Những khách hàng yêu nước đã 'cứu' Huawei một bàn thua trông thấy

Nỗ lực trừng phạt của Mỹ dường như đã phản tác dụng khi Huawei và các công ty Trung Quốc khác đang có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ những khách hàng yêu nước.

Vào tháng 10/2021, tờ The Economist đã đưa ra lời khuyên trong một bài viết rằng “gã khổng lồ công nghệ” Huawei của Trung Quốc nên giải thể để các kỹ sư tài năng của họ có thể rời đi và trở thành thế hệ doanh nhân công nghệ cao tiếp theo. Vào thời điểm đó, logic này có vẻ hợp lý.

Sau một loạt đòn giáng mạnh từ các cơ quan tư pháp và quản lý của Mỹ, cơ sở hạ tầng viễn thông 5G và doanh nghiệp điện thoại thông minh của Huawei đã thiệt hại nặng nề. Sản phẩm của Huawei đã bị loại khỏi các thị trường phương Tây, hàng hóa của công ty cũng gặp phải sự nghi ngờ từ người tiêu dùng ở những nơi khác.

Người tiêu dùng xếp hàng bên ngoài cửa hàng của Huawei để mua điện thoại Mate 60 pro (Ảnh: Huawei)

Người tiêu dùng xếp hàng bên ngoài cửa hàng của Huawei để mua điện thoại Mate 60 pro (Ảnh: Huawei)

Đối với từng nhân viên Huawei, việc ở lại với một con tàu đang chìm giống như bản án tử hình cho sự nghiệp đầy hứa hẹn của họ.

Nhưng bất ngờ thay, đến năm 2024, Huawei đã phục hồi với nhiều đột phá giúp công ty thoát khỏi việc lệ thuộc vào các công nghệ nước ngoài vốn đã trở nên không thể tiếp cận do lệnh trừng phạt do Mỹ và các đồng minh áp đặt.

Có thể điểm lại một vài sự kiện nổi bật:

Vào tháng 9/2023, Huawei đã ra mắt điện thoại thông minh Mate 60 sử dụng chip Kirin 9000S, một con chip do Tập đoàn sản xuất bán dẫn quốc tế (SMIC) của Trung Quốc sản xuất.

Vào tháng 1/2024, công ty đã tiết lộ sự hiện diện của HarmonyOS NEXT, một hệ điều hành điện thoại thông minh mới hoàn toàn độc lập với Android.

Vào tháng 4 mới đây, công ty đã bắt đầu xây dựng một trung tâm R&D mới để phát triển các công cụ sản xuất chip, với mục tiêu bắt kịp và vượt qua ranh giới công nghệ hiện gần như độc quyền của nhà sản xuất máy sản xuất chip cao cấp ASML của Hà Lan.

Sau khi đạt doanh thu đỉnh cao là 891 tỷ nhân dân tệ (123 tỷ USD) vào năm 2020, các lệnh trừng phạt đã khiến họ trượt dốc còn 636 tỷ nhân dân tệ (87,5 tỷ USD) vào năm 2021, mà không có con đường thực tế nào để phục hồi doanh thu đã mất ở các thị trường phương Tây.

Vậy tại sao công ty lại đủ tự tin để tiếp tục tăng chi tiêu cho R&D trong bối cảnh thương mại biến động như vậy với triển vọng có vẻ mong manh về việc sánh ngang với các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ với doanh thu và giá trị thị trường gấp nhiều lần Huawei?

Lòng “trung thành” của khách hàng trong nước

Khi xem xét kỹ hơn, ta thấy sự tự tin của Huawei không chỉ đến từ sự nhạy bén về công nghệ hay kinh doanh mà còn từ "lòng trung thành" mà công ty nhận được tại thị trường Trung Quốc.

Ngay cả khi Huawei trở thành mục tiêu công khai trong cuộc chiến công nghệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, chính phủ Trung Quốc vẫn không từ bỏ công ty này. Năm ngoái, chính phủ đã cung cấp cho Huawei khoảng 30 tỷ USD tiền trợ cấp.

Người tiêu dùng xếp hàng để xem và mua Huawei Mate 60 Pro mới vào ngày 3/9/2023, tại Thượng Hải. (Ảnh: VCG)

Người tiêu dùng xếp hàng để xem và mua Huawei Mate 60 Pro mới vào ngày 3/9/2023, tại Thượng Hải. (Ảnh: VCG)

Nhờ đó, nhân viên của công ty không bỏ đi hàng loạt để tìm kiếm "đồng cỏ xanh" hơn, hoặc ít nhất là được làm việc ở công ty không có tên trong danh sách đen. Thay vì thu hẹp, số lượng nhân viên của công ty đã vượt quá 200.000 vào năm 2023, với 55% làm việc trong bộ phận R&D.

Và quan trọng nhất là người tiêu dùng Trung Quốc vẫn không ngừng mua các sản phẩm mà Huawei vẫn tiếp tục sản xuất mặc dù bị Mỹ trừng phạt. Đáng chú ý là Mate 60 đã bán chạy hơn iPhone của Apple, giúp doanh số điện thoại thông minh của Huawei tăng 37% trong khi doanh số Apple giảm hai chữ số.

Người tiêu dùng Trung Quốc đang tăng tốc mua Huawei Mate Pro mặc dù các chuyên gia đều đồng thuận rằng Kirin 9000S là chip kém hơn về mặt kỹ thuật so với chip Huawei được sản xuất ở nước ngoài trước khi bị trừng phạt, chưa kể đến những chip tiên tiến nhất được sử dụng trong iPhone.

Khi các lệnh trừng phạt tiếp tục gia tăng trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ đang không ngừng leo thang, cho dù là lòng yêu nước hay sự hy sinh, hành vi của người tiêu dùng Trung Quốc đang giúp nhiều công ty khác, không chỉ Huawei, vượt qua những trở ngại về thương mại và quy định ở nước ngoài.

Khi ngày càng nhiều sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, từ xe điện đến tấm pin mặt trời, phải đối mặt với rào cản thuế quan và phi thuế quan tại thị trường Mỹ và châu Âu, họ sẽ ngày càng phụ thuộc vào “lòng trung thành” của người tiêu dùng Trung Quốc để duy trì hoạt động.

Cho đến nay, sự phụ thuộc này đang mang lại lợi ích cho nhiều lĩnh vực. Trong số năm thương hiệu hàng đầu chiếm 81% thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc, Apple là thương hiệu duy nhất không phải của Trung Quốc. Mặc dù vậy, thị phần của Apple đã giảm từ 23% xuống 16% trong hai năm qua.

Trong khi đó, BYD đã trở thành thương hiệu ô tô phổ biến nhất tại Trung Quốc vào năm ngoái sau khi doanh số tăng 43% trong khi nhiều thương hiệu quốc tế chứng kiến mức giảm hai chữ số.

Ngay cả trong ngành mỹ phẩm, các thương hiệu Trung Quốc đã chiếm hơn một nửa thị trường lần đầu tiên vào năm 2023, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm trước. Nếu các công ty Trung Quốc có thể tiếp tục thu hút khách hàng trong nước khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài tại thị trường rộng lớn này, họ sẽ có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc liệu các công ty Trung Quốc có thể biến sức mạnh trong nước thành động lực thúc đẩy toàn cầu mới hay không?. Khi các thương hiệu Trung Quốc mạnh hơn nổi lên, phương Tây có thể phản ứng bằng các lệnh trừng phạt và hạn chế có phạm vi rộng hơn.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ, nói riêng, có thể theo sát các dự án mới thành công của Trung Quốc ở bất cứ nơi nào họ đặt chân đến, nhắm vào từng doanh nghiệp quốc tế của họ như đã làm với ZTE , đối thủ cạnh tranh trong nước chính của Huawei.

Thanh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nhung-nguoi-mua-sam-yeu-nuoc-da-cuu-huawei-nhu-the-nao-d112932.html