Những người lính Cụ Hồ giúp đời và làm giàu
Trong chiến tranh có biết bao chàng trai, cô gái độ tuổi đôi mươi hăng hái ra trận đánh đuổi quân xâm lược, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, mang lại độc lập tự do cho dân tộc. Trong số đó có nhiều người đã anh dũng hy sinh, còn những người trở về sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng thì phần lớn có cuộc sống khó khăn ngay buổi đầu lập nghiệp. Tuy nhiên với ý chí kiên cường của người lính Cụ Hồ, họ đã vượt lên gian khó để làm giàu cho gia đình và giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó có cuộc sống ổn định…
Một trong số hàng trăm cựu chiến binh của huyện Long Phú mà chúng tôi gặp và ấn tượng có thể kể đến là ông Trương Minh Hùng, ở ấp Trường Thành B, xã Trường Khánh. Được biết, ông Hùng từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trở về với cuộc sống hòa bình, người thương binh hạng 4/4 này vẫn luôn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, đặc biệt là chung sức xây dựng nông thôn mới bằng việc vận động nhân dân làm lộ, cầu giao thông nông thôn từ chính nguồn kinh phí do bản thân ông vận động mạnh thường quân. Tính đến nay, ông đã xây dựng 30 cây cầu bêtông lớn nhỏ, trị giá hơn 2 tỉ đồng và đổ đá 2 tuyến lộ giao thông, tạo thuận lợi cho bà con đi lại vào mùa mưa với chiều dài gần 4km.
Ngoài ra, ông còn tích cực vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tiền, quà, nhu yếu phẩm trao tặng cho bà con nghèo để họ vui xuân đón tết với số tiền gần 100 triệu đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 6 căn nhà cho hộ khó khăn và mới đây nhất là ông Hùng đã vận động nhà hảo tâm ủng hộ tiền thực hiện mô hình chăn nuôi gà lấy trứng, nuôi gà bán thịt cho nhiều hộ khó khăn. Theo đó, mỗi hộ sẽ nhận được chuồng gà, gà mái, kể cả thức ăn nuôi gà tương đương số tiền 4 triệu đồng/hộ.
Chị Trần Thị Hiền, ở ấp Trường Thành B, xã Trường Khánh bộc bạch: “Gia đình không có đất sản xuất, tôi ở nhà trông con nhỏ, chồng đi làm thuê kiếm tiền nên cuộc sống chật vật lắm. Nhờ ông Hùng cho đàn gà nuôi lấy trứng bán kiếm được số tiền mua gạo ăn hàng ngày, không phải lo thiếu gạo ăn trong mùa dịch bệnh…”.
Ông Hùng tâm tình: “Tôi tâm nguyện là người lính Cụ Hồ đã được rèn luyện và trưởng thành trong gian khổ, chiến tranh, nay về với cuộc sống hòa bình, mình phải giữ vững và phát huy phẩm chất người lính, phải gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sẵn sàng đóng góp công sức bản thân giúp những mảnh đời còn khó khăn để tạo đà cho họ vươn lên, mọi gia đình đều được ấm no, hạnh phúc…”.
Nếu ông Hùng tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội để hỗ trợ hộ khó khăn có cuộc sống tốt hơn thì ông Nguyễn Trung Thành, ở ấp Trường Lộc, xã Trường Khánh (Long Phú) rất siêng năng làm giàu ngay chính mảnh đất của gia đình bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Để minh chứng cho công việc làm hàng ngày tại hộ, ông Thành đưa chúng tôi ra tham quan rẫy dưa leo đang độ thu hoạch. Đưa tay sửa lại dây dưa leo trên giàn, ông Thành chia sẻ: “Về quê lập nghiệp với đôi bàn tay trắng, vợ chồng đi làm thuê, làm mướn dành dụm tiền mua được chiếc máy suốt lúa. Thế là vụ lúa nào cũng tranh thủ suốt thuê hết vụ để có nhiều tiền, có tiền thì dành dụm mua thêm vài công đất nên diện tích đất tăng dần theo từng năm. Đến lúc máy suốt lúa lỗi thời thay bởi máy gặt đập liên hợp thì tôi đã có trong tay 10 công đất làm vườn, 30 công đất sản xuất lúa 3 vụ/năm, xem như cuộc sống đã ổn định. Tới lúc dựng vợ gả chồng cho các con, chia ruộng cho chúng lập nghiệp, giờ tôi còn lại 10 công đất vườn và 10 công đất lúa".
Với đất vườn, ông trồng dừa, bưởi da xanh, 10 công đất trồng lúa 3 vụ/năm, do trồng lúa vụ 3 không hiệu quả, ông chuyển sang trồng màu, chủ lực là trồng dưa leo. Thường dưa leo trồng thời gian ngắn và thời gian thu hoạch hơn 20 ngày, 1 công dưa (1.000m2) trúng mùa cho năng suất tầm 5 tấn trái, được giá 12.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận vài chục triệu đồng/đợt. Nếu dưa leo xuống giống được 4 đợt/năm, trừ hết các khoản chi phí sản xuất, 1 năm cho thu nhập cao gấp nhiều lần so trồng lúa” - ông Thành chia sẻ thêm.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Long Phú Thạch Thanh Tâm cho biết: “Trong những năm qua, hội viên cựu chiến binh rất tích cực tham gia các phong trào do ban ngành, đoàn thể phát động để góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, đặc biệt là hội viên nêu cao trách nhiệm, vai trò trong hỗ trợ, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn thông qua công tác thiện nguyện như hội viên Hùng đã giúp bà con nghèo vươn lên trong cuộc sống, tham gia xây dựng cầu giao thông nông thôn... Hay tấm gương của ông Thành, dù lớn tuổi nhưng vẫn lao động cần mẫn bằng việc chuyển đổi lúa sang trồng màu cho nguồn thu nhập ổn định. Đây là các gương điển hình tiên tiến trong các cuộc họp thường nêu để hội viên khác học tập, chia sẻ kinh nghiệm…”.