Những người lính học sinh cấp 3A Yên Bái, ngày ấy ra đi, mãi mãi không về!
Năm 1971, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Ở miền Nam chiến tranh càng gay go khốc liệt. Khẩu hiệu : ' Thóc không thiếu một cận, quân không thiếu một người ' giăng khắp xóm làng, đường phố.
Mùa hè ấy dường như đến sớm hơn. Hoa phượng nở đỏ ối ven đường. Chiều, đêm ve sầu kêu ra rả, não nùng xả nước mắt xuống đầu những đôi trai gái hẹn hò dưới gốc phượng.
Tại quê tôi Yên Bái, những học sinh nam 17, 18 tuổi được gọi đi khám nghĩa vụ. Họ buông bút vì hiểu đã gọi khám là trúng tuyển. Họ tranh thủ về quê, đi chơi hoặc làm những việc cần thiết cho gia đình. Các bạn gái chúi đầu ôn thi hết cấp và bí mật thêu những chiếc khăn tay, có đôi chim bồ câu dìu nhau bay trong nắng với dòng chữ " Em sẽ đợi anh về" hoặc " Hy vọng "...
Và ngày ấy đã đến. Ngày 18 tháng 5 năm 1971, hàng ngàn thanh niên Yên Bái lên đường nhập ngũ. Những chàng trai là học sinh lớp 10 được lùi lại để thi xong tốt nghiệp, ngày 22/5 họ mới lên đường. Họ được xét tốt nghiệp đặc cách dù điểm thi có đạt hay không đạt, nhưng ai quan tâm vì: Tiền tuyến đang vẫy gọi!
Những buổi học cuối cùng năm đó, lớp vắng teo, những thằng học giỏi, những thằng học dốt, những thằng quái nghịch, đều nhập ngũ hết, chỉ còn thằng " Đui, què, mẻ, sứt " và con đối tượng ưu tiên mới ở lại. Lớp buồn tênh. Giờ ra chơi vắng lặng. Sân bóng chuyền, Sân bóng đá dìu hiu, chỉ còn lũ chuồn chuồn ngô, chuồn chuồn vàng, đỏ ớt vô tình bay lên đậu xuống đùa giỡn với khóm cỏ may...
Lũ con gái như già đi mấy tuổi...
Những đứa nhập ngũ được phân về các đơn vị. Tuấn tính, Quang tít, Anh chửa, Hùng mỡ, Hùng thịt ngọt, Thắng Bường, Phúc Nhân, Lê Đình Châu, Toàn Nho, Thái Tâm, Thái Long tập trung quân ở Đình Trắng chờ ngày về đơn vị. Tôi và thằng Lân kều vào thăm. Thấy lũ bạn mặc quần áo bộ đội mới tinh mà thích quá. Ba thằng kéo nhau vào nhà em Vương Kim Liên gần nơi tập trung quân. Em học lớp dưới, em bê đĩa khoai lang luộc nóng hổi mời chúng tôi ăn. Chúng tôi vô tư, bô bô nói chuyện, trêu chọc, gán ghép em với Tuấn Tính. Còn em bẽn lẽn, xấu hổ, hai tay xoắn búi tóc tết ba. Chẳng biết trong lòng em nghĩ gì về người anh sắp ra mặt trận.
Lính học sinh Yên Bái đợt đó, một số đứa đi Công an vũ trang, một số như Khang Tưởng, Hòa đen, Đoàn ve vào Z1. Một số về Phòng Không - Không Quân. Nhóm này được xe zil 57 chở về tập luyện ở Tó Đông Anh. Mấy ngày sau nhận được thư Tuấn. Tôi lên tàu, về Đông Anh thăm chúng.
Đến giờ ra thao trường, thằng Tuấn bảo tôi:
- Mày cứ nằm nghỉ ở giường tao, trưa về đi ăn cơm. Tôi vừa nằm một lát thì 3 anh bộ đội bước vào tra hỏi:
- Đồng chí ở tiểu đội nào, sao không đi tập, sao lại mặc thường phục. Tôi lý nhí:
- Em là khách, bạn của Tuấn ở quê đến thăm.
Anh bộ đội đeo băng đỏ trực ban, có vẻ là nhóm trưởng khoát tay, làu bầu:
- Tưởng lính trốn tập! rồi đi ra.
Khoảng 9 giờ, thằng Tuấn về, ôm một quả dưa bở chín vàng bảo:
- Mày bổ dưa ăn đi! Ở đây là đất dưa, dưa ngon lắm! Nói xong nó lại vội vã chạy đi. Buổi trưa lính tập trung, bước đều đi đến bếp ăn cơm. Lần đầu tiên tôi được ăn cơm lính, có món rau muống sào mỡ cừu gây gây, mà sao tôi thấy ngon thế.
Hết thời gian huấn luyện, lũ bạn tôi, đứa vào mặt trận Tây Nguyên, đứa vào tận B2 miền đông Nam Bộ gian lao mà anh dũng. Đứa sang Lào, Căm Pu Chia.
Một lần tôi nhận được thư Tuấn viết từ Tây Nguyên. Nó bảo:
- Chúng tao đói lắm, mưa tầm tã không ngớt. Đất bazan nhũn đỏ quạch, lính sốt rét môi tím bầm, nứt nẻ. Nằm ngủ cạnh nhau mà sáng đến bạn đã chết, cứng đơ vì sốt rét ác tính. Tao thường mò xuống bếp trung đội, ngồi co ro sưởi và nhặt những hạt gạo, bắn ra từ nồi cơm đang sôi bỏ vào mồm. Thương nó trào nước mắt. Nó vốn là công tử con nhà giàu. Bố nó là trung tá, chính ủy một trung đoàn pháo phòng không. Ngày đó trung tá oai và ít như mỳ chính cánh. Mẹ nó là Cửa hàng trưởng cửa hàng ngũ kim thị xã. Ấy thế mà khi nó lên đường đi B, bố nó không biết. Mẹ nó thương con đay nghiến:
- Ông là thủ trưởng đơn vị mà con đi B cũng không biết. Tôi không được về chia tay con!
Thời đánh Mỹ, toàn dân dốc lòng vì tiền tuyến. Con cán bộ, con nông dân đi lính như nhau, không phân biệt, không chạy chọt về chỗ tốt, chỗ thơm như bây giờ.
Dạo đó thư từ, thông tin rất khó khăn. Người ra đi chẳng mấy khi có tin về, nếu có một anh lính đeo ba lô về, cả làng cả xóm đến thăm, hỏi tin tức người thân. Người ta sợ nhất cán bộ chính quyền, đơn vị bộ đội tìm đến nhà.
Một hôm, xóm đồi cọ km6 có chiếc xe com măng ca, đỏ vàng bụi đất, đỗ trước nhà ông Giai. Một thiếu úy đen nhẻm, đeo xà cột Liên Xô màu cánh dán bước xuống, một chiến sỹ đi theo ôm chiếc ba lô nhàu nát. Cả nhà ông Giai nhìn họ lo lắng, dò hỏi. Ông Giai lắp bắp:
- Các đồng chí là... còn bà Giai như có linh tính mách bảo. Bà mếu máo:
- Thằng Châu, thằng Châu nhà tôi sao rồi?
Chị Nga, chị Bích rót nước mời khách. Người cán bộ quân đội đỡ chén nước rồi tần ngần đặt xuống bàn chậm dãi nói:
- Chúng tôi ở đơn vị đồng chí Nguyễn Văn Châu.
Chúng tôi vô cùng đau xót báo với gia đình:
- Đồng chí nguyễn Văn Châu đã hy sinh anh dũng trong một trận chiến đấu ở...
Ới con ơi! Bà Giai thét lên, đổ vật xuống nền nhà. Chị Nga, chị Bích đỡ vội, dìu bà lên giường. Người cán bộ quân đội hực hực trong cổ nói tiếp:
- Đồng chí đã được an táng ở nghĩa trang mặt trận phía Nam. ... đây là những di vật của đồng chí, xin trao lại cho gia đình.
Ông Giai như bất động. Anh Vinh giơ tay đỡ chiếc ba lô kỷ vật. Chị Nga, chị Bích, em Hoa ôm lấy mẹ khóc rống " Em Châu ơi! anh Châu ơi! sao em bỏ ba mẹ, bỏ chị, bỏ anh, bỏ em mà không chịu về.??? Hư hư!!!
Bạn tôi Nguyễn Văn Châu một thanh niên đẹp trai, một cầu thủ bóng đá, học sinh lớp 10A trường cấp 3A Yên Bái đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ khi mới chớm tuổi 20, đã sống mãi với tuổi 20.
Những tháng ngày sau đó gia đình Hùng Huyến, Hải Cảnh, Thắng Bống, Phú Tỉnh, Duyệt Yêng và nhiều gia đình khác nhận giấy báo tử . Chiến tranh đã cướp đi những người con yêu quý của những người mẹ. Chiến tranh thật tàn khốc!
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một giải. Niềm vui tràn vào từng gia đình. những gia đình có con đi bộ đội thì ngóng trông, hy vọng.
Những học sinh cấp 3 A Yên Bái lần lượt trở về trong niềm vui sướng vỡ òa của gia đình, bạn bè. Nhưng còn hơn hai chục đứa không về. Thằng Hải Cảnh, thằng Thắng Bống .. thằng, Thằng Phú Tỉnh, Thằng Duyệt Yêng, thằng Hùng Mỡ và nhiều thằng khác nữa. Nhiều gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt của họ. Nhiều ông bố bà mẹ đã ra đi trong nỗi đau thương, chờ đợi vô vọng.
Tại nghĩa trang liệt sỹ Yên Bái chỉ có hai thằng là học sinh cấp 3A Yên Bái may mắn được về nằm trên đất quê hương.
Tìm được mộ liệt sỹ nhưng mang hài cốt về cũng rất khó. Gia đình thằng Châu Giai đã tìm được mộ, tìm cách đưa hài cốt nó về. Ở TP HCM vợ chồng một anh bạn cùng Tạo Chữ... ra ga Sài Gòn lo lót để cháu Tuấn con chị Nga đưa được hài cốt bạn Châu về. Nói là lo lót vì hình như chính quyền, nhà xe, tàu hỏa không cho phép mang hài cốt lên tàu, lên xe. Các gia đình đều phải đi chui. Tôi và anh rể Nguyễn Anh Tuấn cùng thằng Tuấn Tính, ra ga Hà Nội từ nửa đêm chờ đón chuyến tàu Thống Nhất, chờ đón hài cốt Châu về. Gần sáng, con tàu Thống Nhất bám đầy bụi đường, hồng hộc vào ga, bánh xe rít lên ken két rồi dừng hẳn. Theo tin báo, chúng tôi tìm đến toa số 01. Từng hành khách xuống tàu, mắt chúng tôi dán chặt vào cửa... đến khi không còn hành khách nào nữa mà không thấy cháu Tuấn con chị Bích đâu. Chúng tôi sợ mình nhìn sót, vội chạy ra cửa ra vào ga tìm. Chạy đôn đáo khắp sân ga không thấy. Dự đoán cháu Tuấn ra bến xe, chúng tôi chia nhau người ra tìm. người ra bến xe Kim Liên, người ra bến xe Bến Nứa, người ra bến xe Kim Mã tìm nhưng đều không thấy, đành ra về.
( còn tiếp )
Trái tim người lính