Những người lính Hậu cần Việt Nam ở Cộng hòa Nam Sudan
Cách đây 71 năm, ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Tổng cục Cung cấp (tiền thân của Tổng cục Hậu cần ngày nay). Theo Bác: 'Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận'.
Ngành Hậu cần có nhiều chuyên ngành khác nhau: Quân y, quân nhu, vận tải, xăng dầu, doanh trại, tài chính... Ngành nào cũng đóng vai trò quan trọng trong bất cứ một tổ chức hay đơn vị quân đội nào. Đối với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3) tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) ở Cộng hòa (CH) Nam Sudan, mỗi bước đi, mỗi thành quả của bệnh viện không chỉ có sự đóng góp của các bác sĩ, điều dưỡng mà còn gắn liền với sự đóng góp âm thầm, thiết thực và hiệu quả của các thành viên Ban Bảo đảm.
Chia sẻ về công việc của Ban Bảo đảm, Thiếu tá Hồ Tiến Hưng, Trưởng ban cho biết: “Làm công tác bảo đảm hậu cần ở xa Tổ quốc không phải là điều dễ dàng. Trong 63 thành viên bệnh viện, có 11 đồng chí làm công tác hậu cần. Từ bảo đảm bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng an toàn, bảo đảm hệ thống điện, nước hoạt động thông suốt, lái xe, vệ sinh…, các tổ hậu cần từng vị trí đều nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ”.
Trung tá Chử Đức Hiệp, Kỹ sư trạm nguồn từ khi tham gia BVDC 2.1 đã có tiếng là chịu khó và nhiều tài lẻ, tay chân không để yên lúc nào. Không chỉ chịu trách nhiệm bảo đảm hệ thống máy phát điện hoạt động tốt, anh Hiệp còn tận dụng thời gian rảnh để đóng thêm các đồ đạc cá nhân cho anh em trong bệnh viện. Anh được đồng nghiệp quý mến vì tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và sẵn sàng chia sẻ nhiều kinh nghiệm để nhanh chóng thích nghi với công việc và cuộc sống tại địa bàn Bentiu.
Nhiều thành viên khác của Ban Bảo đảm BVDC 2.3 cũng từng tham gia BVDC 2.1 cách đây 4 năm hoặc từng triển khai tới phái bộ theo hình thức cá nhân. Đó là Thiếu tá Hồ Tiến Hưng, Thiếu tá Đinh Minh Kỳ, đầu bếp và Trung úy QNCN Nguyễn Văn Tám, Tổ trưởng tổ xe.
Các anh chia sẻ, tham gia sứ mệnh GGHB LHQ là niềm vinh dự rất lớn, nên khi quyết định xung phong một lần nữa tham gia đội hình BVDC sang làm nhiệm vụ ở CH Nam Sudan không phải suy nghĩ quá nhiều. “Những trải nghiệm công việc ý nghĩa ở CH Nam Sudan luôn mang lại cho chúng tôi niềm vui đặc biệt”, Thiếu tá Đinh Minh Kỳ chia sẻ.
Mỗi người một công việc, một nhiệm vụ khác nhau, nhưng tất cả đã hòa thành một khối thống nhất, cùng coi nhau như anh em ruột thịt dưới mái nhà chung BVDC 2.3 thân yêu.
Trên mảnh đất Nam Sudan còn nghèo khó, khắc nghiệt, thiếu thốn, họ đã cùng nhau cống hiến những ngày tháng tươi đẹp tham gia sứ mệnh cao cả. Đồng chí Nguyễn Văn Tám tâm sự: “Đơn vị với tôi là nhà, là nơi có thể cống hiến”.
Cùng chung suy nghĩ với Trung úy QNCN Nguyễn Văn Tám, Trung tá Chử Đức Hiệp chia sẻ: “Bản thân tình nguyện đi tiếp BVDC 2.3 để làm tiếp những gì còn dang dở ở nhiệm kỳ trước”. Những ngày đầu đặt chân quay lại nơi mình từng gắn bó, các thành viên trong Ban Bảo đảm không khỏi trăn trở bởi công tác hậu cần hoạt động chưa thực sự hiệu quả, xứng với tầm vóc của Bệnh viện. Nhiều hạng mục đơn vị bị xuống cấp như bếp ăn, khu nhà tắm, nhà ở, khu làm việc bệnh viện, các phương tiện vận tải…
Trước tình hình đó, Trưởng Ban Bảo đảm Hồ Tiến Hưng cùng các anh em đã dồn trí lực xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác Hậu cần. Suốt gần 4 tháng kể từ khi đặt chân đến Bentiu, nơi đóng quân của BVDC 2.3, gần như các thành viên Ban Bảo đảm có rất ít ngày nghỉ cuối tuần.
Thậm chí có thời điểm khi kim đồng hồ đã chỉ 8, 9 giờ tối, nhiều thành viên vẫn miệt mài làm việc. Khi thì các anh lo bốc dỡ hàng hóa vì sợ để ngoài trời, thời tiết xấu sẽ hư hỏng, lúc bận rộn lắp cho xong sàn nhà tắm đã xuống cấp, mất an toàn, hôm thì hì hụi sửa lại hệ thống bơm nước vì lo các anh em trong bệnh viện không có nước sinh hoạt…
Nhờ những nỗ lực của Ban Bảo đảm, sau một thời gian ngắn, BVDC 2.3 được thay da đổi thịt. Khu nhà ở khang trang, sạch đẹp hơn với lối đi xung quanh được tu sửa lại cùng những luống rau, khóm hoa được trồng vui mắt.
Khu nhà tắm cũ được thay thế bằng khu mới rộng rãi và an toàn hơn, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt cho anh chị em. Khu nhà ăn nay đã gọn gàng, ngăn nắp, đảm bảo vệ sinh với sự bố trí hợp lý từ khu chế biến, chỗ nấu ăn đến vị trí dọn rửa vệ sinh. Các nhân viên BVDC 2.3 an tâm thưởng thức những bữa cơm ngon miệng, với các món ăn đa dạng được đổi bữa liên tục của hai đầu bếp chính là Đinh Minh Kỳ và Trần Hoàng Thắng.
Điều đặc biệt là ở nơi khô cằn, thiếu nước như Bentiu, bệnh viện đã có thể chủ động nguồn nước sạch từ hệ thống lọc nước RO được lắp đặt, không phụ thuộc vào sự cung cấp của đơn vị Công binh Pakistan. Cổng chính mới của BVDC 2.3 đã được mở sau những ngày đêm miệt mài làm việc của các thành viên Ban Bảo đảm, giúp việc đi lại khám chữa bệnh của bệnh nhân được thuận lợi hơn. Hệ thống camera bảo vệ cũng được nâng cấp, bố trí lại hợp lý hơn, tăng cường khả năng quan sát, bảo vệ an toàn cho đơn vị.
Ở nơi nắng nóng, đất đai khô cằn châu Phi, công sức và mồ hôi của các thành viên Ban Bảo đảm cùng với các khoa, ban khác đã biến BVDC 2.3 thành một “ốc đảo” xanh tươi, với các vườn rau xanh được quy hoạch thành từng khu riêng rẽ, khoa học. Hệ thống cây xanh đa dạng từ các loại cây ăn quả, cây cho bóng mát cho đến các loài hoa như: Cúc, hướng dương, mười giờ... Thành quả từ tăng gia sản xuất đó không chỉ góp phần cải thiện đời sống vật chất mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các chiến sĩ mũ nồi xanh khi làm nhiệm vụ ở xa quê hương.
Công việc càng nhiều, càng khó khăn, vất vả, tinh thần và ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của các thành viên Ban Bảo đảm càng cao. Mỗi thành viên Ban Bảo đảm BVDC 2.3 luôn tràn đầy năng lượng tích cực và tinh thần lạc quan, phát huy phẩm chất cần cù, chịu khó, không khuất phục trước khó khăn của Bộ đội Cụ Hồ.
Tất cả sự đóng góp ấy của các thành viên Ban Bảo đảm không chỉ được Đảng ủy Ban Giám đốc ghi nhận, đánh giá cao mà còn khiến toàn thể nhân viên còn lại trong bệnh viện khâm phục, coi đó là những tấm gương sáng để học tập vì sự cống hiến tận tụy, âm thầm và hiệu quả.