Những người lính biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch. Bài 3: Gác lại tình cảm gia đình vì nhiệm vụ

Từ ngày đất nước thống nhất, Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ phải đối mặt với hiểm nguy như dịch họa lần này. Một lần nữa, bao lớp người lại lên đường sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc lâm nguy. Chúng tôi gặp những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu chống dịch, giáo viên, sinh viên, học sinh xung phong phục vụ tại các trại cách ly tập trung, nam nữ thanh niên lên đường mang thực phẩm đến các chốt biên giới, cụ già hơn 100 tuổi chắt chiu từng đồng tiền từ trồng rau, nuôi gà để tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh. Tất cả cho tiền tuyến với niềm tin thắng lợi.

> Những người lính biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch. Bài 2: Việt - Lào, đùm bọc nhau trong gian khó

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng (thứ ba, trái sang) thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng chốt biên giới chống dịch. Ảnh: MT

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng (thứ ba, trái sang) thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng chốt biên giới chống dịch. Ảnh: MT

Tất cả cho tiền tuyến

Nói như cụ Lê Thị Sen, (100 tuổi), thôn Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong: “Thấy trên ti vi bộ đội ăn lán ngủ rừng nơi các chốt biên giới, rồi các cháu thanh niên tình nguyện tiếp tế hậu cần, tôi đây 100 tuổi, nhưng nếu Tổ quốc cần cũng tình nguyện lên chốt nấu ăn cho bộ đội chống dịch”.

Từng tham gia du kích, nuôi giấu cán bộ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cụ Lê Thị Sen là một trong những hội viên phụ nữ xuất sắc đã được tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trong giai đoạn 1978-1988; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cụ có chồng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ chốt thép Long Quang năm 1968. Mặc dù năm nay đã tròn 100 tuổi, hoàn cảnh còn khó khăn nhưng cụ bà Lê Thị Sen, ở thôn Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong vẫn mang số tiền 1 triệu đồng tích góp được để ủng hộ công tác phòng, chống COVID-19.

Hưởng ứng phong trào tất cả cho tiền tuyến, cho chống dịch thắng lợi Ban giám hiệu, giáo viên cùng các nhân viên cấp dưỡng Trường Tiểu học Hàm Nghi, Đông Hà tình nguyện nấu ăn cho 438 người ở khu cách ly tại Phân hiệu Đại học Huế. Bắt đầu từ 4 giờ sáng, các cô cấp dưỡng và giáo viên được phân công đã tập trung tại bếp ăn, mỗi người mỗi việc, mọi công đoạn đã được thực hiện theo dây chuyền một cách thuần thục dưới sự chỉ đạo của cô bếp trưởng Lương Thị Thuận. Cứ thế, những suất cơm đủ chất dinh dưỡng, thơm ngon thể hiện tình cảm, trách nhiệm của tập thể cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Hàm Nghi đều đặn đến với người dân ở khu cách ly Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc một cách quyết liệt. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động triển khai nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Dịch bệnh gây ra nhiều tâm lý lo lắng, bất an trong các tầng lớp nhân dân, nên mỗi cán bộ dân vận, Mặt trận, các đoàn thể luôn kiên định trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của Chính phủ và những giải pháp của Chính phủ, Bộ Y tế trong công tác điều trị các ca nhiễm đến giải pháp về phòng, chống để sẵn sàng đề phòng, xử lý khi có dịch bệnh.

 Chị Trương Thị Tú (áo đen bên phải) ủng hộ tiền giúp Đồn Biên phòng Thanh chống dịch. Ảnh: MT

Chị Trương Thị Tú (áo đen bên phải) ủng hộ tiền giúp Đồn Biên phòng Thanh chống dịch. Ảnh: MT

Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã phát động, kêu gọi các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tổ chức tôn giáo, cá nhân phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, cùng đồng lòng, chung tay góp sức, ủng hộ tinh thần, vật chất để phòng, chống dịch hiệu quả. Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lê Thị Lan Hương cho biết, tính đến ngày 19/4/2020, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ phòng, chống dịch với tổng trị giá hơn 8,2 tỉ đồng. UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã chuyển tiền mặt, vật tư y tế, hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các đầu mối một cách kịp thời, phù hợp để sử dụng có hiệu quả. Bằng những việc làm thiết thực, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân, khơi dậy sự đồng lòng, sẻ chia trong cộng đồng để chung tay đẩy lùi COVID-19.

Phía sau anh là Tổ quốc

Hôm chúng tôi đến Đồn Biên phòng Thanh, gặp chị Trương Thị Tú, vợ anh Đặng Văn Vững, cán bộ biên phòng Thanh đang xách thực phẩm ở quê lên tặng chiến sĩ của đồn. Chị Tú chia sẻ, lâu rồi anh Vững chưa về thăm nhà, anh điện về cho biết vừa cắt cơn sốt xong, dự định xin cấp trên mấy ngày về nghỉ ngơi và tranh thủ lợp lại mái nhà cho vợ con, nhưng lại xảy ra dịch bệnh nên phải trực chiến. Nóng ruột quá lên đây thăm anh thì chỉ huy đồn cho biết anh Vững đang thực hiện nhiệm vụ ở chốt cách đồn gần 5 km, nhưng theo quy định là khu vực cấm, nên đành điện thoại hỏi thăm anh rồi về.

Trong chuyến đi lần này, chúng tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện cảm động về tấm gương và tinh thần trách nhiệm của những người lính biên phòng nơi biên ải. Nhiều cán bộ, chiến sĩ có người thân bị mất, con ốm đau, vợ sinh cần người chăm sóc nhưng bận chống dịch không thể về. Có trường hợp chồng đi chống dịch vùng biên, vợ cũng ở tuyến đầu chống dịch trong bệnh viện, đã hơn 2 tháng rồi mà chưa được gặp nhau. Trong số đó, cũng có câu chuyện của những chiến sĩ trẻ tuổi quyết định hoãn hôn sự để tập trung nhiệm vụ chống dịch.

“Em hoãn tổ chức đám cưới đi chống dịch cũng như nhiều đồng đội khác thôi”, bên đống lửa sưởi ấm khi trời đã về khuya, Thượng úy Lê Thừa Văn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo mở đầu câu chuyện của mình.

 Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Hàm Nghi tình nguyện nấu ăn phục vụ người dân khu cách ly. Ảnh: MT

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Hàm Nghi tình nguyện nấu ăn phục vụ người dân khu cách ly. Ảnh: MT

Thượng úy Văn kể, sinh ra và lớn lên ở vùng quê Gio Linh. Năm 2016, sau khi ra trường thì được phân công công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Theo kế hoạch, giữa tháng 3 vừa rồi gia đình sẽ tổ chức lễ cưới cho Văn. Thế nhưng khi đến sát ngày cưới, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, thiệp mời cũng đã gửi thì anh quyết định hoãn cưới để làm nhiệm vụ chống dịch. “Khi tôi bàn quyết định hoãn cưới, họ hàng hai bên buồn lắm bởi đây là việc hệ trọng của đời người. Phía nhà gái cũng chịu nhiều áp lực, con gái lớn lấy chồng mà không êm thuận. Tôi phải thuyết phục vợ chấp nhận thiệt thòi vì việc lớn. Sau đó cùng vợ vận động họ hàng hai bên. Phải mất đến 3 ngày làm công tác “vận động quần chúng” mới được hai bên gia đình đồng ý. Giờ thì họ hàng, bạn bè ai cũng ủng hộ chuyện hoãn cưới bởi đó cũng là hạn chế tập trung đông người theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Ngay cả nhà hàng nơi đặt tiệc, khi nghe tôi thông báo hoãn cưới để đi chống dịch họ cũng vui vẻ trả lại tiền đặt cọc mà không lấy một đồng nào”, Thượng úy Văn tâm sự.

Nhiều người cũng đã biết đến và đồng cảm với Đại úy Hoàng Minh Thiết, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Hướng Lập hết lòng vì nhiệm vụ. Tháng 7/2013, Thiết lập gia đình nhưng vợ chồng anh lại hiếm muộn. Tháng 8/2019 vợ anh sinh cùng lúc một cháu trai và một cháu gái. Thế nhưng, con trai của anh lại mang căn bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe rất yếu, thêm một lần nữa, vợ chồng anh lại chạy vạy tìm nguồn tài chính để phẫu thuật tim cho con, song sau phẫu thuật đúng một tuần, bé lại phải vào viện điều trị vì vẫn còn các di chứng của bệnh tim và tăng áp phổi. Nằm viện 2 tháng, bé được cho xuất viện cũng là lúc tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp. Đại úy Hoàng Minh Thiết cho biết: “Đã hơn 2 tháng nay lo chống COVID-19 nên tôi chưa có dịp về thăm gia đình, thăm con”.

Cán bộ, chiến sĩ các chốt vùng biên luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và toàn xã hội. Trong những lần kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh nơi biên giới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đều vượt suối, băng đèo đến với các chốt xa xôi hiểm trở nhất để động viên cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh biểu dương tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, thiếu thốn của cán bộ, chiến sĩ để “khóa chặt” các đường mòn, lối mở với quyết tâm ngăn chặn không cho dịch xâm nhập, lây lan qua biên giới. Biểu dương những cá nhân gác lại tình cảm gia đình vì nhiệm vụ phòng, chống đại dịch như Thượng úy Lê Thừa Văn, Đội trưởng đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; Trung úy Đặng Thanh Hiếu, nhân viên Trạm kiểm soát A Dơi, Đồn Biên phòng Ba Tầng; Đại úy Hoàng Minh Thiết, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Hướng Lập...

Tại phiên họp hôm 14/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ quân đội, đặc biệt lực lượng đang làm nhiệm vụ ở tuyến biên giới trong phòng chống đại dịch, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đó chính là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, vì nhân dân quên mình; đó là tình dân tộc, nghĩa đồng bào, thể hiện vai trò của quân đội trong lúc dịch bệnh, tạo niềm tin Nhân dân nước ta và thế giới”.

Và trong lời khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chúng tôi tìm thấy bao khuôn mặt sạm nắng, đôi mắt thâm quầng mất ngủ, đôi môi tím tái do giá rét của người cán bộ, chiến sĩ biên phòng Quảng Trị ngày đêm bám chốt nơi biên ải xa xôi. Các anh sẵn sàng nhận mọi hy sinh, gian khó, nhất quyết không lùi bước. Bởi biết rằng, sau lưng mình là Tổ quốc thân yêu.

Minh Tuấn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=147772