Những người lính Biên phòng 'tưới mát' cho vùng biên khô khát Ia Đal

Thay vì tìm, thử nghiệm cây, con giống mới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Đal (BĐBP Kon Tum) tập trung giúp người dân cải tạo, tăng năng suất cho cây trồng, vật nuôi. Với phương châm 'cầm tay chỉ việc', từ đó 'thay đổi nếp nghĩ, cách làm', những người lính Biên phòng đã giúp nhiều hộ dân ở xã Ia Đal (huyện Ia H''Drai, tỉnh Kon Tum) có điểm tựa vững chắc, tiếp thêm động lực để vươn lên thoát nghèo.

Đại úy Hoàng Văn Thành và Thiếu tá Nguyễn Đức Vinh giúp bà Hà Thị Tuyển cất lúa sau thu hoạch. Ảnh: Trúc Hà

Đại úy Hoàng Văn Thành và Thiếu tá Nguyễn Đức Vinh giúp bà Hà Thị Tuyển cất lúa sau thu hoạch. Ảnh: Trúc Hà

Xã Ia Đal là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất trên tuyến biên giới của tỉnh Kon Tum. Mùa khô kéo dài, nhiệt độ luôn ở mức cao hơn khu vực khác, bởi vậy, nơi đây được ví như chảo lửa. Đồn Biên phòng Ia Đal quản lý 7 thôn thuộc 2 xã Ia Đal, Ia Dom, dân số chưa tới 3.000 nhân khẩu, nhưng có tới 18 dân tộc anh em sinh sống đan xen, gồm: Kinh, Gia Rai, Mường, Dao, Tày, Thái, Nùng, Xê Đăng, Triêng, Hà Lăng, Giẻ, Sán Chỉ, M'nông, Kdong, Ê Đê, Cơ Tu, Rơ Mâm, Cao Lan. Mặt bằng dân trí thấp, tư liệu sản xuất thiếu, thu nhập chủ yếu vào nguồn tiền chăm sóc, cạo mủ cao su nên cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Những vướng mắc ấy là thách thức đối với chính quyền địa phương, đặc biệt là đối với Đồn Biên phòng Ia Đal trong xây dựng vùng biên vững mạnh. Phải làm thế nào để có huy động sức mạnh lòng dân để xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân, thế trận An ninh nhân dân và thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc luôn là nhiệm vụ mà để hoàn thành được, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Một trong những giải pháp được Đồn Biên phòng Ia Đal chú trọng áp dụng, đó là đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, làm “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” để người dân có thể tự lực trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Những năm qua, không chỉ tuyên truyền, vận động, những người lính Biên phòng không ngại ngần xắn tay cùng nhân dân tìm lời giải cho bài toán thoát nghèo. Nếu như ở nhiều nơi khác, người ta tập trung tìm cây, con giống mới thì những người lính Biên phòng nơi đây quyết định định lựa chọn phương pháp “thâm canh, cải tạo, tăng năng suất” cho những cây trồng, vật nuôi, đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Từ lâu, đối với gia đình ông Hà Văn Định và bà Hà Thị Tuyển (thôn 4, xã Ia Dom) thì Đại úy Hoàng Văn Thành (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng) và Thiếu tá Nguyễn Đức Vinh (Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng) là những người thân. Vợ chồng ông Định, bà Tuyển từ Thanh Hóa vào Ia Đal làm công nhân Công ty Cao su Sa Thầy. Để cải thiện cuộc sống, hai vợ chồng đã tận dụng khu vực bìa lô hợp thủy để trồng lúa nước. Tuy nhiên, do không có nhân công, giống lâu năm thoái hóa nên số lúa thu về chưa được nhiều. Hơn 1 năm trước, trong lần đi địa bàn, thấy hoàn cảnh của đôi vợ chồng này, Đại úy Hoàng Văn Thành đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân lực để mở rộng diện tích cho gia đình ông Định, bà Tuyển.

Được sự nhất trí của chỉ huy đơn vị, tháng 1/2023, 10 cán bộ, chiến sĩ đã xuống giúp gia đình ông Định, bà Tuyển cải tạo và mở rộng diện tích ruộng nước. Những người lính Biên phòng cũng bỏ công giúp gia đình cấy, chăm sóc và thu hoạch. Không chỉ vậy, Thiếu tá Nguyễn Đức Vinh còn chủ động tìm mua giống lúa mới ADI 28 của Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và phát triển nông nghiệp ADI. Kết quả, giống lúa này cho hạt to, bông dài, cơm thơm, dẻo.

Diện tích được mở rộng, năng suất được tăng cao, ông Định, bà Tuyển đã đầu tư mua một chiếc máy cày, một máy tuốt lúa để giải phóng sức lao động. Với 7 sào lúa, gia đình ông bà thu về được 1,5 tấn tóc, tăng 0,5 tấn so với năm trước. Hai vợ chồng cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua bò giống về nuôi.

Năm 2023, vợ chồng ông Định, bà Tuyển cùng các con cũng mạnh dạn nhận 3.000 cây keo giống để trồng trên diện tích đất của gia đình ở sát đường biên giới. Đây là “của để dành” vì 4-5 năm nữa, việc thu hoạch keo và bán bò sẽ đem lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể. Cuộc sống ổn định, vợ chồng ông Định, bà Tuyển tự tin hơn để gắn bó với mảnh đất biên giới Ia Đal, coi nơi đây là quê hương thứ hai.

Nhờ có sự giúp đỡ của những người lính Biên phòng, chị Lê Thị Tám có thu nhập ổn đình từ vườn rau đồng giá. Ảnh: Trúc Hà

Nhờ có sự giúp đỡ của những người lính Biên phòng, chị Lê Thị Tám có thu nhập ổn đình từ vườn rau đồng giá. Ảnh: Trúc Hà

Chị Lê Thị Tám (thôn 3, xã Ia Đal) có nhà ngay mặt đường. Vợ chồng chị Tám vào Ia Đal đã từ những ngày đầu thành lập huyện mới, khi ấy còn đất rộng, người thưa. Vốn chăm chỉ, lại được sự trợ giúp từ họ hàng, anh chị mua thêm đất để canh tác. Tuy nhiên, do chưa biết cách tính toán, nên chưa tận dụng được hết đất gia đình có. Ví như vườn rộng 300m2 gần nhà, anh chị chỉ để trồng vài loại rau phục vụ nhu cầu của gia đình.

Sau khi bàn bạc với gia đình và được sự nhất trí của chỉ huy đơn vị, Đại úy Hoàng Văn Thành đã đưa một đội công tác xuống giúp gia đình chị Tám cải tạo lại vườn rau. Mọi người cùng đánh luống, rào lại vườn. Cũng trên diện tích đất ấy, với sự hướng dẫn của những người lính Biên phòng, chị Tám gieo các loại rau mùng tơi, dền, muống, cải, dưa leo theo từng luống và được chăm sóc cẩn thận. Chị Tám đã bán rau ngay tại vườn đồng giá 20.000 đồng/kg.

Từ khi biết chị Tám bán các loại rau, rất nhiều người tìm đến. Các quán ăn, đặc biệt là nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn xã Ia Đal, Ia Dom thường đặt trước để chị Tám để dành cho mình vì rau vừa tươi, ngon, lại giảm giá thành vận chuyển. Không ai có thể nghĩ chị Tám có thể thu 1 tấn rau 1 tháng. Chị Tám cho biết: “Vườn rau mang lại thu nhập cao khiến vợ chồng tôi có thêm động lực để phấn đấu. Vợ chồng tôi làm không biết mệt. Các con của tôi sau giờ học cũng giúp cha mẹ nhổ cỏ, làm vườn thay vì đi chơi rông”. Điều đáng mừng là, sau khi mô hình trồng rau của chị Tám mang lại hiệu quả cao, một số nhà ở khu vực lân cận cũng muốn học tập vì nhu cầu về rau xanh vẫn còn đang thiếu.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đại, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Đal cho biết: “Trong những năm qua, đơn vị thường xuyên duy trì các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ giúp dân thu hoạch mỳ, phát rẫy điều, đào giếng, gặt lúa, tặng con giống, phân bón”. Cán bộ, chiến sĩ đã đóng góp hỗ trợ người nghèo trên địa bàn xã quản lý 20 con heo giống, 50kg cá giống các loại, trên 100 con gia cầm. Đồng thời, phối hợp với mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ 2 con bò sinh sản, với tổng giá trị 55 triệu đồng. Đến nay, các mô hình đều đang phát triển tốt, góp phần không nhỏ trong việc giúp các gia đình thoát nghèo”.

Cứ như vậy, bằng những việc làm thiết thực, những người lính Biên phòng bền bỉ cùng người dân vượt qua những khó khăn để xây dựng cuộc sống mới nơi biên cương của Tổ quốc.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-linh-bien-phong-tuoi-mat-cho-vung-bien-kho-khat-ia-dal-post478195.html