Những người 'muôn năm cũ': Những 'phó nháy' dạo cuối cùng
Đã có một giai đoạn, thợ chụp ảnh được xem là nghề 'hái ra tiền', niềm ao ước của nhiều người, nhưng hiện nay công việc này gần như thất thế. Các 'phó nháy' phải dạt ra vỉa hè chụp ảnh dạo mưu sinh…
Nhọc nhằn mưu sinh
Năm nào cũng vậy, khi khu vực Nhà văn hóa Thanh Niên (quận 1) bắt đầu được trang hoàng những đường hoa rực rỡ, từng tiểu cảnh ngày Tết lung linh thành hình cũng là lúc những cô, bác “phó nháy” dạo vừa có dịp họp mặt anh tài, vừa chờ đón khách để có thêm chút thu nhập cuối năm.
Dưới cái nắng gắt của những ngày cận Tết, ông Đặng Hữu Thoại (74 tuổi, quê Long An) có hơn 30 năm hành nghề “phó nháy” kiên nhẫn đứng ở một góc khu vực Nhà văn hóa Thanh Niên chờ khách. Ông là “phó dạo” lớn tuổi nhất ở đây. Dáng người gầy gầy, ông khoác chiếc áo ghi-lê 4 túi, đội ngược mũ lưỡi trai, trên cổ là chiếc máy ảnh cơ hiệu CHINON… Dường như tất cả đã theo ông Thoại từ rất lâu nên cái nào cũng bạc màu sương gió. Điều đặc biệt là ông Thoại không chào mời, không nằn nì khách chụp ảnh. Ông chỉ đứng đó, yên lặng, hiền lành gật đầu chào từng nhóm du khách với các trang phục đầy sắc xuân đến đường mai. Vậy mà, hàng ngày vẫn có khá nhiều khách nhờ ông chụp ảnh cho mình.
Ông Thoại cho hay, trước đây ông từng là thầy giáo cấp 2 dạy các môn văn, sinh, sử. “Lúc đó nghề giáo không đủ nuôi gia đình, sẵn có máu nghệ thuật và thích chụp ảnh, tôi gom hết tiền mua chiếc máy ảnh phim rồi về tận Cà Mau học nghề. Học được 2 tháng, được cấp giấy chứng nhận, tôi bắt đầu chụp ảnh ở Cà Mau, Huế… Năm 2009 được nhận vào Đầm Sen chụp ảnh từ đó đến nay” - ông Thoại bồi hồi nhớ lại.
Sờ vào túi, ông Thoại khoe, hôm nay “trúng mánh” vì từ sáng đến giờ đã chụp được gần 1 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, ông còn khoảng 600.000-700.000 đồng. Ông tâm sự, biết mình không còn nhanh nhẹn, máy móc cũng không xịn bằng người khác nên ông luôn chỉn chu trong từng bức ảnh. “Mình chịu khó tìm những góc lạ, độc, bắt được khoảnh khắc viên mãn của khách trong mỗi bức hình…” - ông Thoại cho biết.
Tại các điểm tham quan ở khu trung tâm quận 1 như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Đường sách… chúng tôi cũng gặp những “phó dạo” rảo bước đón khách. Họ hầu hết đều cao tuổi. Ông Tùng (60 tuổi, ngụ quận Tân Bình) có hơn 20 năm làm nghề cho hay, dù nắng hay mưa, ông đều có mặt ở khu vực này từ 7 giờ sáng hoặc có thể sớm hơn nếu thời tiết tốt, hay cuối tuần, lễ Tết... “Trước còn có nhiều đoàn khách du lịch, khách nước ngoài nhưng 2 năm nay, từ lúc có dịch bệnh nghề chụp ảnh cũng “chết” theo. Bây giờ chụp chủ yếu là khách quen, nhiều khi đứng ngoài đường chào mời khách cả ngày nhưng cũng chẳng có lấy một tấm ảnh. Buồn lắm cô à!” - người đàn ông với mái đầu bạc trắng trút tâm can.
Tâm sự về nghề, ông Tùng chậm rãi kể, dẫu biết giới trẻ bây giờ chuộng cách chụp hiện đại, chỉnh sửa hình ảnh lung linh, chọn góc theo trào lưu của người nổi tiếng… nhưng chẳng hiểu sao, ông vẫn mê cái màu ảnh vàng vàng, góc chụp truyền thống đến lạ.
Thời oanh liệt… còn đâu
Trò chuyện với ông Bình, một thợ ảnh dạo khu vực Đường Sách, Bưu điện thành phố, ông kể, thời hưng thịnh nhất của thợ chụp ảnh là từ khoảng năm 1985 đến trước năm 2000. “Lúc đó, có ngày tôi chụp từ sáng đến tối, không có thời gian nghỉ ăn cơm. Số tiền làm ra vừa nuôi được vợ con, cuộc sống rất thoải mái. Ngày lễ Tết, khách xếp hàng chờ chụp đến tận đêm” - ông bồi hồi nhớ lại.
Thời hoàng kim của nghề chụp ảnh dạo như một phần ký ức của ông Giàu (68 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh). Nhà nhiếp ảnh già cho biết, luật chụp ảnh thời đó rất gắt gao và máy ảnh cũng đắt đỏ nên ít ai có điều kiện làm nghề chụp ảnh như bây giờ. Thuở ban đầu, ông chụp bằng loại máy tráng ảnh trực tiếp, đòi hỏi người thợ phải nắm thật vững kĩ thuật chụp ảnh và biết canh chính xác thời gian để kéo ảnh ra. Tùy theo ý thích của người chụp muốn cho ảnh ám màu xanh hay vàng mà thời gian kéo ảnh và gỡ lớp màn mỏng trên bề mặt ảnh sẽ được tính toán một cách cẩn thận, chính xác. Sau đó ông chuyển sang chụp bằng máy phim, rồi “lên đời” dần dần bằng máy tự động. Thời đó, ai siêng năng, chịu khó là chỉ trong thời gian ngắn có thể mua được nhà, xe. Một thợ còn có thể chạy sô chụp ở tiệm, các đám cưới, sinh nhật cũng thường thuê thợ đến chụp vài “pô ảnh” kỷ niệm, nhà giàu làm hẳn cả album hoành tráng…
Nén tiếng thở dài, anh Thìn (55 tuổi) có thâm niên gần 30 năm trong nghề xót xa: “Những người còn giữ nghề chụp hình dạo ngày nay đa phần là những người đã “đầu hai thứ tóc” hoặc đã trót gắn bó lâu năm với nghề. Giới trẻ có đam mê, năng động đổ xô đi mở studio, chụp hình ngoại cảnh đám cưới…, chẳng ai chịu lang thang, ôm máy cả ngày dưới nắng, ỉ ôi mời chào khách và gom nhặt những đồng bạc cắc. Có lẽ mai này, chúng tôi sẽ là những thợ chụp ảnh dạo cuối cùng ở Sài Gòn cũng nên…”.
Được cái, cánh thợ chụp ảnh dạo này gần như không có chuyện tranh giành khách, giành địa bàn, cũng chẳng hề có chuyện phá giá... Như một “luật bất thành văn”, họ biết ai đang đứng địa bàn nào, giờ giấc ra sao để “né” nhau, hoặc “nháy nhỏ” đồng nghiệp tạo điều kiện, hỗ trợ nếu khách có yêu cầu chụp ở chỗ địa bàn người khác. “Nói một cách nào đó, thợ chụp ảnh dạo đều có “máu nghệ sĩ”, thương nhau không hết sao nỡ tranh nhau. Chúng tôi nhường nhau, giúp nhau để cùng trụ lại với nghề mà mỗi người đều coi đó là một phần máu thịt của mình” - anh Thìn thổ lộ.
“Lắm lúc, khách hàng nhận tấm ảnh chê thẳng “chụp hình như thập niên 90” rồi không chịu lấy. Nhiều người cũng khuyên tôi phải tân thời lên, chiều theo ý khách chứ không phải chụp theo cái mình muốn… Tôi cũng vài lần thử thay đổi mà… khó quá”. Ông Tùng đưa ánh mắt xa xôi
Thủy chung với nghề
Mấy năm nay, cánh “phó nháy” dạo linh hoạt hơn trong cách thực hiện theo nhu cầu khách. Trong chiếc túi nhỏ đeo theo bên mình, ông Giàu có sẵn đầu đọc thẻ nhớ, cục phát sóng wifi để khách cần là chuyển liền sang điện thoại sau vài phút. Cách này khá tiện vì chẳng cần chỉnh sửa, cắt cúp ảnh, giá thường chỉ 20.000-25.000 đồng/tấm. Khách chụp nhiều sẽ khuyến mãi thêm. Thợ ảnh còn đầu tư máy in tại chỗ, tùy khổ mà có giá từ 30.00-50.000 đồng/ảnh.
Với thợ chụp ảnh dạo dù thu nhập không cao, nhưng nghề đã là một phần trong cuộc sống nên chẳng ai muốn thay đổi. Ông Thoại cũng thế, mỗi ngày, ông đều tự chạy xe máy vượt hàng chục cây số từ Long An đến Đầm Sen chờ khách chụp ảnh, dù nắng hay mưa cũng đều có mặt. Vài năm gần đây, những ngày lễ Tết, ông thường đến khu vực đường mai để chờ khách.
“Vợ con tôi đều bảo lớn tuổi rồi, không cạnh tranh được với lớp thợ trẻ nên nghỉ đi, nhưng tôi yêu cái nghề này lắm. Nó không chỉ là “cần câu cơm” để tôi nuôi các con nên người, mà đó còn là một phần kỷ niệm tuổi trẻ của tôi nên tôi muốn tiếp tục được làm nghề…” - cụ “phó nháy” nheo nheo mắt, vui vẻ nói.