Những người không nên uống lá đinh lăng
Đinh lăng là loại cây tốt cho sức khỏe thường được nhiều người đun nước uống, vậy nhưng không phải ai cũng có thể uống loại nước này, dưới đây là những người không nên uống lá đinh lăng.
Tác dụng của cây đinh lăng
Theo nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cây đinh lăng có tên gọi khác là cây gỏi cá, nam dương sâm. Tên khoa học là Poliscias fruticosa Harms, thuộc họ Nhân sâm - Araliaceae.
Cây đinh lăng được mọi người dùng để ăn như rau làm gia vị và chữa nhức đầu. Nhiều nơi thường lấy lá đinh lăng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy.
Thành phần hóa học và dinh dưỡng: Trong củ chứa 0,3% glucozit, alcaloit, saponin, tanin, 13 loại axit amin và vitamin B1. Đinh lăng một số hoạt chất mang tính năng gần giống như nhân sâm.
Bộ phận dùng:
Các lá non thường được dùng ăn gỏi cá, gói với nem, làm gia vị ăn với thịt. Củ, thân, lá khô dùng làm thuốc.
Lá đinh lăng: Có vị bùi, đắng, thơm, hơi mát.
Rễ củ đinh lăng: Có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính ấm. Khi bào chế nên rút bỏ lõi.
Tác dụng của lá và rễ củ đinh lăng
Lá đinh lăng: Lương huyết, giải độc, chống tanh hôi, lợi niệu, tiêu mẩn ngứa.
Rễ củ đinh lăng: Bổ đắng, thông huyết mạch, tiêu sưng viêm, giảm đau.
Chủ trị:
Lá đinh lăng: Chữa dị ứng, ho ra máu, kiết lỵ.
Rễ củ đinh lăng: Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, yếu sức.
Những người không nên uống lá đinh lăng
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, tuy cây đinh lăng tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể dùng được. Hiện nay không nhiều nghiên cứu về lợi ích sức khỏe của cây đinh lăng đối với phụ nữ đang mang thai và cho con bú, vì thế, cần thận trọng khi sử dụng.
Những người đang bị bệnh gan hoặc đang dùng thuốc điều trị các bệnh lý cũng cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ khi sử dụng đinh lăng với mục đích trị bệnh.
Ngoài ra khi sử dụng cây đinh lăng, ông khuyên mọi người cần lưu ý những điều sau:
Do thành phần Saponin nhiều trong rễ đinh lăng, chất này có tính phá huyết sẽ làm vỡ hồng cầu, vì vậy chỉ dùng khi cần thiết và phải dùng đúng liều đúng cách bào chế.
Không được dùng rễ đinh lăng với liều cao bởi sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy. Đặc biệt, khi sử dụng rễ đinh lăng phải dùng những cây 3 - 5 tuổi trở lên (nhưng không nên dùng những cây quá già cỗi).
Khi bào chế một số rễ cây làm thuốc như rễ cây dâu (tang bạch bì), rễ cây ba kích (ba kích thiên)... bắt buộc phải bỏ lõi rễ (vì tác dụng phụ không tốt, thậm trí gây thủng dạ dày). Với rễ cây đinh lăng cũng nên rút bỏ lõi đi (đề phòng các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra).
Do ham “thẩm mỹ”, thích “khoa trương” nên nhiều người dùng toàn bộ bộ rễ cây đinh lăng (thường có khối lượng lõi chiếm tỷ trọng lớn) ngâm rượu cho “đẹp bình”. Họ coi đó như củ nhân sâm thực thụ (rất tiếc là các củ sâm thường không có lõi) để ngâm rượu “đại bổ dưỡng” uống hàng ngày. Điều này nên cân nhắc kỹ và xem lại khâu bào chế cho đúng cách.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-nguoi-khong-nen-uong-la-dinh-lang-ar805814.html