Những người lính cảnh vệ giữa mùa xuân thống nhất
'Tiểu đội hàng hai, nhẹ bước ung dung/ Đường nhựa thẳng không rễ cây, đá nhọn/ Ánh đèn đường trong Dinh tỏa sáng/ Không như ánh trăng trong trảng tỏ mờ/ Chúng tôi tuần tra đêm tháng năm đầy sao/ Tiếng tắc kè vẳng sau cây lá/ Súng chắc trong tay…' - Bác sĩ Nguyễn Hồng Minh, nguyên chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 18 An ninh vũ trang miền Nam đã đọc cho tôi nghe những câu thơ ông viết trong những ngày làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ Dinh Độc Lập. Và câu chuyện của người chiến sĩ quân hàm xanh làm nhiệm vụ cảnh vệ ấy đã thôi thúc tôi phải tìm hiểu về chiến công thầm lặng của họ trong niềm cảm xúc trân trọng.
Sau ngày giải phóng, tuy giang sơn thu về một mối, song, về mặt Nhà nước vẫn còn tồn tại 2 Chính phủ ở 2 miền: Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở miền Bắc và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam ở miền Nam. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên vào làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc khôi phục nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá và củng cố chính quyền cách mạng. Song, bối cảnh an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở miền Nam Việt Nam khi đó vô cùng phức tạp, hoạt động của các phần tử phản cách mạng còn nhiều, nên nhiệm vụ bảo vệ các lãnh tụ và cơ quan đầu não Trung ương cũng đặt ra hết sức nặng nề, khó khăn.
Cùng với nhiệm vụ tại miền Bắc, ngay sau ngày tiếp quản, Trung ương Cục đã xác định nhiệm vụ của lực lượng An ninh vũ trang các tỉnh phía Nam lúc này là: “Khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang các cấp làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra bảo vệ cơ quan đầu não, xí nghiệp quan trọng, giữ gìn trật tự an ninh các tỉnh phía Nam”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP cho biết, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, các đơn vị An ninh vũ trang giải phóng đã nhanh chóng triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, cấp ủy và Ủy ban nhân dân cách mạng Miền, khu, tỉnh, thành phố; bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo đi công tác hoặc tiếp xúc với quần chúng, bảo vệ các đoàn khách quốc tế đến thăm địa phương phía Nam, bảo vệ các cuộc mít tinh, các ngày lễ lớn, bảo vệ hồ sơ, tài sản, trang bị kỹ thuật của địch để lại.
Có thể nói, đây là nhiệm vụ diễn ra trên không gian rộng, với tính chất phức tạp, căng thẳng ở từng tuyến, từng địa bàn khác nhau cả công khai và bí mật, không vũ trang và vũ trang. Những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ nội địa đã phát huy khí thế cách mạng tiến công, khắc phục khó khăn, vận dụng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng bảo vệ tuyệt đối, an toàn các mục tiêu nội địa trên cả 2 miền. Lịch sử BĐBP đã ghi lại, tính từ sau ngày giải phóng miền Nam đến cuối năm 1976, đã bảo vệ 108 lượt các đồng chí lãnh tụ đi hoạt động công tác trên phạm vi cả nước, 381 lượt các đoàn ngoại giao và khách quốc tế, 57 cuộc hội nghị và mít tinh lớn...
Một trong những sự kiện quan trọng mà các chiến sĩ cảnh vệ đã bảo vệ thành công là lễ mừng đại thắng trong cả nước. Đại tá Nguyễn Văn Đài, nguyên Phó Tham mưu trưởng CANDVT cho biết, Bộ Tư lệnh đã quán triệt về nhiệm vụ này cho các đơn vị và yêu cầu tất cả đều sẵn sàng ở mức cao nhất. Ngay từ đầu tháng 5, lực lượng An ninh vũ trang tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức bảo vệ tốt cuộc mít tinh của trên 30.000 người dân thành phố Huế tham gia chào mừng cố đô giải phóng, đồng thời, chào mừng các đồng chí đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đến thăm và làm việc tại địa phương.
Ngày 15-5, Ủy ban quân quản Sài Gòn làm lễ ra mắt nhân dân thành phố. Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 An ninh vũ trang phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội và thanh niên tự vệ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cuộc mít tinh chào mừng lần đầu tiên của nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định. Trong ngày vui hôm ấy, giữa hàng quân danh dự diễu hành qua quảng trường của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, có khối An ninh vũ trang đại diện cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ CANDVT ưu tú đang ngày đêm bám rừng, bám biển, bảo vệ cách mạng, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Cùng lúc ấy, lặng lẽ ở các chốt gác trọng yếu, với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao nhất, có hàng trăm chiến sĩ An ninh vũ trang khác vẫn chắc tay súng, chấp hành nghiêm phương án bảo vệ an toàn cho cuộc mít tinh thành công tốt đẹp. Viết về sự kiện trọng đại này, Báo CANDVT (nay là Báo Biên phòng) có đoạn: “Khúc quân hành rộn rã hôm nay còn vang vọng bước chân Trường Sơn của mấy ngàn cán bộ, chiến sĩ CANDVT miền Bắc chi viện cho tiền tuyến, làm trọn lời thề chỉ biết còn Đảng, còn mình, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam và đã lập công xuất sắc...”.
Ngày 24-6-1975, Bộ Nội vụ quyết định sáp nhập Tiểu đoàn 4 và 5 thuộc Trung đoàn 600 với các Tiểu đoàn 1, 2, 18 và Phân đội 5 (thuộc Ban An ninh Miền) thành Trung đoàn 180 đặt dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh, có nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu nội bộ tại các tỉnh phía Nam. Tại Sài Gòn - Gia Định, các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 đã mưu trí phát hiện 4 vụ kẻ địch cài lựu đạn ở khu vực quan trọng, tháo gỡ bom mìn do địch cài lại; Tiểu đoàn 2 hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan đầu não, đặc biệt là bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi công tác ở vùng mới giải phóng; Tiểu đoàn 18 đã bảo vệ toàn vẹn các mục tiêu quan trọng như khu nhà làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Dinh Độc Lập, Nhà hát Lớn, Đài Tiếng nói thành phố... Tại Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt..., các chiến sĩ Tiểu đoàn 4, 5 đã bảo vệ an toàn các mục tiêu chiến lược, các khu nghỉ mát, Viện Y học Paster và Viện Hải dương học.
Bước sang năm 1976, những chiến sĩ CANDVT làm nhiệm vụ bảo vệ nội bộ đã hoàn thành xuất sắc 3 nhiệm vụ quan trọng là phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ an toàn cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất vào ngày 2-7, bảo vệ các điểm bỏ phiếu cùng các lãnh tụ Đảng, Nhà nước đến các điểm bỏ phiếu, tiếp xúc cử tri. Tiếp đó, là bảo vệ an toàn cho Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI diễn ra tại thành phố Hà Nội.
Nhiệm vụ quan trọng thứ 3 là từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976, những chiến sĩ CANDVT đã cùng với các lực lượng khác bảo vệ thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội. Những năm tiếp theo, nhiệm vụ này vẫn tiếp tục được Bộ Tư lệnh CANDVT hoàn thành xuất sắc cho tới khi chuyển tổ chức, biên chế sang Bộ Quốc phòng quản lý.