viên trên tàu phải nhanh chóng thả neo. May mắn vụ va chạm không nặng nên thiệt hại không đáng kể.
Trong ký ức của người phó máy, các thuyền viên trên tàu từng đối mặt với những đợt dông bão bất thường trên biển.
Thoăn thoắt kiểm tra và lau chùi máy móc, anh Đôn không quên kể cho chúng tôi nghe về lần tàu đang neo đậu gần đảo Cát Hải: “Bầu trời bỗng nổi cơn dông xám xịt. Mặt biển dậy sóng. Đúng lúc này, bằng trực giác làm nghề, các thuyền viên phát hiện tàu bị trôi neo. Bộ phận máy lập tức được chỉ huy nổ máy tốc độ lớn nhất có thể để tàu được vững hơn.
Nhưng sau nửa tiếng nổ máy, thời tiết dịu dần, tất cả phát hiện tàu đang nằm trên một bãi cạn. Mọi thứ đến quá nhanh. May là tàu đến bãi cạn. Nếu va phải đá ngầm, không biết giờ ra sao”.
Buồn nhớ nhà muốn khóc
Trên công trường giữa biển đầy nhộn nhịp, trong không gian cabin chật hẹp của xáng cạp đất trên chiếc sà lan, anh Nguyễn Thành Đặng (SN 1988, Bạc Liêu) chăm chú điều khiển xáng cạp, dò xuống đáy biển múc từng gầu đất rồi đổ sang hầm bùn của sà lan tự hành kế bên để chở đi đổ thải.
Anh Đặng nói, nghề này đòi hỏi kinh nghiệm vì sóng gió đánh khiến sà lan luôn không ở yên một vị trí. Không gian cứ lắc lư nên nếu không có kinh nghiệm, dễ bị bỏ sót vị trí chưa được múc hết bùn đất.
Chưa hết, công việc của những người nạo vét còn chịu tác động trực tiếp của thời tiết. Giữa biển khơi, mùa Hè nắng tới đỉnh đầu, mùa Đông lại rét thấu xương.
Còn khi trời “đỏng đảnh” cho vài trận mưa bão, mặt biển xao động, các thuyền viên cũng ít khi được rời tàu. Với họ, tàu chính là nhà. Họ phải ở lại để bảo vệ “căn nhà” của mình nên rủi ro, nguy hiểm luôn thường trực.
Anh Đặng không sao quên một lần thi công nạo vét tại khu vực biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), anh cùng các thuyền viên phải đi trú bão trong sông Gianh.
Đúng thời điểm gió mùa đổ bộ, sóng biển mạnh như muốn nhấn chìm chiếc sà lan. Chiếc sà lan chòng chành, lắc lư khiến tất cả thuyền viên đều mệt mỏi. Say sóng, mệt khiến anh không ăn nổi bát cơm.
Tất cả nhọc nhằn ấy không phải ai cũng thấu, nhưng với các thủy thủ, điều đó chưa thấm vào đâu so với việc phải xa gia đình. Tuy không ra khơi cả năm trời như những thuyền viên tàu hàng, song những thủy thủ theo các dự án nạo vét có khi phải 3 - 4 tháng, thậm chí nửa năm mới được về nhà.
Có lẽ vì thế, mỗi khi nhắc đến vợ con, ánh mắt anh chàng trai miền Tây Nguyễn Thành Đặng lại sáng lên, giọng đầy phấn chấn.
Chàng thủy thủ tiết lộ thời gian đầu, anh nhớ nhà không chịu nổi, phải xin về nghỉ phép. Có năm, dự án làm xuyên Tết, anh phải ở lại nên không thể về nhà đón Tết cùng vợ con. “Trên công trường thi công, ai cũng tất bật với công việc, chẳng có không khí Tết hiện diện. Tôi nhớ nhà, buồn đến muốn khóc”, anh cười hiền.
Và trong mắt những người thủy thủ này, bà xã là “anh hùng” bởi đã dũng cảm lấy những người chồng quanh năm phải đi xa. Chồng xa nhà liên tục nên hầu hết công việc trong nhà đều một tay vợ anh lo liệu.
Biết vợ chịu nhiều thiệt thòi nên anh cũng luôn cố gắng làm việc để phần nào đỡ đần vợ trong việc kiếm tiền nuôi con. “Thu nhập nghề này mỗi tháng dao động khoảng 13 triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng, tùy từng chức danh trên tàu và tùy từng thiết bị”, anh Đôn cho hay.
Đời thủy thủ lắm gian nan, song chàng trai người Thái Bình khẳng định: “Tôi còn may mắn hơn nhiều so với các thủy thủ viễn dương. Bởi công việc hoạt động trên tàu, gần bờ, vẫn có thể sắp xếp được để vài tháng về nhà thăm vợ con được dăm ba ngày”.
Anh Nguyễn Thành Đặng chia sẻ, dẫu việc nạo vét luồng hàng hải không phải tiếp xúc trực tiếp với bùn đất hôi tanh nhiều như những người nạo vét cống mương, nhưng khó khăn của công việc thì nơi đâu cũng vậy. Điều khó khăn nhất không chỉ là tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn hàng hải, mà công nhân, thủy thủ luôn phải làm việc trong môi trường tiếng ồn của máy móc. Nhiều lần tan ca, tai của anh ù đi. Có những đồng nghiệp của anh, dù phải lấy bông để nhét lỗ tai, vẫn bị nặng tai.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhung-nguoi-khoi-luong-cho-tau-vuon-khoi-d589614.html