Những người mê đắm áo dài
Trải qua bao biến thiên của thời gian nhưng tà áo dài của dân tộc vẫn được chị em phụ nữ nơi vùng đất cao nguyên gìn giữ trọn vẹn hồn cốt. Được cắt may áo dài, được khoác lên mình bộ quốc phục, với họ đó là niềm tự hào sâu sắc.
“ÁO DÀI BÀ KIỂM”
Cuối chiều, bà Nguyễn Thị Đỡ (81 tuổi) cùng con gái thứ 4 là bà Nguyễn Thị Thanh (53 tuổi) vẫn cặm cụi bên chiếc máy may. Bà Đỡ lom khom cầm mảnh vải trải trên bàn, tay kéo thoăn thoắt những đường sắc sảo. Vẻ nhanh nhẹn trái ngược với tuổi 81 của bà. Ròng rã hơn 60 năm gắn bó với nghề đã giúp bà có được sự nhanh nhẹn, linh hoạt hiếm thấy. Tiếng bà Thanh lẫn trong tiếng máy may: “Mẹ tôi giờ chỉ hơi lãng tai một chút, ngồi lâu thì đau mỏi nhưng mắt vẫn còn sáng lắm, xỏ kim chỉ không cần đeo kính. Đường cắt, đường may sắc sảo không khác gì mấy chục năm trước”.
Không nhiều người biết tên thật của bà chủ tiệm may Kiểm ở địa chỉ 381/42 Lê Lợi (TP. Pleiku) là bà Đỡ, nhưng chỉ cần nhắc đến “bà Kiểm áo dài” thì ai cũng biết ngay. Kiểm là tên chồng bà. Cách đây chừng hơn 60 năm, khi bà mở tiệm may áo dài đầu tiên ở Pleiku, người ta đã gọi bà theo tên chồng. “Áo dài bà Kiểm” có từ thuở ấy cho đến tận bây giờ dù bà không hề treo bảng hiệu. Con đường trước tiệm may nhà bà vài chục năm trước là một con hẻm nhỏ, dốc, gồ ghề và khúc khuỷu. Dù khó đi, tiệm may của bà vẫn tấp nập khách nữ trong, ngoài thị xã đến đặt may áo dài.
Nhìn ra con đường trước nhà, bà Đỡ bồi hồi nhớ lại những năm cuối của thập niên 50, khi bà bắt đầu mở tiệm. “Hồi đó áo dài không thịnh hành như bây giờ. Đời sống còn khó khăn lắm nên có vải thì người ta chỉ may quần áo bình thường để mặc. Học sinh cũng chưa mặc áo dài đến trường. Chỉ những người khá giả mới đi may áo dài bởi tiền vải, tiền công một bộ áo dài thời ấy có khi bằng cả tháng lương. Vì thế thợ may áo dài ở Pleiku cũng rất ít”-bà Đỡ nhớ lại. Từ sau năm 1991, đất nước ngày càng đổi mới, phụ nữ mặc áo dài thường xuyên hơn, kéo theo lượng khách đến tiệm may bà Kiểm cũng ngày một đông. Có thời điểm, mỗi ngày tiệm may nhận 20-30 bộ áo dài, hầu hết là của chị em các cơ quan nhà nước. Có khi khách phải đợi vài tháng mới lấy được áo, “vì áo dài may khó hơn nên mất nhiều thời gian. Vậy nhưng khách hàng vẫn chấp nhận để có được sản phẩm ưng ý”-bà Đỡ cho hay. Sự tinh tế, sắc sảo trong từng đường cắt, đường chít eo hay đường viền tà áo khiến cho “áo dài bà Kiểm” trở thành “thương hiệu may mặc” đối với những ai trót yêu tà áo dân tộc.
Nhờ có nghề may áo dài, bà Kiểm đã cùng chồng gồng gánh nuôi 11 người con khôn lớn. Trong đó, 2 người con gái kế nghiệp của bà hiện đều là thợ may áo dài có tiếng tại TP. Pleiku hiện nay. Ngoài ra, bà Kiểm cũng đào tạo nên nhiều thế hệ thợ may áo dài lành nghề ở TP. Pleiku và các huyện, thị xã trong tỉnh.
CÂU CHUYỆN QUỐC PHỤC
Trên hành trình tìm hiểu về tà áo dài ở Pleiku, tôi gặp bà Mai Thị Cúc-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh. Trò chuyện trong căn nhà nhỏ trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku), bà Cúc cười thật hạnh phúc khi giới thiệu áo dài cưới-kỷ vật đặc biệt mà bà vẫn gìn giữ cho đến bây giờ. Đó là chiếc áo vải xoa, tà ngắn, màu đỏ. Trên thân áo in hoa màu trắng nổi bật. Nếu treo cùng với những chiếc áo dài hiện đại ngày nay sẽ rất khó nhận ra đó là sản phẩm may mặc cách đây gần 40 năm bởi phom dáng vẫn rất hợp thời. Bà Cúc hồi nhớ: “Vợ chồng tôi đã phải vào tận chợ Bến Thành (Sài Gòn) để may chiếc áo dài cưới này. Thời đó ở Pleiku còn hiếm thợ may áo dài. Hoa văn trên áo in bằng công nghệ offset hiện đại nhất lúc bấy giờ. Giá may cũng không hề rẻ”. Theo lời bà Cúc, áo dài gắn bó với bà từ thời nữ sinh trung học. Từ lớp 6, bà đã mặc áo dài đến trường. Sau này, tà áo dân tộc tiếp tục đi cùng bà những năm ở giảng đường đại học. Ra trường, bà về làm việc tại Ty Thông tin-Văn hóa tỉnh với nhiệm vụ thư ký tổng hợp cho giám đốc. Sở thích và thói quen mặc áo dài khi đến công sở hay khi tham dự những sự kiện khiến bà trở thành “hiện tượng lạ” trong mắt người khác. “Khi đó, phụ nữ ở Pleiku không mặc áo dài phổ biến như bây giờ. Áo dài là một trang phục khá xa hoa và điệu đà, rất ít người có. Thậm chí, người ta còn gắn cho mình mác “tiểu tư sản” chỉ vì thích mặc áo dài. Khi thời tem phiếu qua đi, đất nước mở cửa, kinh tế khá hơn, chị em phụ nữ mới bắt đầu quan tâm đến áo dài”-bà Cúc chia sẻ.
Đến năm 1993, bà Cúc chuyển sang làm Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh. Mỗi sự kiện quan trọng của cơ quan, bà vẫn giữ thói quen mặc áo dài. Sau đó, hàng năm, bà chủ trương trích kinh phí may cho mỗi chị em trong cơ quan một bộ. Bà Cúc bày tỏ: “Khoác lên mình tà áo dài, tôi lại thấy mình và chị em phụ nữ trở nên thanh thoát, duyên dáng và đẹp lên rất nhiều. Đặc biệt là nó không bao giờ lỗi thời”.
Ngày nay, sở hữu một chiếc áo dài không còn là điều khó khăn. Các nhà may đáp ứng nhu cầu của phái đẹp cũng mọc lên khá nhiều; chi phí cho một sản phẩm hoàn thiện cũng giảm đáng kể so với trước đây. Vì vậy, nhiều chị em không ngần ngại thể hiện tình yêu với áo dài. Chị Trần Thị Nghĩa Bình-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) sở hữu bộ sưu tập áo dài khoảng 50 chiếc, trong đó có những bộ được chị gìn giữ từ thời sinh viên. Chị Bình tâm sự: “Mình rất thích mặc áo dài, đặc biệt là trong những sự kiện quan trọng. Mình còn nhớ như in cảm giác háo hức đến không ngủ được khi được mặc áo dài đứng trước học sinh lúc còn là sinh viên thực tập. Khi đứng trước các em trong tà áo dài duyên dáng, nền nã, mình thấy tự tin, thấy yêu bản thân mình hơn”. Vì thế, đều đặn hơn 10 năm nay, vào mỗi dịp khai giảng, 20-11, sơ kết học kỳ, tổng kết năm học, chị Bình lại may một chiếc áo dài mới. Chị đặc biệt thích sưu tầm các mẫu họa tiết độc đáo như thổ cẩm, hoa văn trống đồng, ngôi sao vàng, tranh Đông Hồ, hoa sen hay hoa dã quỳ. Vì yêu áo dài nên chị không bỏ đi một bộ nào cho dù đã cũ. “Mình chuộng mẫu áo dài truyền thống, màu sắc đơn giản nên qua nhiều năm vẫn thấy phù hợp”-chị Bình cho hay.
Tuy không có nhiều dịp mặc áo dài nhưng bà Phan Thị Hồng Vân (2/4 Nguyễn Đức Cảnh, TP. Pleiku) vẫn may áo dài đơn giản chỉ vì yêu thích. Môi trường làm việc ở ngành xây dựng trước đây không phù hợp để bà diện áo dài đi làm, dù vậy tình yêu với tà áo dân tộc vẫn thôi thúc bà thỉnh thoảng đi may đo 1 chiếc. Hiện trong tủ đồ của bà Vân có khoảng 30 bộ áo dài. Bà nhớ lại: Bộ áo dài đầu tiên được bà may vào năm 1993, hết hơn 250 đồng, gần gấp rưỡi tiền lương mỗi tháng khi ấy. Cách đây vài hôm, bà lấy bộ áo dài đặc biệt ấy ra mặc rồi đến Quảng trường Đại Đoàn Kết nhờ chồng chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. 27 năm trôi qua, chiếc áo dài màu đỏ tà ngắn vẫn khiến bà Vân trông rất hiện đại, duyên dáng. Bà cũng không quên cho tôi xem bộ áo dài hoa mà bà cùng nhóm bạn vừa rủ nhau may xong. “Mỗi khi ra đường, thấy ai mặc áo dài có màu đẹp, họa tiết đẹp là tôi lại tìm cách may thêm 1 bộ. Thường ngày không có nhiều dịp để mặc nên tôi hay mặc đi chùa, đi chơi và chụp hình cùng bạn bè. Có vậy thôi mà cảm thấy rất vui, rất tự hào”-bà Vân tâm sự.
Bà Phạm Thị Hoa-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: “Điểm sáng tạo của Hội là đã triển khai Tuần lễ “Áo dài Tây Sơn Thượng đạo-Xưa và nay” (từ ngày 2 đến 6-3) nhằm hưởng ứng chuỗi sự kiện “Áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội phát động. Tuần lễ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo chị em phụ nữ trong toàn tỉnh. Hy vọng rằng sau tuần lễ này, tùy vào môi trường, điều kiện, tính chất công việc, chị em trong các cơ quan, đoàn thể sẽ tiếp tục triển khai mặc áo dài ít nhất mỗi tháng 1 lần khi đến cơ quan, công sở để tình yêu, niềm tự hào về tà áo truyền thống ngày càng lan tỏa sâu rộng”.
Chị Hồ Thị Viên (30 tuổi, dân tộc Bahnar, làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê): “Mình đã nhiều lần mặc áo dài và rất thích. Lần nào được mặc áo dài mình cũng cảm thấy rất háo hức, thấy mình đẹp hơn, duyên dáng hơn. Sắp tới mình sẽ may một bộ áo dài bằng thổ cẩm Bahnar do mình dệt nên. Chỉ mới tưởng tượng thôi đã thấy rất đẹp rồi. Mình muốn kết hợp văn hóa Bahnar trong tà áo dài truyền thống của dân tộc”.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202003/nhung-nguoi-me-dam-ao-dai-5673520/