Những người mẹ đặc biệt

Thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2021, có hơn 2.500 đứa trẻ rơi vào cảnh mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trước sự đau thương và mất mát ấy, đã có nhiều tổ chức, cá nhân ngay lập tức mở lòng san sẻ yêu thương, sẵn sàng làm chỗ dựa cho các em. Chương trình 'Mẹ đỡ đầu' do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động là một trong số đó nhằm xoa dịu nỗi đau và trở thành điểm tựa vững chắc để các em mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh, bước tiếp trên con đường tương lai phía trước.

Thương lắm một từ “mẹ”

Mất bà ngoại, mất mẹ do đại dịch Covid-19, các em Tô Tường Vy và Phạm Trúc Linh hiện ở cùng ông ngoại tại khu phố Trung Lợi, thị trấn Chơn Thành. Thương các cháu còn quá nhỏ đã chịu cảnh thiệt thòi, Hội LHPN huyện Chơn Thành đã nhận hỗ trợ nuôi dưỡng và chăm sóc 2 cháu qua chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Ngoài là chỗ dựa về tinh thần, các mẹ cũng là những mạnh thường quân đồng hành, hỗ trợ thêm về vật chất, tiếp thêm động lực để các em vươn lên trong cuộc sống. “Vợ và con tôi vốn có bệnh nền, thành công sau điều trị Covid-19, nhưng vì sức khỏe yếu nên không qua khỏi. Thương cháu tôi còn nhỏ đã mồ côi, được các bác, các cô quan tâm lo cho cháu, tôi rất cảm ơn” - ông Trần Đình Đại là ông ngoại của 2 em xúc động bày tỏ.

Các mẹ đỡ đầu đến thăm và tặng quà em Thạch Thị Tiền ở khu phố Phước An, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài

Các mẹ đỡ đầu đến thăm và tặng quà em Thạch Thị Tiền ở khu phố Phước An, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài

Chị Võ Thị Phương Lan là người nhận hỗ trợ, nuôi dưỡng 2 bé Vy và Linh từ thời điểm này cho đến khi trưởng thành. Đồng cảm khi 2 đứa trẻ bằng tuổi con mình đã mất mẹ, không chỉ hỗ trợ về vật chất, chị Lan còn dành nhiều thời gian ở bên Vy và Linh. Chị Lan chia sẻ, chẳng mong ước gì xa xôi, chỉ mong 2 bé cảm nhận được hơi ấm của người mẹ, xóa bỏ mặc cảm mồ côi. “Đã nhận hỗ trợ, cưu mang cháu, tôi luôn cố gắng sắp xếp công việc, thời gian để đến bên 2 cháu. Mỗi lần đến thăm, các cháu quấn quýt, tôi thương lắm! Các cháu coi tôi như mẹ thì tôi cũng thương như con - chị Lan chia sẻ.

Hội phụ nữ thường xuyên đến động viên và chia sẻ tình cảm với gia đình các em. Đồng thời động viên các em phải biết vượt lên nghịch cảnh, việc hỗ trợ về vật chất chỉ là phần nhỏ, chủ yếu làm sao để các em cảm nhận được hơi ấm và tình thương của người mẹ.

Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Chơn Thành Nguyễn Thị Vân

“Bà con xa không bằng láng giềng gần” - câu thành ngữ này đã thể hiện rất rõ trong đời thực. Tình yêu thương, tình người tỏa sáng khi xóm giềng có người rơi vào hoàn cảnh éo le. Mất mẹ và em khi đại dịch Covid-19 căng thẳng ở TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Thanh Giăng trở thành trẻ mồ côi. Để ba yên tâm mưu sinh với nghề thợ xây, Giăng được bà con láng giềng tiếp sức, hỗ trợ. Họ - những người mẹ thứ 2, tuy không sinh ra nhưng có công dưỡng chính là động lực để em cố gắng học tốt hơn. “Mẹ đỡ đầu” Nguyễn Thị Thanh Thúy bày tỏ: Bà con ở đây ai cũng nghèo, nhưng rất giàu tình cảm. Chứng kiến hoàn cảnh của Giăng như vậy, ai cũng thương và muốn tiếp thêm động lực cho cháu đi học. Mỗi tháng cũng hỗ trợ được vài trăm ngàn đồng nhưng mong sao đó là động lực để Giăng vẫn vô tư, chịu học là chúng tôi mừng rồi!

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN Việt Nam phát động và triển khai từ ngày 20-10-2021 với mục tiêu là hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của dịch Covid-19. Tùy tình hình thực tế mà mỗi tỉnh, địa phương sẽ mở rộng đối tượng. Tại Bình Phước, các cấp hội LHPN đã triển khai đồng loạt chương trình này với nhiều cách thức khác nhau. Hội LHPN tỉnh nhận đỡ đầu 3 em mồ côi do đại dịch Covid-19; huyện Bù Đốp, giai đoạn 2021-2026 nhận đỡ đầu 12 trẻ mồ côi hoàn cảnh khó khăn; huyện Chơn Thành nhận hỗ trợ 3 em; huyện Phú Riềng hỗ trợ 3 em…

Kết nối yêu thương

Tại thành phố Đồng Xoài, rất may mắn đến thời điểm này chưa có trẻ nào mồ côi do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hưởng ứng phong trào của Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã được triển khai ở 8/8 xã, phường, đối tượng hướng đến là các em đang gặp khó khăn trong cuộc sống như trường hợp của em Hồ Thị Thắm và Hồ Đong Đầy ở xã Tân Thành. Cha mất, mẹ bị bệnh ung thư xương, cô mắc bệnh thận, bà nội già yếu, cuộc sống của gia đình 2 em vô cùng khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, các cấp hội phụ nữ thành phố đã đồng hành với gia đình em trong chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Không chỉ trợ giúp các em về vật chất, các “mẹ đỡ đầu” cũng thường xuyên đến thăm hỏi, giúp chị Bùi Thị Tình - là mẹ ruột chăm sóc, động viên, tiếp thêm năng lượng để các em yên tâm học hành. Hồ Thị Thắm xúc động: Em cảm thấy rất vui vì hằng tháng các cô đến thăm, tặng quà và giúp em chi phí học tập và sinh hoạt hằng ngày.

Đến nay, Hội LHPN thành phố nhận hỗ trợ, chăm sóc cho 37 em hoàn cảnh khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đồng Xoài chia sẻ: Thực hiện chương trình, chúng tôi luôn hướng đến những điều tích cực, bằng nhiều cách làm cụ thể, chúng tôi mong muốn chương trình được triển khai tốt hơn, để các em cảm nhận được tình cảm của một người mẹ thực sự.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” không chỉ là sự động viên, khích lệ về vật chất hay tinh thần, đó còn là sự vào cuộc của các cấp hội phụ nữ trong việc giúp đỡ những đứa trẻ khó khăn, gặp vấn đề về tâm lý do áp lực của đại dịch Covid-19. Từ sự giúp đỡ của các mẹ đỡ đầu, các em có thêm động lực, niềm tin để tiếp bước và nâng bước các em trong cuộc sống tương lai.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/0/131671/nhung-nguoi-me-dac-biet