Những người lặng thầm 'gieo' tri thức

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục (GD), trong đó Người đặc biệt đề cao sứ mệnh của người thầy giáo: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng CNXH và Chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…". Thấm nhuần lời dạy của Bác, đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV) của tỉnh không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, kiên trì bám lớp, bám điểm trường, "gieo chữ" giữa đại ngàn nắng gió.

Trong rất nhiều chuyến công tác của chúng tôi về với cơ sở, những câu chuyện của các GV nhiều năm cắm bản, vượt qua bao khó khăn, thách thức với những cung đường đèo hiểm trở, đêm Cao nguyên đá rét thấu xương, điểm trường 3 không (không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại), phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số, bất đồng ngôn ngữ, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, vượt núi vận động học sinh đến trường, những đứa con thơ phải gửi về xuôi nhờ ông bà chăm sóc... luôn khiến chúng tôi vô cùng trăn trở. Dùng những mỹ từ để viết về họ là chưa đủ mà thực sự cảm phục, sẻ chia với sự cống hiến, hy sinh của họ cho ngành GD.

Giáo viên và học sinh Trường Mầm non Sao Mai (thành phố Hà Giang) trong giờ học.

Giáo viên và học sinh Trường Mầm non Sao Mai (thành phố Hà Giang) trong giờ học.

Toàn tỉnh có trên 18 nghìn CBGV, nhân viên; trong đó 87,12% GV đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019; số CBGV có trình độ Tiến sỹ là 6 người, Thạc sỹ 399 người, Đại học trên 14.830 người; tỷ lệ CBGV là đảng viên chiếm 84,65%. Tình trạng thiếu GV xảy ra dện rộng tại hầu hết các địa phương, tính theo định mức, toàn tỉnh thiếu trên 2.940 GV, nhân viên, dự kiến đến năm 2025 thiếu khoảng 3.283 người.

Để xây dựng đội ngũ CBGV đáp ứng yêu cầu đổi mới GD, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề án, kế hoạch quan trọng như: “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2013 - 2020”; kế hoạch nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV hàng năm; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thi đua “Dạy tốt, học tốt", “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Ngành GD thường xuyên đánh giá, phân loại, rà soát chất lượng CBGV theo chuẩn nghề nghiệp để có kế hoạch bố trí, đào tạo; phân công, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm GV đúng quy định; thực hiện nghiêm quy định của T.Ư, tỉnh về tuyển dụng viên chức, nâng hạng, ngạch đảm bảo khách quan. Cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho CBGV về nhà ở, tiền lương, phụ cấp, ưu đãi nghề, chế độ dạy thêm giờ, chính sách cho GV vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, kịp thời động viên, tôn vinh các nhà giáo có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp GD của tỉnh.

Qua đó giúp đội ngũ CBGV không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới, sáng tạo trong công tác và giảng dạy. Toàn tỉnh có 1.632 sáng kiến cấp ngành, 12 sáng kiến cấp tỉnh và 3 đề tài khoa học cấp tỉnh được áp dụng vào thực tiễn giảng dạy. Năm học 2022 - 2023, toàn ngành bổ nhiệm mới và bổ nhiệm lại 282 người, biệt phái 141 trường hợp; tuyển dụng mới 426 GV, nhân viên; 53 cá nhân có thành tích xuất sắc được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 7 điển hình tiêu biểu được Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn tôn vinh, biểu dương và tặng Bằng khen; 15 nhà giáo được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; 184 cá nhân được ngành GD&ĐT tặng Giấy khen. nhiều CBGV đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến; 32 cá nhân được đề nghị UBND tỉnh xét tặng Huy hiệu vì sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang và 1.470 cá nhân được Bộ GD&ĐT xét tặng Kỷ niệm chương "Vì Sự nghiệp Giáo dục" năm 2023; có 130 GV THCS chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, một trong những nguyên nhân chủ quan khiến chất lượng GD của tỉnh chưa cao là do một bộ phận CBGV chưa nhận thức đúng đắn về ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng GD một cách thực chất, còn chạy theo thành tích, thiếu tâm huyết với nghề, với học sinh, thụ động trong công việc, thiếu gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá, xếp loại CBGV còn nể nang, chưa phản ánh đúng thực chất năng lực.

Tại hội nghị nâng cao chất lượng GD của tỉnh năm 2023, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị các cấp, ngành tập trung giải pháp thực hiện "Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật", trong đó xây dựng đội ngũ CBGV đảm bảo đủ số lượng và chất lượng; khảo sát, đánh giá năng lực GV toàn ngành để xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; rà soát, điều tiết cơ cấu GV, từng bước giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ; điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự của các cơ sở giáo dục nhằm tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu quả. Đề án nâng cao chất lượng GD giai đoạn 2023 - 2030 của tỉnh cũng đặt mục tiêu: Xây dựng đội ngũ CBGV có phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh về chính trị; năng lực chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với nghề; 100% GV có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên theo Luật Giáo dục 2019.

Sự nghiệp "trồng người" là sự nghiệp vẻ vang và để thực hiện sứ mệnh ấy, Bác Hồ nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”. Mỗi lời nói của Bác đều khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo. Hiện nay, tỉnh đang tập trung các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng GD toàn diện, trong đó đảm bảo các điều kiện thuận lợi để giáo viên yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ cho ngành GD tỉnh nhà.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202311/nhung-anh-hung-vo-danh-d26540f/