Những người 'lái đò' trên núi

Dạy học ở vùng cao luôn là công việc đầy khó khăn, bởi không chỉ dạy kiến thức, ngày ngày các thầy cô giáo còn phải băng rừng, vượt suối, chấp nhận xa gia đình để đến với những điểm trường xa xôi, 'gieo con chữ' và trao truyền tình yêu thương cho học trò ở vùng sâu, vùng xa. Câu chuyện chúng tôi ghi nhận tại Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn (xã Sảng Mộc, Võ Nhai) là một trong những hành trình vượt lên khó khăn như vậy.

Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai).

Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai).

Chênh vênh con chữ vùng cao

Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn nằm chênh vênh trên một con dốc dài. Để đến được ngôi trường này, từ trung tâm TP. Thái Nguyên, chúng tôi phải lái xe 2 tiếng đồng hồ, vượt qua nhưng đoạn dốc ngoằn nghèo, gấp khúc. Sau đó, từ trung tâm xã, xe chúng tôi rà số 1 đi thêm 8km đường rừng, qua những đoạn dốc cao mới đến nơi.

Năm học 2023-2024 vừa kết thúc nhưng các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn vẫn chưa được nghỉ ngơi. Trong tháng 6, các thầy cô tranh thủ lên trường xem xét danh sách học sinh, phối hợp với xã lập danh sách trẻ trong độ tuổi vào lớp 1. Sang đến tháng 7 là thời điểm làm công tác phổ cập giáo dục, tiếp đó là dạy tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số. Khi xong hết các đầu việc này cũng là thời điểm năm học mới bắt đầu.

Nhìn ra khoảng sân vắng do học trò nghỉ hè, thầy giáo Nguyễn Đoan Trang, Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn, cho hay: Những năm gần đây, số học sinh nghỉ học giữa chừng đã giảm rất nhiều. Kết quả này có được sau rất nhiều lần thầy cô leo rừng, lội suối đến tận nhà vận động phụ huynh cho các em đi học. Có em nhà ở tận trong lũng sâu, không có sóng điện thoại, phụ huynh lại đi rừng nên thầy cô phải vào 5-7 lần mới gặp được.

Còn thầy giáo Lường Xuân Thủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, tâm sự: Năm nào chúng tôi cũng hy vọng khi khai giảng sẽ đủ mặt những học sinh cũ. Bởi có rất nhiều lý do khiến các em nghỉ học giữa chừng như: hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà thiếu lao động, phụ huynh không coi trọng việc học hành, những năm trước còn có em nghỉ học để kết hôn sớm… Ngay như năm học vừa rồi, Nhà trường cũng có 1 học sinh bỏ học.

Quả đúng là như lời thầy Trang, thầy Thủy, ở Khuổi Mèo, một trong những xóm khó khăn nhất của tỉnh, hơn 100 nóc nhà ở đây đều là người dân tộc Mông, đời sống còn nhiều khó khăn nên đồng bào chưa chú trọng việc học của con cái. Có cháu do bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà với ông bà không biết chữ nên không hiểu phải đưa cháu đi học. Vì thế, đến tuổi vẫn chưa làm thủ tục để cháu đến trường. Những trường hợp như vậy, các thầy cô phải đến tận nơi để thuyết phục, hướng dẫn gia đình.

Với thầy giáo Nông Văn Hữu, khó khăn nhất khi dạy học ở vùng cao không chỉ ở đường sá xa xôi, cơ sở vật chất thiếu thốn, mà là cần thay đổi tư duy về việc học của học sinh, phụ huynh, để không còn cảnh phải đến từng nhà vận động các em đến lớp. Thầy Hữu chia sẻ: Đa số các em khi vào lớp 1 chưa biết nói và viết tiếng Việt. Vì vậy, bên cạnh vận động phụ huynh cho con đi học đúng độ tuổi, chúng tôi còn phải thuyết phục họ cho con đi học tiếng Việt từ cuối tháng 7, để các em làm quen với chữ cái và bải giảng của thầy cô trước khi vào năm học mới. Có như vậy, các em mới có thể theo kịp chương trình học.

Thầy giáo Nông Văn Hữu đã có nhiều năm công tác tại Trường, gắn bó với việc dạy học cho học sinh lớp 1.

Thầy giáo Nông Văn Hữu đã có nhiều năm công tác tại Trường, gắn bó với việc dạy học cho học sinh lớp 1.

Hết lòng vì học trò

Với giáo viên miền xuôi, đời sống đã khó khăn, nhưng so với những gì các giáo viên vùng cao trải qua, có lẽ chẳng thấm vào đâu. Không chỉ công tác tại địa bàn khó khăn, xa nhà, các thầy cô còn vừa dạy trẻ em tiếng Việt, lại vừa phải học tiếng của bà con địa phương; làm tốt công tác vận động để bà con đưa trẻ đến trường. Đồng thời phải tìm tòi phương pháp dạy học hiệu quả hơn, phù hợp hơn với đặc điểm của học sinh người dân tộc thiểu số.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đoan Trang cho rằng: Phải rất say nghề, yêu nghề và yêu trẻ, các thầy cô mới có thể gắn bó với vùng cao. Bởi ở Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn, có những thầy cô sống cách xa trường đến hơn 60km, có người ở huyện Đại Từ, TP. Thái Nguyên, Đồng Hỷ… phải xa gia đình để lên “cắm bản”.

Như cô giáo Nông Thị Thảo phải “huy động” cả mẹ lên ở tại nhà công vụ để cùng chăm sóc 2 con sinh đôi mới hơn 1 tuổi. Cô Thảo trải lòng: Con còn bé quá nên không thể xa mẹ. Trong khi một mình tôi không thể xoay sở được với 2 cháu nên phải nhờ mẹ lên ở cùng. Vẫn biết như vậy sẽ khó khăn cho cả gia đình nhưng tôi cũng không còn cách nào khác. Tuy vất vả nhưng tôi may mắn vì được gia đình ủng hộ công việc cũng như được học sinh yêu quý.

Còn với cô giáo Trần Thị Thu Trang, một giáo viên mới lên công tác tại Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn được vài năm, nỗi sợ lớn nhất không phải là sự vất vả mà là những ngày mưa lớn. Cô Trang kể: Ngày mưa, nước từ trên dốc núi ào ào đổ xuống như con thác. Lũ trẻ đội mưa đến trường ướt như chuột lột. Ngay cả khi trời đã tạnh, chân của các em dày đặc bùn đất bám vào. Không có ủng, đôi dép cũ được bọn trẻ cắp vào nách rồi lội chân trần cho khỏi trơn. Có em đến được lớp đầu ngón chân đã tím bầm do cố bấm xuống đất để đi. Vậy nên dù vất vả thế nào, mỗi buổi học, chúng tôi đều có mặt tại lớp từ sớm để chờ học trò. Khi các em tới lớp đủ mới yên tâm.

Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn hiện có 16 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học 2023-2024, Nhà trường có 9 lớp, với tổng số 133 học sinh. Tuy chưa đủ số giáo viên theo quy định, nhưng vượt qua những khó khăn do điều kiện còn thiếu thốn, Nhà trường vẫn nỗ lực hoàn thiện chương trình năm học.

Kết quả cuối năm học có 16/16 học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, 11/11 học sinh hoàn thành chương trình THCS. Cấp Tiểu học có 36,6% học sinh hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Cấp THCS có 27,4% học sinh đạt học lực từ khá trở lên. Nhà trường đạt 23 giải (học sinh đạt 20 giải, giáo viên đạt 3 giải) trong các hội thi do ngành Giáo dục tỉnh, huyện tổ chức…

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đoan Trang cho biết: Kết quả này tuy còn khiêm tốn khi so với các trường khác trong tỉnh, nhưng đã tốt hơn các năm học trước. Chính những sự thay đổi nhỏ bé này đã tạo động lực cho giáo viên chúng tôi tiếp tục cống hiến, đưa ánh sáng tri thức đến với học sinh vùng cao.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202407/nhung-nguoi-lai-do-tren-nui-5b919cd/