Những người lính 'tưới mát' cho vùng biên Ia Đal
'Lời nói đi đôi với việc làm' là phương châm công tác của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Đal (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum) góp phần cùng chính quyền địa phương đưa vùng biên đặc biệt khó khăn này trở thành địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Với những nỗ lực về mọi mặt, những người lính Biên phòng đã đồng hành cùng chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc trên địa bàn xây dựng 'phên giậu xanh' của Tổ quốc.
Nhọc nhằn vùng đất khô khát
Xã Ia Đal (huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất trên tuyến biên giới của tỉnh Kon Tum. Năm nay, mùa khô dường như kéo dài hơn vì đã là đầu tháng 5 nhưng vẫn chưa có cơn mưa nào. Nhiệt độ vẫn ở mức cao, vùng biên này vẫn như chảo lửa khổng lồ. Cây lá im lìm biểu hiện không có cơn gió nào thoảng qua, ngồi không vẫn cảm thấy khó thở.
Ấy thế mà những người lính vẫn ngược xuôi trên đường biên làm nhiệm vụ, sẵn sàng ứng cứu cho những cánh rừng trước mồi lửa có thể bùng lên thành đám cháy bất cứ lúc nào. Nguyên nhân được xác định là do bà con bất cẩn khi đi rừng hoặc những tàn lửa từ phía rừng bên kia biên giới theo gió bay sang gặp bãi lau lách đã chết khô.
Đại úy Phạm Tiền Đạt, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Ia Đal cho biết: “Gọi là chữa cháy nhưng thực ra chúng tôi chỉ có thể đi phát đường ranh, sau đó châm lửa đốt cho cháy ngược lại để khoanh vùng đám cháy. Chúng tôi không có đồ chuyên dụng, quần áo bảo hộ và làm việc bằng kinh nghiệm nên đôi khi lực bất tòng tâm. Việc làm này cũng vô cùng nguy hiểm khi rừng lau lách, tốc độ cháy rất nhanh, nhất là trong điều kiện nắng hạn. Thế nhưng, với trách nhiệm là đơn vị đóng chân trên địa bàn, mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đều ý thức trách nhiệm, nỗ lực cùng chính quyền địa phương và nhân dân dập tắt lửa để cứu rừng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân”.
Địa bàn Đồn Biên phòng Ia Đal quản lý 7 thôn thuộc 2 xã Ia Đal, Ia Dom (huyện Ia H'Drai), có tổng dân số 801 hộ/2.693 khẩu với 18 dân tộc anh em sinh sống đan xen, gồm: Dân tộc Kinh, Ja Rai, Mường, Dao, Tày, Thái, Nùng, Xê Đăng, Triêng, Hà Lăng, Giẻ, Sán Chỉ, Mơ Nông, Kdong, Ê Đê, Kơ Tu, Rơ Mâm, Cao Lan. Mặt bằng chung, các dân tộc chung sống luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất… Tuy nhiên, mặt bằng dân trí thấp, tư liệu sản xuất thiếu và thu nhập chủ yếu vào nguồn tiền chăm sóc, cạo mủ cao su (lại phụ thuộc vào giá cả) nên cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Và, những vướng mắc trở thành thách thức đối với chính quyền địa phương, đặc biệt là đối với Đồn Biên phòng Ia Đal trong công tác quản lý địa bàn, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội và quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Phải làm thế nào để có huy động sức mạnh lòng dân để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân để tạo nên được thế trận biên phòng toàn dân vững chắc luôn là mối quan tâm hàng đầu của cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Ia Đal.
Vì một vùng biên vững mạnh
Những năm qua, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, những người lính Biên phòng không ngại ngần “xắn tay” cùng nhân dân tìm lời giải cho bài toán thoát nghèo. Từ lâu, đối với gia đình ông Hà Văn Định và bà Hà Thị Tuyển (thôn 4, xã Ia Dom) thì Đại úy Hoàng Văn Thành (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng) và Thiếu tá Nguyễn Đức Vinh (Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng) là những người thân. Vợ chồng ông Định, bà Tuyển từ Thanh Hóa vào Ia Đal làm công nhân Công ty Cao su Sa Thầy. Để cải thiện cuộc sống, hai vợ chồng đã tận dụng khu vực bìa lô hợp thủy để trồng lúa nước. Tuy nhiên, do không có nhân công, giống lâu năm thái hóa nên số lúa thu về chưa được nhiều.
Hơn 1 năm trước, trong một lần đi địa bàn, Đại úy Hoàng Văn Thành đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân lực để mở rộng diện tích cho gia đình ông Định, bà Tuyển. Được sự nhất trí của chỉ huy đơn vị, tháng 1-2023, gần 10 cán bộ, chiến sĩ đã xuống giúp gia đình ông Định, bà Tuyển mở rộng diện tích ruộng nước, tiếp đó là cấy, chăm sóc và thu hoạch. Không chỉ vậy, Thiếu tá Nguyễn Đức Vinh còn chủ động tìm mua giống lúa mới ADI 28 của Công ty cổ phần đầu tư thương mại và phát triển nông nghiệp ADI. Kết quả, giống lúa này cho hạt to, bông dài, cơm thơm, dẻo. Tháng 3 vừa rồi, nhà ông Định, bà Tuyển thu được hơn 20 bao thóc.
Ở Ia Đal có một bộ phận nhân dân có thói quen vào rừng săn bắn để cải thiện cuộc sống dẫn đến việc sử dụng vũ khí tự chế vẫn còn diễn ra trên địa bàn. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Đồn Biên phòng Ia Đal đã xây dựng kế hoạch cụ thể với lộ trình rõ ràng cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương để thu hồi số vũ khí trên. Một công việc tưởng chừng như rất dễ vì ai cũng hiểu về những hiểm họa khôn lường khi giữ súng tự chế trong nhà, thế nhưng để người dân giao nộp lại không hề đơn giản. Thế nhưng, với việc kết hợp giữa dân vận khéo và xử lý nghiêm, Đồn Biên phòng Ia Đal đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến tháng 4-2024, qua tuyên truyền, vận động, Đồn Biên phòng Ia Đal đã thu hồi 31 khẩu súng các loại. Với số lượng này, Đồn Biên phòng Ia Đal là đơn vị thu hồi được số lượng lớn nhất trong số 16 đơn vị thuộc BĐBP tỉnh Kon Tum.
Là một trong những người tự nguyện giao nộp khẩu súng kíp cho Đồn Biên phòng Ia Đal, anh Nông Công Hái (thôn 3, xã Ia Đal) chia sẻ câu chuyện của mình. Năm 2012, anh Hái từ tỉnh Cao Bằng vào Ia Đal làm công nhân cho Công ty Cao su Sa Thầy. Cuộc sống ở vùng đất mới gặp nhiều khó khăn khi tay nghề cạo mủ chưa cao nên thu nhập thấp. Anh Hái tự mình chế tạo khẩu súng dùng để bắn chim, sóc để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Vốn khéo tay, anh đã làm thành công một khẩu súng săn tự chế rất đẹp. Và, không thể phủ nhận những “lợi ích” mà khẩu súng mang lại vậy nên khi Đồn Biên phòng Ia Đal tuyên tuyền, vận động, anh Hái thấy rất phân vân. Không chỉ mất đi một “kênh” cải thiện bữa ăn cho gia đình, mà khẩu súng cũng là trở thành “bạn” sau thời gian gắn bó, dù không săn nữa anh Hái cũng muốn giữ làm kỷ niệm.
Thế nhưng, lời BĐBP nói không phải không có lý, sau 12 năm chăm chỉ làm ăn, cuộc sống hiện tại của gia đình anh Hái đã đỡ vất vả hơn trước. Việc đi săn cũng hạn chế vì những quy định về săn bắt động vật trong rừng. Đại úy Phạm Tiền Đạt nói, giữ lại khẩu súng trong gia đình sẽ “mất nhiều hơn được”. Vì súng tự chế từ những vật liệu không đảm bảo nên có trường hợp khi bắn nòng vỡ, thuốc súng bắn ngược lại vào người. Chưa kể, ở nhà có con nhỏ, tính tò mò mang ra nghịch. Hoặc, trong cuộc sống có thể xảy ra mâu thuẫn với người này người kia, trong phút không kiềm chế được bản thân rất dễ xảy ra chuyện ngoài mong muốn. Càng nghe Đại úy Phạm Tiền Đạt nói, anh Hái càng thấy có lý nên đã trao lại “người bạn” của mình cho cán bộ Đồn Biên phòng Ia Đal.
Cứ như vậy, những người lính Biên phòng bền bỉ cùng người dân vượt qua những khó khăn để xây dựng cuộc sống tốt nơi biên cương của Tổ quốc.