Những người lên lịch hiến tiểu cầu

Những năm qua, phong trào hiến máu nhân đạo phát triển sâu rộng trong toàn tỉnh với hàng chục nghìn lượt người tham gia hiến máu mỗi năm. Bên cạnh hiến máu toàn phần, có nhiều người hiến tiểu cầu. Với họ, việc hiến máu, hiến tiểu cầu như thói quen trong cuộc sống…

Anh Doãn Văn Tú 28 tuổi ở thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá (Yên Mỹ) lần đầu hiến máu tình nguyện năm 2021. Sau ba lần hiến máu toàn phần, Tú được các thầy thuốc tư vấn hiến tiểu cầu. Thời gian hiến máu toàn phần phải cách nhau khoảng 3 tháng, còn hiến tiểu cầu thì sau 21 ngày là có thể hiến tiếp, cho nên anh chọn tham gia hiến tiểu cầu để có thể giúp được nhiều người bệnh. Từ đó, hiến tiểu cầu trở thành “lịch sinh hoạt” hằng tháng của anh. Đến nay, anh đã hiến máu toàn phần 3 lần và hiến tiểu cầu 42 lần. Không chỉ hiến ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nhiều lần anh còn hiến trực tiếp tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để cấp cứu cho những bệnh nhân nguy kịch. Với những đóng góp cho phong trào hiến máu tình nguyện, năm 2023, 2024, anh Tú được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vinh danh là người hiến tiểu cầu tiêu biểu.

Anh Doãn Văn Tú, xã Liêu Xá (Yên Mỹ)

Anh Doãn Văn Tú, xã Liêu Xá (Yên Mỹ)

Anh Tú chia sẻ: Những lần đến bệnh viện hiến máu, tôi đã gặp rất nhiều hoàn cảnh bệnh nhân đáng thương. Họ cần máu để duy trì sự sống mỗi ngày. Vì thế, tôi muốn được giúp đỡ người bệnh, muốn lan tỏa việc hiến máu và tham gia các hoạt động tình nguyện.

Anh Tú hiện là công nhân Công ty TNHH Rodax (Khu công nghiệp Thăng Long II) nên anh luôn chủ động sắp xếp thời gian, tranh thủ vào ngày cuối tuần để tham gia hiến máu tình nguyện. Để có thể hiến tiểu cầu đều đặn, anh duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, đồng thời chơi thể thao để nâng cao sức khỏe.

Với phương châm “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” nên hơn 13 năm qua, chị Hoàng Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1994) ở tổ dân phố Phan Bôi, phường Dị Sử (thị xã Mỹ Hào) đã tham gia hiến máu trên 100 lần. Trong đó có hơn 40 lần hiến máu toàn phần, còn lại là hiến tiểu cầu.

Qua đọc báo, chị Nhung biết tiểu cầu vô cùng quý giá với những người bệnh ung thư giảm tiểu cầu, xuất huyết, tai nạn… Nếu không có tiểu cầu, họ khó lòng qua khỏi. Vì thế, mỗi khi nhận được cuộc gọi điện cần giúp đỡ, chị sẵn sàng lên đường đến bệnh viện hiến tiểu cầu để giúp đỡ những ca bệnh nguy kịch... Chị tự nhủ phải đồng hành với bệnh viện và người bệnh tới khi “hết tuổi, không còn sức khỏe” mới ngừng.

Mỗi lần hiến tiểu cầu, chị vượt quãng đường hơn 50km từ nhà đến Viện Huyết học – Truyền máu trung ương để thực hiện quy trình hiến. Chị Nhung chia sẻ: “Hiến tiểu cầu đối với tôi như một thói quen, tôi cố gắng sắp xếp công việc để đi. Nếu hôm nào đó đúng lịch hiến mà không đi được, tôi có cảm giác như thiếu một điều gì đó”.

Giống với anh Tú, chị Nhung, anh Nguyễn Văn Tỉnh, Bí thư Đoàn xã Dạ Trạch (Khoái Châu) đã nhiều năm tham gia hiến máu tình nguyện. Đến nay, anh đã hiến máu 80 lần, trong đó hơn 50 lần hiến tiểu cầu.

Anh Nguyễn Văn Tỉnh, Bí thư Đoàn xã Dạ Trạch (Khoái Châu)

Anh Nguyễn Văn Tỉnh, Bí thư Đoàn xã Dạ Trạch (Khoái Châu)

Anh Tỉnh cho biết: Hiến máu là việc đơn giản nhưng có thể cứu sống nhiều mạng người. Tôi cảm thấy mình may mắn khi có cơ hội làm việc này thường xuyên. Đối với tôi, việc hiến máu còn là niềm vui khi được góp phần mang lại hy vọng sống cho những người đang cần sự giúp đỡ.

Không chỉ giúp đỡ nhiều người bệnh cần máu, anh còn tích cực tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè, đoàn viên, thanh niên trong xã cùng đồng hành với mình, tạo nên phong trào hiến máu sôi nổi tại địa phương. Với những đóng góp tích cực trong phong trào hiến máu tình nguyện, vừa qua anh Tỉnh được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vinh danh người hiến tiểu cầu tình nguyện tiêu biểu năm 2024.

Được biết, tiểu cầu là một thành phần trong máu, có tác dụng cầm máu, sử dụng trong các trường hợp chảy máu do giảm tiểu cầu, chấn thương khó cầm máu, bệnh sốt xuất huyết, ung thư máu, ung thư gan, mật... Theo các bác sĩ, hiến tiểu cầu cũng như hiến máu không có hại cho sức khỏe. Lượng tiểu cầu lấy ra sẽ được cơ thể tái tạo lại trong 5 - 7 ngày.

Dù việc hiến tiểu cầu mất nhiều thời gian, có phần phức tạp hơn hiến máu toàn phần nhưng nhiều tình nguyện viên đều vui vẻ, sẵn sàng lên đường khi có yêu cầu. Với họ, sức khỏe của người bệnh cần máu là niềm vui, động lực để tiếp tục thực hiện hành trình “cho đi”…

Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nhung-nguoi-len-lich-hien-tieu-cau-3176728.html