Những người lính tình nguyện Việt Nam trong trận chiến bảo vệ Mátxcơva

Ngày 24.10.1917, dưới sự lãnh đạo thiên tài của Lê - nin và Đảng Bôn-sê-vich, Cách mạng Tháng 10 Nga nổ ra và đã thành công vào ngày 7.11 năm ấy. Một nhà nước vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người ra đời, đương đầu chống lại một cách thắng lợi mọi sự chống phá của các đế quốc và phản động quốc tế.

Phản bội hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau ký ngày 23.8.1939 (Hiệp ước không xâm phạm Xô-Đức), rạng sáng 22.6.1941, quân đội Đức Quốc xã bất ngờ tấn công Liên Xô từ ven biển Barents đến ven bờ Biển Đen. Cuộc chiến tranh vệ quốc của quân và dân Liên Xô chính thức bắt đầu.

Với quân số đông cùng phương tiện chiến tranh vượt trội, phát xít Đức chiếm được khá nhiều miền đất và đưa chiến tranh tới gần Mátxcơva. Ngày 30.9.1941, bằng 74 sư đoàn (1,8 triệu quân), 14.500 khẩu pháo, súng cối, 1.700 xe tăng và khoảng 1.400 máy bay, chúng mở chiến dịch hòng nhanh chóng đánh chiếm Thủ đô Liên Xô. Một vành đai phòng thủ của Hồng quân bị phá vỡ, quân Đức tràn tới ngoại ô thành phố Tula, cửa ngõ của Mátxcơva. Tuy vậy, quân địch vấp phải sự kháng cự ngoan cường của Quân đội Xô Viết và người dân Thủ đô. Cuối cùng, sau 7 tháng, vào đầu năm 1942, chúng phải rút lui hẳn ra xa Mátxcơva.

Mátxcơva thanh bình hôm nay: Điện Kremli bên sông Mátxcơva

Mátxcơva thanh bình hôm nay: Điện Kremli bên sông Mátxcơva

Cuộc chiến đấu bảo vệ Mátxcơva đã diễn ra vô cùng ác liệt. Hàng vạn chiến sỹ Hồng Quân và người dân Nga đã ngã xuống. Trong số đó có cả những chiến sỹ tình nguyện Việt Nam chiến đấu trong hàng ngũ Hồng Quân.

Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đưa một số thanh niên Việt Nam ưu tú từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang Mátxcơva học tập ở Trường Quốc tế Lê - nin và Đại học Phương Đông. Trong trận đánh ác liệt ngày 22 tháng 6 năm 1941, bốn trong số năm người đã anh dũng hy sinh (họ đều thuộc lữ đoàn mang phiên hiệu CMSBON). Đó là Vương Thúc Tỉnh, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo, Lý Thúc Chất. Ngoài chiến sĩ Tỉnh, tên thật của 3 người còn lại là Nguyễn Sinh Thân, Hoàng Phan Tứ, Vương Thúc Thoại.

Chiến sĩ thứ 5 là Lý Phú San (tức Lê Phan Chiến) sau đó được điều động đi làm việc tại xưởng quân giới ở vùng Viễn Đông nước Nga. Thời gian sau này, Lý Phú San được trở về Việt Nam làm việc trong Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội đồng thời được đoàn tụ với gia đình. Vợ con ông đều là người gốc Hà Nội. Ông mất vào năm 1980, hưởng thọ 80 tuổi.

Một lần, theo sự giới thiệu của T.S Trương Quang Giáo (Chủ tịch Hội người Viêt Nam định cư tại Liên bang Nga), trong nhiệm vụ TBT tạp chí Người đồng hương của Hội, người viết bài này đã tới thăm gia đình người con gái của ông Lý Phú San ở Mátxcơva (chị Phượng), thắp nén tâm nhang tri ân tưởng nhớ trước tấm hình của ông.

Năm 1986, tất cả 5 chiến sĩ tình nguyện Việt Nam nêu trên đều được Nhà nước Liên Xô truy tặng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng nhất.

Sự kiện lịch sử quan trọng trên do Ban Tiếng Việt Đài Tiếng nói nước Nga (nay là Đài phát thanh Cputnik) sưu tầm, nghiên cứu công phu và công bố.

Tiến sỹ CHU HUY SƠN (34, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/quoc-te/201911/nhung-nguoi-linh-tinh-nguyen-viet-nam-trong-tran-chien-bao-ve-matxcova-752186/