Những người mắc kẹt trong căn nhà di động tí hon

Các căn nhà có thể di chuyển, được giao đến bất cứ đâu là lựa chọn nơi ở của nhiều người đang gặp khó khăn về tiền bạc. Đây là cách giúp họ tích cóp trong thời kỳ kinh tế bất ổn.

 Căn nhà có diện tích khá chật hẹp dành cho 1-2 người ở. Ảnh: Insider.

Căn nhà có diện tích khá chật hẹp dành cho 1-2 người ở. Ảnh: Insider.

Tình hình tài chính bế tắc đang khiến nhiều người trẻ ở bang Victoria (Australia) phải sống trong những ngôi nhà di động ở sân sau hoặc đường lái xe vào gara của cha mẹ.

Đó là giải pháp giúp họ tiết kiệm tiền khi cuộc khủng hoảng nhà ở, kinh tế trở nên tồi tệ hơn, theo News.com.au.

Các căn hộ biệt lập có thể được tìm thấy trên mạng và giao hàng trên khắp Melbourne với giá lên tới 180 USD/tuần khi mức thuê trung bình của thành phố chạm ngưỡng 460 USD/tuần, tăng 9,5% sau một năm.

Theo mẫu quảng cáo của Room to Move có trụ sở tại Macedon Ranges, công ty này chuyên cung cấp không gian rộng 7,2 m2 với chi phí 150 USD/tuần hoặc phòng 10,1 m2 (180 USD/tuần). Thời gian thuê tối thiểu là 6 tháng.

Nick Nottle, nhà đồng sáng lập, cho biết đối tượng khách hàng chủ yếu của họ là nhóm người thuê chuyển về sống cùng gia đình nhằm tích cóp tiền đặt cọc mua nhà.

“Có rất nhiều nhu cầu cho những người đang tìm kiếm một giải pháp ngắn hạn về chỗ ở. Thông thường, mọi người đặt các phòng ở sân sau hoặc trên lối đi”, Nottle nói.

Nottle và đối tác của mình đã khởi động dự án kinh doanh này khoảng 3 năm trước khi họ nhìn thấy khoảng trống trên thị trường dành cho nhà lưu động với yếu tố thiết kế thân thiện trong môi trường dân cư.

“Phần lớn hàng xóm không hề phàn nàn vì họ thích vẻ ngoài của nó, không giống như một chiếc container vận chuyển lớn ở khu vườn nhà mình”, Nottle nói thêm.

Tuy nhiên, hình thức cư trú này vẫn còn một số hạn chế về giấy phép khiến nó vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

 Doanh nghiệp của Nick Nottle chuyên cho thuê những căn nhà tí hon ở xứ sở chuột túi. Ảnh: Valeriu Campan.

Doanh nghiệp của Nick Nottle chuyên cho thuê những căn nhà tí hon ở xứ sở chuột túi. Ảnh: Valeriu Campan.

Không có nhà vệ sinh nhưng bên trong vẫn được trang bị ổ cắm điện, 2 đèn chiếu sáng bên trong, đèn hiên, thiết bị báo khói và máy điều hòa nhiệt độ đảo chiều.

Công ty cung cấp dịch vụ yêu cầu người thuê phải nộp khoản tiền thế chân là 500 USD cộng với thông báo bằng văn bản trước một tháng để chấm dứt hợp đồng. Các căn nhà tí hon có thể được chuyển đến bất cứ nơi nào trong vòng 3-4 giờ lái xe từ Melbourne.

Nottle cho hay họ cũng tiếp cận các bậc cha mẹ đang tìm kiếm không gian khép kín cho con cái đến tuổi thiếu niên, những gia đình đón khách từ xa đến hoặc muốn có chỗ ở ngắn hạn trong thời gian sửa nhà.

“Nhóm còn lại là những người sử dụng chúng để làm văn phòng ‘work from home’ hay các cơ sở kinh doanh kiểu studio như tiệm nối mi, xăm, salon tóc - việc bạn có thể thực hiện tại nhà thay vì thuê mặt bằng ở nơi khác”, anh nói thêm.

Danh sách này được đưa ra sau khi một homestay ở Abbotsford lan truyền trên mạng vào năm ngoái khi quảng cáo cho thuê giường đơn, khoang ngủ dạng con nhộng với giá đắt đỏ 250 USD/tuần hoặc 900 USD/tháng.

Gần đây, một người dùng Facebook đã rao bán các khoang ngủ với chi phí 1.500 USD mỗi chiếc dưới dạng tùy chọn “dành cho sinh viên và nhà nghỉ”.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-mac-ket-trong-can-nha-di-dong-ti-hon-post1423788.html