Những người muôn năm cũ

Mấy năm gần đây tôi thường hay hoài cổ về Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt. Người ta nói đó là dấu hiệu của tuổi già. Cũng phải thôi, tôi đã U60 rồi. Những lúc tĩnh lặng, những đêm muộn, những lúc cô đơn tôi cứ nghĩ vẩn vơ, cứ mãi nhớ về những ngày tháng xa xăm với chuyện vui buồn gắn với những người thầy thương nhớ. Những lúc ấy, âm điệu câu thơ của nhà thơ tiền chiến Vũ Đình Liên lại chập chờn trong tôi: Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?...

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Ảnh: Phan Tấn Đạt

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Ảnh: Phan Tấn Đạt

45 năm hình thành và phát triển, Trường CĐSP Đà Lạt có lớp lớp người thầy đáng kính nhưng tôi không nhớ hết, tôi lại càng không có điều kiện để được gần gũi với tất cả nên thương nhớ ai, nhắc gọi ai âu cũng là giới hạn cố hữu của con người.

Trong thanh âm lọc cọc của bàn phím mổ cò, trong ánh sáng mờ ảo với những con chữ chao nghiêng, bất giác tôi nhớ đến những người thầy đã trở thành thiên cổ. Thầy Nguyễn Lam Kiều khoan thai, lịch lãm (Hiệu trưởng đầu tiên của Trường CĐSP Đà Lạt), thầy Phạm Huy Dương như cụ đồ nho xứ Nghệ (phụ trách trường), thầy Nguyễn Năng Nhượng hao gầy mà nhiệt huyết (Phó Hiệu trưởng). Tôi vẫn hằng in trong ký ức giọng nói ấm áp của thầy Nguyễn Tiến Thiện (giáo viên Văn), khuôn mặt đẹp và phúc hậu của cô Cao Thị Bốn (Phó Hiệu trưởng), mái tóc bồng bềnh mây trắng của thầy Phạm Văn Tuệ (giảng viên Lịch Sử), phảng phất hào khí Xô viết Nghệ Tĩnh của cô Trần Thị Hương (cán bộ Phòng Đào tạo - Khoa học & Công nghệ), ánh mắt thông minh nhưng tất bật của thầy Nguyễn Văn Bình (giáo viên Lý), sự đa tài và hào hoa của thầy Nguyễn Văn Bồng, phong thái nhẹ nhàng của thầy Nguyễn Minh Sơn (nguyên Trưởng khoa Mầm non, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp), dáng người đầm đậm của cô Vũ Thị Mận (Khoa Tiểu học), dáng dấp nghệ sĩ với âm vang tiếng hát “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” của thầy Phạm Thiên Sơn (giáo viên Thể dục). Cũng không cần phải viết nhiều bởi những người thầy này “thác là thể phách, hồn còn tinh anh”.

Bao nhiêu cuộc tụ tán chia ly đã diễn ra dưới mái trường này nhưng dòng chữ “TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM ĐÀ LẠT” vẫn uy nghi trầm mặc, vẫn kiên gan ngự trị 45 năm nay trên đỉnh nhà hiệu bộ. Năm 1976, dòng chữ này được xem như một tấm “bia chủ quyền” ghi dấu sự ra đời của một trường sư phạm trên thành phố ngàn hoa. Chính 20 người thầy đầu tiên của trường đã ngày đêm trộn hồ, cắt thép, vạch đất làm khuôn đúc chữ, tạo nên tấm danh xưng cho một cơ sở đào tạo giáo viên “uy tín, chất lượng và hiệu quả”. Hôm nay bất chợt nhìn lại, 20 người thầy đầu tiên ấy đang ở đâu? Người còn, người mất, người chuyển đến Sài Gòn, Hà Nội, người định cư ở nước ngoài nhưng vẫn còn đó thầy Trần Nhật Thăng, cô Mai Thị Diễm, thầy Nguyễn Thái Cam, thầy Nguyễn Văn Phúc, thầy Nguyễn Như Tùng và thầy Nguyễn Văn Khanh đang sinh sống tại Đà Lạt…

Tôi kính trọng và mang ơn thầy Nguyễn Công Danh (nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP Đà Lạt) vì nhiều nhẽ. Thầy Danh là bậc thầy của tôi, thầy đã đưa tôi về trường mà tôi chưa mời thầy một ly cà phê. Phong cách lãnh đạo và cách hành xử của thầy với cấp dưới đã cho anh chị em trong trường nhiều bài học quý, đặc biệt là bài học về giá trị nhân văn. Tôi còn nhớ có lần tôi đã phạm sai lầm khi mạo chữ ký của thầy Nguyễn Minh Sơn trong việc kê khai thừa giờ của tổ (vì phải nộp gấp, may sao số liệu không gian dối), thầy gọi tôi lên phòng Hiệu trưởng vừa nghiêm khắc vừa nhẹ nhàng nhắc nhở. Tôi nhớ đời. Lại có lần thầy gọi tôi lên hỏi có phải tuần vừa rồi tôi đi dạy ôn thi tốt nghiệp cho một lớp tại chức tại Đạ Tẻh đã để lại một số phiền phức cho trường không. Hai tuần sau, thầy gọi tôi lên chỉ để xin lỗi vì biết những phiền phức đó không phải từ tôi. Những việc nhỏ nhặt như vậy thầy Danh vẫn làm. Tôi càng kính trọng thầy. Những năm trước 2005, Trường CĐSP Đà Lạt vẫn tổ chức thi tuyển sinh, tôi thường được điều động ra đề thi. Ban đề thi “bị nhốt” trên lầu nhà hiệu bộ có khi đến ba ngày, ba đêm. Những lúc đó, tôi mới có dịp để được hầu chuyện thầy Danh. Tôi phục thầy vì những kiến thức đông tây, kim cổ không biết thầy đọc và học được từ khi nào mà phong phú và sâu sắc như vậy. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ nụ cười rất trẻ và đôi mắt biết nói của thầy Nguyễn Công Danh.

Thầy Đoàn Trọng Thiều là một trong 20 người thầy đầu tiên của trường, nguyên là giảng viên Ngữ văn, Trưởng phòng Tổ chức - Đào tạo (sau nay là Phòng Đào tạo - Bồi dưỡng - Nghiên cứu khoa học), Phó Hiệu trưởng nhà trường. Năm 2005, thầy chuyển công tác về Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Cùng với lãnh đạo nhà trường, với trách nhiệm ở nhiều cương vị công tác, thầy Thiều đã có những đóng góp lớn trong việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo của nhà trường, mở rộng quan hệ hợp tác với Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Tây để đưa nhà trường phát triển hưng thịnh trong những năm 1995 đến 2005.

Toàn cảnh Trường CĐSP Đà Lạt. Ảnh: Minh Đạo

Toàn cảnh Trường CĐSP Đà Lạt. Ảnh: Minh Đạo

Thừa hưởng lối sống của một gia đình Nho giáo, thầy Thiều có sự thâm trầm, sâu sắc nhưng hài hước và rộng mở. Ở trường, ai cũng kính trọng, quý mến thầy nhưng họ kháo nhau chưa bao giờ thấy thầy nổi nóng và say rượu. Đúng là chưa ai thấy thầy Thiều nổi nóng nhưng tôi đã chứng kiến mấy lần thầy ấy say rượu. Lúc say, thầy nổi hứng kể chuyện tiếu lâm nhưng phần lớn những cuộc say của thầy là những cuộc đắm chìm, miên man với vẻ đẹp cổ điển trong Đường thi, Tống thi, thầy say sưa với những chương hồi của tiểu thuyết Minh, Thanh, thầy gần như khóc với những thân phận bé mọn, khốn cùng trong truyện ngắn của Lỗ Tấn có khi đến hai, ba giờ sáng mới ngộ ra là mình say rượu.

Thầy Thiều với tôi là chỗ tâm giao. Những lúc gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống, tôi vẫn nhận được từ thầy Thiều những cảm hứng trong sáng, những lời khuyên tử tế và cả những lời phê chân thành. Không cứ riêng tôi, sau này nhiều người cũng cho rằng thật may mắn khi được sống và làm việc với thầy Đoàn Trọng Thiều.

Thầy Bùi Lương (nguyên Hiệu trưởng), thầy Tạ Quang Vũ (nguyên Hiệu trưởng) và thầy Trịnh Đức Tài (nguyên Phó Hiệu trưởng) đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng của mọi người. Thầy Bùi Lương lợi khẩu, quảng giao, quyết đoán trong lãnh đạo và quản lý nhưng thầy không cố làm vừa lòng tất cả. Đối với tôi, thầy Lương là người anh thân thiết ngay từ những ngày tôi còn tập tõng làm thầy. Đến giờ tôi vẫn mạnh dạn cho rằng, thầy Lương là thầy giáo dạy văn hay nhất của tỉnh Lâm Đồng. Thầy Tạ Qang Vũ có sự tinh anh và trầm tĩnh của một người đã trải qua nhiều biến cố. Phải chăng vì vậy mà thầy đã thấu hết nỗi nhân tình của anh chị em trong trường. Thầy Trịnh Đức Tài là của hiếm trong giới Toán học Việt Nam. Tôi ấn tượng nhất về thầy Tài là tố chất lãng mạn. Đã đành vậy, nhưng tôi vẫn không thể cắt nghĩa được tại sao vị tiến sĩ Toán học ấy cứ mãi nói về những sắc màu hoa ban Tây Bắc, về những chiếc khăn Piêu và điệu xòe của các cô gái Thái.

Năm 1998, khi tôi về Trường CĐSP Đà Lạt, nhiều người nói vui với tôi rằng các anh Nguyễn Đình Chắt, Phan Quốc Lữ, Lê Duy An và Bùi Trung Hưng là những người “ngông”. Khi đó tôi chỉ nghĩ kẻ sĩ cũng cần có chút gì đó đại loại như “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” nên các anh có “ngông” một chút cũng thêm hương vị cho đời. Sau này được làm việc và sống gần gũi, tôi mới thấy các anh “ngông” thật. Các anh “ngông” từ sinh hoạt chuyên môn đến việc bàn đại sự của nhà trường. Có lúc, chính tôi cũng cảm thấy hơi tưng tức và bực bực về sự “ngông” đó của các anh. Nhưng ngẫm lại, các anh cũng chẳng phải muốn dời non, lấp bể gì mà chỉ muốn cho trường tốt đẹp hơn mà thôi. Thời gian qua đi, có thể do tuổi tác hoặc vì nhiều lý do khác, sự “ngông” đó đã mai một đi ít nhiều, các anh càng hiện “rõ nguyên hình” của những người thầy giáo giỏi trong giảng dạy và có uy tín trong nghiên cứu khoa học.

Gần đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, chậm bước qua những giảng đường tinh khôi, tôi bất chợt mường tượng dấu chân và thanh âm giảng bài của lớp lớp người thầy. Loáng thoáng đâu đó hình như bóng dáng của thầy Lực, thầy Thăng, thầy Thoán, thầy Phong, thầy Tử Minh, thầy Hải Thanh, thầy Hoàng, thầy Thắng, cô Hải, thầy Minh Đạo, thầy Hắc, thầy Phan, thầy Lộc, thầy Hòa, cô Hương (Địa), cô Vải, cô Tâm, cô Hòa, cô Xuân, cô Ngọc, cô Đào (Sinh), cô Quỳnh, cô Hảo, cô Mai Loan, cô Vân, cô Yến, cô Đào Huê, cô Hoàng Huê, cô Xoài, vợ chồng thầy Nghị, cô Đào và nhiều thầy cô giáo khác nữa. Tất cả trở nên sống động và huyên náo như những ngày khai giảng rợp cờ hoa năm nào.

Ai ở gần, ai ở xa về khi ngước nhìn lên đỉnh tháp chuông đều cảm thấu tinh thần của Trường CĐSP Đà Lạt được hun đúc suốt 45 năm qua bởi bao thế hệ người thầy. Lãnh đạo nhà trường và những người thầy hôm nay đang trải qua những ngày tháng khó khăn nhưng vẫn tiếp nối các bậc đàn anh trong giáo giới thực hiện tốt sứ mạng của nhà trường và không lãng quên “những người muôn năm cũ” - Những người đã tận hiến cho Trường CĐSP Đà Lạt.

Đà Lạt, tháng 11 năm 2021

ĐẶNG TRỌNG HỘ

Trường CĐSP Đà Lạt

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202111/ky-niem-ngay-nha-giao-viet-nam-2011-nhung-nguoi-muon-nam-cu-3089798/