Những người mẹ Hải Thượng

Những người mẹ ở xã Hải Thượng anh hùng đã đào hàng trăm căn hầm bí mật trong lòng địch để nuôi giấu, che chở cán bộ cách mạng và chính những người con của mình tham gia du kích. Nhằm qua mắt được những nghi ngờ, lùng sục bắt bớ của địch, các mẹ đã hết sức thông minh, bình tĩnh trước những đòn tra khảo, đánh đập để bảo vệ cơ sở được an toàn, góp phần đưa cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng, đất nước độc lập, thống nhất. 93 người mẹ ở Hải Thượng vinh dự được Ðảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và những người hoạt động bí mật ngày ấy nay còn sống không đến mười người. Câu chuyện về họ như những trang gia phả thắm đỏ.

Mẹ Trần Thị Ðạo và ông Lê Văn Hoan, cán bộ cách mạng, mẹ từng nuôi giấu.

Mẹ Trần Thị Ðạo và ông Lê Văn Hoan, cán bộ cách mạng, mẹ từng nuôi giấu.

Những người mẹ ở xã Hải Thượng anh hùng đã đào hàng trăm căn hầm bí mật trong lòng địch để nuôi giấu, che chở cán bộ cách mạng và chính những người con của mình tham gia du kích. Nhằm qua mắt được những nghi ngờ, lùng sục bắt bớ của địch, các mẹ đã hết sức thông minh, bình tĩnh trước những đòn tra khảo, đánh đập để bảo vệ cơ sở được an toàn, góp phần đưa cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng, đất nước độc lập, thống nhất. 93 người mẹ ở Hải Thượng vinh dự được Ðảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và những người hoạt động bí mật ngày ấy nay còn sống không đến mười người. Câu chuyện về họ như những trang gia phả thắm đỏ.

Mẹ đào hầm dưới tầm đại bác

Tháng tư, nắng trải dài trên những đồng lúa vừa chín tới của xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Dọc đường vào các thôn, xóm không gian cây xanh hai bên được thiết kế trồng theo quy ước "cau trước, chuối sau" càng tôn các khu vườn thêm trù phú, khung cảnh làng quê thêm thanh bình. Như thường lệ, những ngày tháng Tư lịch sử này, ông Lê Văn Hoan, năm nay 90 tuổi lại đi thăm, cảm ơn từng cơ sở đã nuôi giấu, che chở mình trong những năm tháng hoạt động cách mạng bí mật. Bà Trần Thị Ðạo, 90 tuổi, đầu tóc bạc phơ, vợ liệt sĩ ở thôn Ðại An Khê thấy ông Hoan xuất hiện tại nhà mình liền mừng mừng, tủi tủi nhắc tên tuổi những cán bộ cốt cán được bà nuôi giấu, trong đó bà nhớ nhất hai người rất trí tuệ, mưu lược và nhờ lòng dân che chở nên nhiều lần bị quân địch lùng sục, bao vây bốn phía mà không tài nào bắt được. Ðó là ông Lê Văn Hoan, sau ngày đất nước thống nhất giữ đến chức vụ Chủ tịch HÐND tỉnh, Trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị; ông Vĩnh Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Trị Thiên (cũ).

Những ngày hoạt động bí mật ở Hải Thượng, ông Hoan đã là Bí thư Huyện ủy Hải Lăng cho nên chính quyền miền nam cũ luôn tìm mọi cách bắt sống ông để hòng xóa sổ phong trào cách mạng của huyện phía nam tỉnh Quảng Trị. Biết mình là mục tiêu bị truy lùng, tiêu diệt số một, vậy nên mỗi lần về hoạt động ở xã Hải Thượng, ông Hoan thường chọn ở lại hầm bí mật trong căn nhà của mẹ Ðạo. Ðêm đêm, mẹ đào hầm bí mật dưới những làn đạn đại bác quân thù dội về xé nát các làng quê. Mẹ không chỉ là cơ sở nòng cốt của cách mạng, mà còn là người rất gan dạ, thông minh, nhiều lần quân địch bao vây nhà mẹ vì nghi có cán bộ cách mạng đang ở trong nhà, nhưng rồi cũng phải bỏ đi vì nghe mẹ đối đáp rất có lý. Một hôm, các chiến sĩ từ rừng về nhà mẹ, đang nghỉ ngơi thì bất ngờ bị địch bao vây, anh em vội xuống hầm bí mật mà không kịp mang theo súng và thắt lưng. Thấy quân lính ập vào nhà lục soát, mẹ nhanh trí dùng cái thúng úp xuống để giấu khẩu súng và chiếc thắt lưng. Nghi ngờ có người hoạt động ở trong nhà mẹ, một người lính không chịu rút đi cùng đoàn, mắc võng nằm lại giữa nhà. Chỉ cần người lính ấy xuống bếp đá vào cái thúng thì xem như tất cả bị lộ. Thật nhanh trí, mẹ liền nghĩ ra cách lấy lúa để xay. Mẹ xay thật nhiều lần để lấy trấu đổ lấp luôn cái thúng đang chứa khẩu súng, xay từ sáng đến trưa thì hoàn thành công việc. Người lính đó vẫn chưa chịu đi, cố nằm lại theo dõi, gần chiều tối khi không phát hiện được gì mới chịu rút đi. Nhớ lại những ngày chiến tranh, làm cơ sở cách mạng, mẹ Ðạo nói chỉ có tình yêu với cách mạng thôi vẫn chưa đủ, mà còn phải sáng suốt, thông minh trong đấu trí với quân địch mới bảo toàn được cơ sở hoạt động bí mật. Mẹ Ðạo có hai người con, cả hai đều ảnh hưởng chất độc da cam. Hằng ngày bà con, bạn bè, chính quyền thường xuyên quan tâm, chia sẻ để mẹ được sống vui, khỏe những ngày tuổi già.

Xã Hải Thượng có vị trí, địa hình rất quan trọng, là vùng tiếp nối giữa miền núi, đồng bằng và đô thị, án ngữ về phía nam của trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị, nơi có Thành cổ Quảng Trị, đặt dưới quyền cai quản của chế độ miền nam cũ. Nằm trong lòng địch, nhưng người dân Hải Thượng một lòng theo cách mạng rất sớm, từ khi Ðảng mới ra đời, nên chính quyền miền nam cũ xem địa phương này như cái gai trong mắt, muốn "nhổ bỏ, xóa dấu vết" bất cứ lúc nào. Thế nhưng người dân vùng quê cách mạng này không biết sợ, chỉ chọn một con đường cầm súng tiến lên phía trước để giành lấy độc lập cho Tổ quốc. Những năm chiến tranh, ở Hải Thượng tồn tại "mô hình" quản lý đan xen làm cho Mỹ - ngụy hết sức đau đầu, ban ngày là chính quyền của chế độ miền nam cũ; ban đêm là chính quyền của cách mạng do những cán bộ hoạt động bí mật lãnh đạo.

Ông Trần Trở, ở thôn Ðại An Khê, năm nay tròn 100 tuổi (nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Thượng) kể lại, vì muốn cách ly người dân nông thôn khỏi lực lượng cách mạng, chính quyền miền nam cũ cho ra đời kế hoạch Ấp chiến lược, để hạn chế lực lượng cách mạng xây dựng cơ sở hoạt động, ngăn chặn tiếp tế cho cộng sản. Thời gian cao điểm rào ấp chiến lược ông Trở được cách mạng cài vào làm thôn trưởng. Những đoạn hàng rào gần trụ sở, đồn bốt ông tổ chức lực lượng rào chắc chắn để che mắt quân địch. Còn những dãy dài hàng rào phía ngoài đồng và phía vùng núi, ông cho làm sơ sài rồi báo cơ sở biết để ban đêm cán bộ tìm đến những điểm này tiến vào trú ẩn ở các hầm bí mật được các mẹ đào sẵn trong ấp chiến lược. Chính quyền cũ ở xã nghi ngờ có nội ứng nhưng không phát hiện ra việc ông Trở làm. Chúng tập trung quân đội tăng cường tìm kiếm, bắt bớ những người nghi tiếp tay cách mạng; rồi dùng dụng cụ là những cây thuốn sắt, nhọn một đầu để dò tìm hầm bí mật. Hôm đó, ông Nguyễn Tuyến ở làng Ðại Nại (giờ là Ðại An Khê) là cán bộ hoạt động đang nằm hầm bí mật. Chúng dùng cây thuốn sắt đâm xuyên qua đùi của ông. Khi chúng rút dụng cụ lên, ông Tuyến cố nén cơn đau, dùng hai bàn tay vuốt thanh sắt để xóa dấu máu. Nhờ mưu trí, dũng cảm nên ông Tuyến thoát được cái chết trong gang tấc.

Vùng đất anh hùng

Dấu tích ác liệt của bom đạn chiến tranh ở Hải Thượng hôm nay vẫn còn hố bom sâu hơn 6 m, rộng hơn 10 m nằm trong vườn nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thị ở thôn Thượng Xá. Mẹ Thị năm nay 91 tuổi, còn rất minh mẫn, kể rằng ngày quân đội Mỹ mới ném bom, cái hố này sâu và lớn gấp đôi bây giờ. Ðó là di tích của chiến tranh gắn liền với một sự kiện mẹ không bao giờ quên. Hôm ấy, nhiều cán bộ cơ sở cách mạng họp bí mật tại nhà mẹ, trong đó có thanh niên Lê Hữu Thăng (sau này trở thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị). Cuộc họp kéo dài hơn một tiếng. Bỗng nhiên mẹ có linh tính sắp có chuyện chẳng lành nên báo cáo cấp trên kết thúc sớm cuộc họp để mọi người di tản. Quả nhiên, chừng năm phút sau khi mọi người đi, máy bay Mỹ ào đến ném bom làm sập căn nhà của mẹ... Mẹ dựng lại nhà rồi tiếp tục nuôi giấu cán bộ cách mạng, xem họ như những người con của mình. Mỗi lần bị địch bắt vì nghi ngờ mẹ Thị làm cơ sở của cách mạng, mẹ chỉ nói một câu ngắn gọn, nhà tôi không nuôi ai hết, các ông bắn tôi đi, đừng có bắt tôi nhiều lần mất thời gian. Không khai thác gì được, chúng đành phải thả mẹ về.

Mẹ chùng giọng, người con trai duy nhất của mẹ không được may mắn chứng kiến ngày đất nước thống nhất, anh đã anh dũng hy sinh vào năm 1968. Ðây là giai đoạn chiến trường ở Hải Thượng luôn khốc liệt. Quân đội Mỹ và chính quyền miền nam cũ xác định Hải Thượng là địa bàn cực kỳ quan trọng nên tập trung bom đạn chà đi, xát lại hàng trăm lần nhằm làm lung lay ý chí cách mạng của người dân. Quân địch càng hung hãn, nhân dân Hải Thượng càng kiên cường, biết bao lần làm chúng khốn đốn. Ngày đó, mỗi lần nghe hành quân qua Hải Thượng, các đơn vị lính Mỹ, ngụy đều rất ngán, bởi không bị chết vì mìn do du kích ban đêm bí mật cài giữa đường thì chết do du kích bắn tỉa. Vì vậy vào năm 1968, chính quyền phải nắn đoạn quốc lộ 1, không cho đi qua Hải Thượng nữa để chạy lên phía Tây như bây giờ chính là để tránh cộng sản ở khu vực này. Dù ở ngay trong lòng địch nhưng vào tháng 12-1969, Hải Thượng đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng, trở thành xã Anh hùng đầu tiên của Quảng Trị.

Chủ tịch UBND xã Hải Thượng, Trần Văn Kính nêu một con số thống kê đáng kính nể: Ngày đất nước thống nhất, Hải Thượng có 438 con em được suy tôn liệt sĩ, 341 thương binh; 1.560 người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến các loại. Hiện, xã có 93 Mẹ được Ðảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có ba Mẹ còn sống là mẹ Ðào Thị Vui ở thôn Ðại An Khê; mẹ Lê Thị Thị và mẹ Phan Thị Thuộc ở thôn Thượng Xá. Hải Thượng là xã có Mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất tỉnh Quảng Trị… Truyền thống cách mạng hào hùng đã trở thành bệ phóng, nâng cánh cho vùng quê này phát triển nhanh. Mỗi năm, xã có rất nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học lớn, chỉ riêng làng Ðại An Khê đã có hơn 20 giáo sư, tiến sĩ và hai vị tướng quân đội. Cả xã có gần một nghìn người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước, nhiều người có chức vị cao trong xã hội, làm lãnh đạo nhiều ban, ngành quan trọng.

Một việc làm rất nhân văn của Hải Thượng mà có lẽ đây là địa phương cấp xã đầu tiên trên đất nước thực hiện. Nhằm tôn vinh công lao, đức hy sinh cao cả của các Mẹ đã hiến dâng chồng, con cho cách mạng, đất nước, cách đây hai năm, Ðảng ủy xã thống nhất vận động xây dựng Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng xã Hải Thượng bằng hình thức xã hội hóa. Khu tưởng niệm được xây dựng trên diện tích hơn 500 m², có các hạng mục nhà thờ chính, tháp chuông, vườn hoa, nhà vọng cảnh. Nhà thờ chính được thiết kế theo lối ba gian, gian giữa thờ Bác Hồ, hai gian hai bên thờ các Mẹ. Rất nhiều con của các Mẹ khi hy sinh chưa có gia đình, nên khu tưởng niệm cũng là nơi tri ân và thờ chính các Mẹ. Những ngày này, Ðoàn Thanh niên xã Hải Thượng phối hợp các nhà du lịch tổ chức tua cho các học sinh trải nghiệm lịch sử xã Hải Thượng. Các em được tận mắt chứng kiến các căn hầm hoạt động bí mật; gặp gỡ, trò chuyện với những người Mẹ nuôi giấu cán bộ cách mạng, với các Mẹ Việt Nam Anh hùng và thăm khu tưởng niệm. Những câu chuyện trải nghiệm như lời nhắc nhở thế hệ trẻ để có được độc lập, hòa bình, thống nhất như hôm nay, quê hương, đất nước đã phải đổi bằng những mất mát, hy sinh lớn lao của nhiều thế hệ đi trước.

Bài và ảnh: Lâm Quang Huy

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/nhung-nguoi-me-hai-thuong-643270/