Những người khuyết tật quên đi nghịch cảnh, nỗ lực vươn lên, sẻ chia với đời
Những người khuyết tật, bệnh tật gắn chặt đời họ với chiếc xe lăn từ khi còn bé đến tuổi trưởng thành. Thế nhưng, thay vì trách cứ, thu mình lại, họ chọn cách trân quý từng phút giây được sống, nỗ lực vươn lên, tỏa sáng và san sẻ, đồng hành với bao người cùng cảnh ngộ.
Khởi nghiệp với cà phê sạch
Cơn sốt bại liệt quái ác đã khiến anh Nguyễn Trung Hậu (sinh năm 1985, ở huyện Củ Chi, TP.HCM) thành người khuyết tật khi vừa lên 5 tuổi, phải ngậm ngùi gắn bó đời mình với chiếc xe lăn. “Những đêm trăng tròn, lũ bạn trong xóm rượt đuổi nhau, khi ấy tôi chỉ biết ngồi nhìn đôi chân co quắp, lòng đầy tủi thân. Tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày ăn cơm chan nước mắt, bị bạn bè trêu chọc, chuyện học hành cũng lắm gian nan. Nhưng chính trong những ngày tăm tối ấy, tình thương của gia đình đã trở thành điểm tựa. Cái ôm, lời động viên của mẹ giúp tôi dần dần vượt qua mặc cảm, tìm kiếm con đường của riêng mình”, Hậu nhớ lại.

Nguyễn Trung Hậu nung nấu ý tưởng khởi nghiệp với cà phê sạch
Chật vật suốt hành trình dài, năm 30 tuổi, Hậu tìm thấy ánh sáng trên chặng đường miệt mài vượt khó. Một người bạn mời anh tham gia dự án cà phê ở Lâm Đồng. Hậu khăn gói từ TP.HCM lên Đà Lạt, bắt đầu công việc nhân sự tại một công ty cà phê. Ở đó, anh được tạo điều kiện để học hỏi và khám phá bao kiến thức mới. Cũng trong giai đoạn này, anh nung nấu ý tưởng khởi nghiệp để bà con quê mình được uống cà phê sạch với chi phí phải chăng. Sợ chần chừ sẽ thụt lùi, Hậu dành thêm thời gian nghiên cứu kỹ về cà phê cùng cách vận hành doanh nghiệp, quản lý nhân sự. Sau đó, anh quyết định về Củ Chi, gom góp hết tiền tiết kiệm, vay mượn thêm để mở một mô hình kinh doanh nho nhỏ. Hậu kể, khi anh mở “Ngồi café”, nhiều người ở quê tò mò hỏi “Đến bao giờ mới thu hồi vốn?” vì chi phí chiếc máy pha cà phê lúc đó rất cao, cả huyện chưa quán nào dám sắm.
Vận hành mới 8 tháng, “Ngồi café” đã thắng lớn, doanh thu mỗi ngày 5 - 6 triệu đồng. Một thời gian ngắn sau, khi một thương hiệu lớn xuất hiện gần quán, doanh thu “Ngồi café” giảm 65% chỉ trong 3 tháng. Quán gánh lỗ liên tục, mỗi tháng mất 30 triệu đồng, tình trạng khó khăn ấy kéo dài trong hơn một năm. Năm 2021, đại dịch Covid-19 ập đến, đẩy quán cà phê của Hậu bước vào giai đoạn khó khăn nhất. Còn nhớ tết năm ấy, sau khi thanh toán lương thưởng cho nhân viên, tài khoản ngân hàng của Hậu chỉ còn 43 nghìn đồng. Nhìn vào số tiền trong tài khoản, Hậu nghĩ mình sẽ trắng tay. Nhưng điều kỳ diệu là ngay cả khi Hậu khó khăn nhất, đội ngũ nhân sự không chọn rời đi. Họ ở lại, cùng Hậu tái cơ cấu mô hình kinh doanh. Hậu sốc lại tinh thần, rút kinh nghiệm từ mô hình khởi nghiệp đầu tiên, tiếp tục vay mượn, quyết chinh phục thử thách lần nữa.

Hậu dành rất nhiều tâm huyết cho hành trình khởi nghiệp và truyền động lực tích cực đến cộng đồng
Từ quán nhỏ, Hậu mở rộng “Ngồi café” thành khu phức hợp 1.200m², bao gồm văn phòng, nhà lưu trú, phòng rang xay và không gian làm việc chung... Sau một thời gian “thử - sửa sai”, anh nhận ra thế mạnh của mình không chỉ là vận hành quán mà là kiến tạo mô hình kinh doanh mới, tư vấn và truyền cảm hứng. Lần này, Hậu đi đúng hướng, mọi việc sớm vào quỹ đạo, doanh thu dần ổn định. Không chỉ dừng lại ở kinh doanh, Hậu còn sáng lập quỹ “Hạt cà phê nhỏ” với mong muốn đồng hành với nhóm người yếu thế trong cộng đồng. Từ mỗi ly cà phê đến tay khách, Hậu trích ra 5.000 đồng để hỗ trợ người khuyết tật (NKT) nâng cao năng lực, học nghề pha chế và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, sáng tạo. Quỹ được quản lý bởi bên thứ ba để đảm bảo tính trung thực, giúp khá nhiều NKT ở TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước thêm cơ hội hòa nhập, phát triển bản thân.
Hậu tham gia rất nhiều chương trình giao lưu với NKT, giới trẻ. Tại đó, anh không ngần ngại kể về những lần vấp ngã, thất bại cùng quá trình đứng lên làm lại từ đầu với mong muốn truyền động lực sống tích cực đến mọi người. Anh cũng tổ chức nhiều buổi chia sẻ, cung cấp kiến thức khởi nghiệp cơ bản cho người NKT cùng chí hướng để họ tự tin hơn khi bước vào lĩnh vực mới. Trong cuốn sách “Khởi nghiệp trên xe lăn”, Hậu kể lại hành trình vượt khó của bản thân, đồng thời gửi gắm rất nhiều lời khuyên cho ai đó muốn bước qua sợ hãi, chinh phục từng thử thách trong đời. “Từ lâu, tôi đã không còn hoảng sợ hay tủi thân khi nghĩ đến những khiếm khuyết. Tôi đón nhận mọi thứ, tìm cách xoay xở vì tin rằng luôn có điều tốt đẹp ở đích đến”, Hậu vui vẻ cho hay.
Từ tủ sách miễn phí đến học bổng cho trò nghèo
Hồi thành lập “Thư viện mini Cô Ba” vào năm 2009, cô gái luôn ngồi trên xe lăn Huỳnh Thanh Thảo (39 tuổi, sống tại ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM) đâu ngờ mình đủ sức duy trì mọi thứ lâu đến vậy. Nhiễm chất độc da cam cộng thêm chứng xương thủy tinh, sức khỏe rất yếu và hạn chế vận động nhưng Thảo vẫn làm thư viện cộng đồng vì muốn trẻ em mọi nơi có thêm sách hay để mở cánh cửa rộng bước vào đời. Không được đến trường, Thảo nhờ mẹ dạy chữ rồi tự mày mò kiến thức trong từng trang sách nên chị biết một thư viện nhỏ có thể tạo ra nhiều cơ hội lớn. Thảo trưởng thành mỗi ngày từ những cuốn sách được người thân và sau này là người lạ mọi nơi trao tặng, do đó, khi có thể, chị luôn muốn trao đi. Không phụ lòng Thảo, giờ đây, thư viện mini Cô Ba đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của học trò, giáo viên trong ấp vào dịp cuối tuần. Học trò ở xa muốn đọc sách, Thảo liền gửi tặng, kèm lời động viên.

Thư viện mini Cô Ba là điểm đến quen thuộc của trẻ em trong ấp
Năm 2010, Thảo chia sẻ ước mơ phát triển thư viện sách cộng đồng tại nhà trên sóng phát thanh. Câu chuyện đẹp của cô gái giàu nghị lực đã chạm đến trái tim nhiều người. Sau khi chương trình kết thúc, bạn bè từ khắp nơi gửi sách tặng thư viện, Thảo vui lắm. Người sáng lập Thư viện mini Cô Ba kể, có lần đang nằm kiểm kê sách, nghe giọng cô bán ve chai quen thuộc trong ấp, nghĩ cô cần giúp gì, Thảo liền gặp mặt. Đâu ngờ, cô lựa những cuốn sách đồng nát, chùi sạch, đem đến tặng cho thư viện. Bữa đó, mắt Thảo rưng rưng. Hay như lần khác, Thảo nhận được cả tủ sách từ các bạn sinh viên sống xa quê, trong đó nhiều cuốn giá trị. Thảo biết, ở ngoài kia, nhiều người cũng muốn “cho đi” giống mình.

Thư viện mini Cô Ba là điểm đến quen thuộc của trẻ em trong ấp
Thư viện mini Cô Ba không chỉ là nơi lưu giữ hơn 10.000 đầu sách mà còn là không gian nuôi dưỡng ước mơ của bao học trò nghèo. Các em có thể tới đọc sách truyện thỏa thích hoặc mượn về nhà, ngoài ra còn tham gia nhiều hoạt động rèn kỹ năng sống, vui chơi cùng nhau ngay tại khuôn viên thư viện. Thời điểm đó, nhiều giáo viên và bạn trẻ trong huyện đến “gõ cửa nhà” tự nguyện phục vụ thu viện “0 đồng” cùng Thảo. Là tình nguyện viên lâu năm nhất tại thư viện này, mỗi tuần, nữ giáo viên Huỳnh Thị Thanh Phương đều chở con gái đến gặp cô Thảo. Con say sưa đọc sách, mẹ phụ sắp kệ sách, lau bụi. Ngày nào có sự kiện hay chương trình vui chơi của trẻ em, chị Phương tranh thủ việc nhà, đến sớm hơn để phụ các phần việc hậu cần. Chị Phương nói, làm với Thảo thì chưa bao giờ thấy mệt: “Thảo ốm yếu mà làm được bao nhiêu thứ, mình khỏe mạnh vầy sao có thể ngồi chơi. Mỗi người một tay, chỉ mong thư viện này ngày càng lớn mạnh để học trò các nơi được đọc sách miễn phí”.

Thảo mong mình khỏe hơn để đi nhiều nơi, gặp nhiều người và chia sẻ niềm vui chị có được từ các dự án cộng đồng
Cao 65cm, nặng 23kg, tay chân ngắn ngủn, việc di chuyển, sinh hoạt phải nhờ vào xe lăn và người thân nhưng chưa bao giờ Thảo oán trách số phận. Thảo tự học, tự tiếp cận cơ hội phát triển bằng sách cùng các khóa học trên không gian mạng. Không giấu kiến thức cho riêng mình, Thảo lập thư viện “0 đồng”, mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo và tổ chức rất nhiều hoạt động thiện nguyện cho cộng đồng NKT, người yếu thế. Thảo còn tạo quỹ học bổng giúp trò nghèo vượt khó và quỹ hỗ trợ các trường hợp người khuyết tật đặc biệt khó khăn. Thảo nói, mỗi suất học bổng hay phần vốn hỗ trợ giá trị vật chất tuy không lớn nhưng là động lực tinh thần giúp nhiều người vững tin, từ đó nỗ lực nhiều hơn. “Mình không có gì cả, chỉ có một trái tim rực lửa nên còn sống là còn tham gia hoạt động cộng đồng. Mình muốn nhìn mọi người hạnh phúc, nhìn trẻ em đến trường hay chăm chú vào trang sách. Khi có tri thức, mình tin sẽ chẳng ai nghèo”, Thảo chia sẻ.