Những người lưu giữ 'linh hồn' hiện vật
Với đội ngũ phóng viên chúng tôi, bảo tàng từ lâu đã trở thành địa chỉ tác nghiệp quen thuộc, nhất là mỗi khi gần đến một sự kiện lịch sử quan trọng. Mỗi lần tới đây tác nghiệp, chúng tôi đều ấn tượng với sự chuyên nghiệp, nhiệt tình của các thuyết minh viên bảo tàng.
Họ thực sự là những người lưu giữ “linh hồn” hiện vật, là “cầu nối” giữa khách tham quan với hiện vật. Nhân viên Bảo tàng Quân khu 4 là những người như thế…
Trong lần đến Bảo tàng Quân khu 4 để tìm hiểu các tư liệu, hiện vật về chiến tranh biên giới 1979, tôi được Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Kim Khánh, nhân viên lưu trữ và Thiếu tá QNCN Nguyễn Hữu Hoành, nhân viên Ban Trưng bày-Tuyên truyền tỉ mỉ giới thiệu thông tin từng bức “Quyết tâm thư” của nhân dân trên địa bàn Quân khu 4 tình nguyện trở lại quân đội, xung phong ra chiến trường đánh giặc. Những tập hồ sơ quyết tâm thư dày cộp, thời điểm viết khác nhau nhưng khi tôi đề nghị từng đối tượng là cựu chiến binh, nông dân, trí thức, công nhân, thanh niên, chị Khánh không mất nhiều thời gian tìm kiếm, giúp tôi chụp ảnh, ghi chép làm tư liệu rất thuận lợi. Chia sẻ với tôi, chị Khánh cho biết: “Mỗi hiện vật tại Bảo tàng được lưu trữ và trưng bày rất khoa học, thuận lợi khi tra cứu, tìm kiếm. Đây là những kỷ vật gắn bó với thế hệ cha anh đi trước đã không quản ngại hy sinh, gian khổ để đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no hôm nay. Thông qua các hiện vật, chúng tôi muốn đưa khách tham quan trở về với lịch sử hào hùng của quân và dân Khu 4 anh hùng nhằm vun đắp lòng yêu nước, niềm tin, tự hào dân tộc”.
Cũng theo chị Khánh, anh Hoành thì khách tham quan đến với bảo tàng khá đa dạng, có thể là các cựu chiến binh đã từng trải qua chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ quân đội đang tại ngũ; đoàn viên thanh niên; khách du lịch hay các bé mầm non, học sinh và nhân dân trên địa bàn. Chính vì vậy, nếu lời thuyết minh chỉ đơn giản là “học thuộc” thông tin hiện vật thì sẽ không thể truyền tải hết “phần hồn”, ý nghĩa lịch sử, vị trí, vai trò đối với từng giai đoạn lịch sử của hiện vật mà cần hiểu, nắm chắc đặc điểm tâm lý, nhận thức, trình độ từng đối tượng khách tham quan để có phương pháp giới thiệu, truyền tải phù hợp nhất. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên Bảo tàng tích cực sưu tầm, vận động nhân dân hiến tặng các hiện vật để nội dung trưng bày, tuyên truyền thêm phong phú sinh động.
Mới đây nhất, Bảo tàng Quân khu 4 đã tổ chức tiếp nhận 25 hiện vật kháng chiến do các cựu chiến binh hiến tặng gồm: Dụng cụ mở đồ hộp, dù hoa, dù pháo sáng, võng dù của các cựu chiến binh Đặc công Quân khu Trị Thiên thu được của lính Mỹ; bộ dụng cụ quân y, bi đông của cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị; giấy báo tử, sổ nhật ký của chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày… Đặc biệt, Bảo tàng Quân khu 4 còn tổ chức sưu tầm tư liệu, hiện vật trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 như sổ cảm tưởng, lưu bút, thư cảm ơn... của nhân dân tại các khu cách ly.
Như để minh chứng rõ hơn, chúng tôi được mời tham quan Bảo tàng dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 130 năm Ngày sinh Bác Hồ. Dịp này do dịch Covid-19, quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, Bảo tàng vẫn tổ chức mở cửa phục vụ nhân dân nhưng không tổ chức đón đoàn, khách tham quan là các gia đình, cá nhân trên địa bàn. Sau khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, mọi người được cán bộ, nhân viên Bảo tàng hướng dẫn tham quan từng hiện vật liên quan đến những sự kiện lớn trong tháng 5.
Điều ấn tượng với chúng tôi là các thuyết minh viên Bảo tàng Quân khu không chỉ có kiến thức sâu, rộng về hiện vật; cách xử lý linh hoạt với từng đối tượng khách tham quan; phong thái tự tin, duyên dáng, cùng giọng nói ấm áp, truyền cảm, mà còn ở sự nỗ lực, cố gắng không ngừng để hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thiếu tá QNCN Nguyễn Hữu Hoành vẫn nhớ lời động viên của một cựu chiến binh: “Cảm ơn cháu! Mấy chục năm rồi bác mới quay lại đây, xem lại những kỷ vật chiến tranh. Cảm ơn cháu đã chọn nghề cao cả, thiêng liêng này. Cháu đã tái hiện thật sống động cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, làm bác và mọi người không cầm được nước mắt. Khi rơi nước mắt tức là đã chạm đến sâu thẳm đáy lòng, người ta sẽ biết phải làm gì để xứng đáng với giá trị của hòa bình hôm nay”.
Anh Hoành bảo lời động viên đó khiến anh và mọi người càng thêm trân quý công việc của mình. Ai cũng lấy câu nhận xét của người cựu chiến binh làm động lực, kim chỉ nam cho mình, tích cực nghiên cứu tài liệu, hiện vật để bồi dưỡng kiến thức, làm giàu cảm xúc; rồi nghiền ngẫm những câu chuyện liên quan đến các hiện vật. Ai cũng tâm niệm một điều rằng: “Phải làm sao để khách tham quan đến với Bảo tàng bằng tình cảm trân quý nhất”.