Những người muôn năm cũ

Vừa rồi, Dragon Capital, công ty đang quản lý các quỹ với số vốn đầu tư 3 tỉ đô la Mỹ, kỷ niệm 25 năm thành lập. Trên thị trường tài chính thế giới, một phần tư thế kỷ tồn tại và hoạt động đối với các công ty quản lý quỹ không phải quá dài, nhưng với Việt Nam thì nó đã 'cao tuổi' hơn thị trường chứng khoán.

Dragon Capital ra đời năm 1994, còn sàn giao dịch TPHCM khai trương phiên giao dịch đầu tiên vào tháng 7-2000.

 Diễn biễn VN-Index từ đầu năm đến hết cuối tháng 9. Nguồn: VDSC

Diễn biễn VN-Index từ đầu năm đến hết cuối tháng 9. Nguồn: VDSC

Số vốn ban đầu mà Dragon Capital quản lý là 16 triệu đô la Mỹ. Còn nhớ năm 1995-1996, ông Trần Thanh Tân, hiện là Tổng giám đốc VFM, và ông Dominic Scriven, đương kim Chủ tịch Dragon Capital, thường sang gặp các chuyên viên của Tổ giúp việc cổ phần hóa của TPHCM đặt ở Viện Kinh tế trên đường Hai Bà Trưng, quận 1. Họ tìm hiểu về các doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa của thành phố và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Năm sau, năm 1997, xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, kế hoạch thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam buộc phải kéo dài hơn. Số tiền Dragon Capital quản lý vơi đi ít nhiều, còn tầm 10 triệu đô la Mỹ.

Giới tài chính tham gia lễ kỷ niệm 25 năm của Dragon Capital khá đông, phần lớn là những gương mặt kỳ cựu của “làng chứng khoán”. Họ đã bước sang độ tuổi U50, U60, có người đã nghỉ hưu. Tỷ lệ những gương mặt trẻ, mới bị lớp thâm niên áp đảo. Có lẽ vì Dragon Capital ưa thích những gương mặt cũ, thế hệ cũ chăng?

Hay bao nhiêu năm nay “làng chứng khoán” vẫn bị “thống trị” bởi sự trải nghiệm hơn là những gì trẻ trung, mạo hiểm và “máu lửa” trong những đợt nảy lên nảy xuống của chỉ số cả ba sàn?

Bất giác, dường như không ai bảo ai, rất nhiều người có mặt có thể đã nghĩ đến mốc 1.000 điểm của VN-Index. Tháng 3-2007, chỉ số chứng khoán sàn TPHCM lên 1.170 điểm. Đến tháng 4-2018 lần đầu tiên trong lịch sử nó chạm đến 1.200 điểm. Thị trường chứng khoán đã mất 11 năm để vượt qua đỉnh cũ. Và sau đó nó tuột dốc.

Tất nhiên, thời điểm ấy có tác động của yếu tố khách quan bên ngoài từ chứng khoán thế giới, song cái chính là sự giằng co trong quan điểm đầu tư của hai trường phái cũ và mới, già và trẻ. Thế hệ mới và trẻ háo hức giải ngân vào một thị trường giá lên. Họ tin vào những chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, và nhất là tin rằng chứng khoán Việt Nam mới chỉ trở lại đường đua sau hơn một thập kỷ suy thoái triền miên trong khi chứng khoán Mỹ đã đi từ mức 6.500 điểm năm 2008 lên 25.000 điểm mười năm sau, tức gấp xấp xỉ bốn lần (chỉ số Dow Jones hiện gần 27.000 điểm).

Thế hệ đi trước và kinh nghiệm, những người đã trải qua đủ các tâm trạng cùng cực của những năm 2009-2015, thì chốt lời, rút vốn hoặc tất cả, hoặc một phần lớn. Kết quả những người cũ đã đúng. Ít nhất cho đến bây giờ.

Ngay cả cơ quan quản lý và lãnh đạo hai sở giao dịch chứng khoán TPHCM và Hà Nội cũng phải để mắt đến thị trường hàng ngày tại thời điểm tháng 4-2018. Cơ quan quản lý có lý để lo lắng: thị trường lên nhanh quá, cứ hừng hực, đã có hiện tượng người dân rút tiền mua chứng khoán. Mà không phải rút ít. Số nhà đầu tư bỏ tiền tỉ vào tài khoản không hiếm. Giá mà thị trường tăng một cách từ từ, dần đều, có ngưng có nghỉ, thì chắc cả xã hội sẽ đồng lòng ủng hộ. Tuy thế biết làm sao được?

Tâm lý đầu tư đám đông ở một thị trường cận biên như Việt Nam là vào nhanh ra nhanh, “lướt sóng, đánh quả”. Thời gian đầu tư tính bằng ngày T+3 hay 5 hay 7, cùng lắm vài ba tuần. Đầu tư sáu tháng đã được xem như trung, dài hạn.

Sau này Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong một lần gặp báo chí đã tâm sự, đại khái khi thị trường tiến về 1.200 điểm với tốc độ cao, không chỉ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mà cả Chính phủ cũng lo, liệu thị trường có “nóng” quá không.

Mười bảy tháng qua kể từ đỉnh 1.200 điểm, chứng khoán đã nhiều lần ráng sức nhảy qua 1.000 điểm và có lần đã qua được một vài phiên rồi lại lui về dưới ngưỡng này. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện” tiền vào ít, không đủ đẩy chỉ số lên cao. Nhờ có vài trụ cột là các công ty vốn hóa lớn nâng đỡ, chỉ số cũng không đuối, cứ dao động tầm 900 -1.000 điểm. Thế là bình ổn, nhiều chủ thể trên thị trường tỏ ra hài lòng.

Chẳng hiểu sao khi rời buổi lễ của Dragon Capital, người viết bài này bỗng dưng nhớ đến bài thơ Ông đồ già của Vũ Đình Liên. Trên thị trường chứng khoán, sự trải nghiệm dẫn đến thành công vẫn đang thuộc về “những người muôn năm cũ”. Họ đang ở thế thượng phong!

Hải Lý

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294843/nhung-nguoi-muon-nam-cu-.html