Những người làm báo ở cơ sở

Đều đặn hết ngày này qua ngày khác, vượt qua bao khó khăn, vất vả, những phóng viên của Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Sốp Cộp luôn bám sát cơ sở, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân đến Đảng, chính quyền, đồng thời chuyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới mọi người dân.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Sốp Cộp tác nghiệp tại cơ sở.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Sốp Cộp tác nghiệp tại cơ sở.

Ở một địa bàn xa xôi như Sốp Cộp, các phóng viên Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, địa bàn rộng, thiếu nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật... song anh chị em vẫn tâm huyết, đam mê với nghề. Phóng viên Lò An, người dân tộc Thái, được tuyển dụng làm kỹ thuật viên thu phát sóng, do cơ quan thiếu phóng viên, anh được phân công sang làm việc tại tổ nội dung, ban đầu gặp nhiều khó khăn, bằng nỗ lực học tập, trao đổi, hiện giờ anh đã thành thục các kỹ năng viết bài, quay phim, dựng hình... Với lợi thế am hiểu về vùng đất, con người nơi đây, anh An sẵn sàng đi đến các bản vùng cao, biên giới xa nhất, những nơi diễn ra các sự kiện để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, sáng tạo tác phẩm tuyên truyền phù hợp.

Phát thanh viên Hoài Thanh lại khác. Chị sinh ra và lớn lên ở Nam Định nhưng đã gắn bó với mảnh đất Sốp Cộp từ những ngày đầu thành lập huyện. Dáng người nhỏ nhắn, nhưng Hoài Thanh sẵn sàng vác máy quay, phóng xe máy xuống cơ sở, vào các bản vùng sâu, vùng xa để tác nghiệp, chẳng hề thua kém các đồng nghiệp nam. Hoài Thanh tâm sự: Chính sự động viên của anh chị em đồng nghiệp, bố mẹ, bạn bè và cả sự chất phác, thật thà của bà con dân tộc đã giúp tôi vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt công việc. Phóng viên ở cơ sở cũng đa năng lắm, thiếu phóng viên tác nghiệp thì mỗi người tự kiêm thêm hai ba vai, từ viết kịch bản, quay phim, dựng hình, biên tập... miễn sao không bỏ sót sự kiện. Qua quá trình công tác, tôi nhận thấy phóng viên ngoài tư duy tốt, có trình độ chuyên môn vững, sức khỏe tốt, thì cần phải gần gũi, tìm hiểu phong tục tập quán, tâm tư nguyện vọng của bà con... Dù được phân công thêm việc biên tập, nhưng tôi vẫn sắp xếp thời gian để đi cơ sở, quan sát thực tế, mong muốn có những tác phẩm thực sự mang hơi thở cuộc sống.

Ông Nguyễn Tiến Phong, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa trao đổi: Thực hiện chủ trương sáp nhập, Trung tâm hiện có 32 cán bộ, viên chức, người lao động, nhưng chỉ có 6 cán bộ, nhân viên trực tiếp quay phim, viết tin, bài, dựng hình... anh chị em trong đơn vị luôn phối hợp, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Lực lượng mỏng, kiêm nhiệm nhiều vị trí, thiết bị kỹ thuật thiếu... nhưng hằng tháng, Trung tâm vẫn sản xuất 13 chương trình phát thanh và 2 trang truyền hình cơ sở phát trên sóng Đài PT-TH tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã sản xuất 86 chương trình truyền thanh, 437 tin phát thanh và 40 bài thuộc các thể loại phản ánh, phóng sự, gương người tốt việc tốt, 12 trang truyền hình cơ sở và 2 chuyên mục khuyến học. Đồng thời, duy trì trực phát sóng; kiểm tra, bảo dưỡng 2 trạm phát sóng PT-TH và hơn 30 cụm loa truyền thanh, đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin của bà con.

Với lòng yêu nghề, say nghề, đội ngũ phóng viên, biên tập viên Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Sốp Cộp đã và đang vượt lên mọi khó khăn, đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Thu Hằng (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhung-nguoi-lam-bao-o-co-so-23700