Những người Mỹ hối hận vì đã từ chối tiêm vaccine Covid-19
Chỉ đến khi cận kề cái chết hoặc chứng kiến người thân ra đi vì Covid-19, nhiều người tại Mỹ mới thức tỉnh và bắt đầu muốn tiêm vaccine, nhưng đã quá muộn.
Diễn viên hài kiêm nhà môi giới bất động sản tại Missouri - Louie Michael - đang có rất nhiều lý do để ăn mừng. Ông đã có “40 ngày vượt qua Covid-19” khi quay đoạn video vào ngày 17/7, với triệu chứng duy nhất là phát ban dai dẳng. Bệnh tình đã khiến cả vợ ông là bà Pattie Bunch cũng phải nhập viện.
Michael đã ghi lại nhiều mốc hồi phục quan trọng của mình trên TikTok, trong đó có một đoạn clip ông tự quay và hát dõng dạc ca khúc “Can’t Take My Eyes Off You” của Frankie Valli.
Ông đã sử dụng mạng xã hội để kêu gọi mọi người tiêm vaccine, điều mà ông đã từ chối và phải gánh chịu hậu quả.
“Nếu tiêm vaccine từ sớm, tôi đã có thể tránh được những điều đã phải trải qua trong ba, bốn tuần qua”, ông bày tỏ.
Michael nhấn mạnh rằng việc tiêm chủng là một lựa chọn cá nhân, nhưng thể hiện một cách thẳng thắn: “Hãy tiêm vaccine nếu có thể, bởi bạn không muốn trải qua những điều kinh khủng này đâu”.
Cách thuyết phục mới
Sự hối hận đã trở thành một công cụ mới trong cuộc chiến chống Covid-19. Giới truyền thông liên tục đăng các câu chuyện về những người bệnh chỉ mong được tiêm vaccine, các cá nhân và tổ chức y tế chia sẻ nhiều câu chuyện tương tự, hy vọng sẽ thuyết phục được người Mỹ thay đổi suy nghĩ và đi tiêm vaccine ngay.
Giáo sư Dolores Albarracín tại Đại học Pennsylvania, chuyên nghiên cứu hành vi của con người liên quan đến sức khỏe, cho biết cách tiếp cận này có hiệu quả nếu thông điệp “chân thành” và “không rao giảng”, đặc biệt cho những người ủng hộ vaccine và người xem có chung nhân khẩu học.
Ví dụ, câu chuyện thay đổi của một người đàn ông da trắng, thuộc tầng lớp lao động sẽ ảnh hưởng lên những người đàn ông da trắng, thuộc tầng lớp lao động khác hoặc những người phản đối việc tiêm chủng. Bà nhận định đây là cách tiếp cận mới so với hướng dẫn lặp đi lặp lại về tiêm chủng và những lời kêu gọi thông thường.
Travis Campbell, 43 tuổi, từ Bristol, Virginia, là cựu cảnh sát và nhân viên bán lẻ, đã biến trang Facebook của mình thành một cuốn nhật ký video, ghi lại cuộc chiến của mình với virus từ cuối tháng 7.
Thay vì trốn tránh thực tại phũ phàng, ông tập trung thảo luận về các cuộc tấn công do virus gây ra. Trước đó, ông là người từ chối tiêm và giờ đây đang nằm trong khu điều trị tích cực (ICU) và kêu gọi mọi người đừng mắc sai lầm giống như mình.
Trong một video, với bình oxy trên mặt, ông nói: “Tôi đang cố gắng nói chuyện để mọi người hiểu rằng tôi không muốn dự đám tang ai và tôi cũng không muốn ai đến dự đám tang của tôi. Biến chủng Delta lây lan rất nhanh và tấn công những người không tiêm phòng. Và tôi đã sơ suất khi không coi trọng gia đình và bản thân mà không tiêm phòng”.
Một trong những nhân vật nổi tiếng khiến công chúng tiếc nuối là người dẫn radio Phil Valentine ở Nashville, người từ lâu đã hoài nghi về vaccine.
“Tôi chỉ muốn hiểu đơn giản, tỷ lệ mắc Covid-19 là bao nhiêu? Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của tôi là bao nhiêu nếu bị nhiễm bệnh? Có lẽ là ít hơn 1%”, ông đã viết trên một bài blog vào tháng 12/2020. Tới giữa tháng 7/2021, ông bị nhiễm bệnh và được đưa đến bệnh viện và điều trị trong ICU.
Em trai của Phil, ông Mark, đã thay mặt anh trai viết một bài đăng trên Facebook, nói: “Phil muốn các thính giả biết rằng ông không bao giờ chống lại vaccine và mong vẫn được ủng hộ sau khi trở lại, đó là điều mà ai cũng đều hy vọng".
Vận động tiêm vaccine
Kaitlyn McConnell, giám đốc truyền thông tại hệ thống y tế phi lợi nhuận CoxHealth, tây nam Missouri đã cùng nhóm của mình sử dụng YouTube để chia sẻ những câu chuyện và hình ảnh từ tuyến đầu trong sáu bệnh viện trong hệ thống.
Sau khi có vaccine, họ phỏng vấn những người tiếc nuối vì từ chối vaccine chia sẻ cảm xúc và câu chuyện của mình.
Russell Taylor, 42 tuổi, nằm trên giường bệnh, mặc đồ bảo hộ và kể chuyện của mình.
“Tôi là một trong những người Mỹ hoài nghi, không biết nên tin ai. Vì vậy, tôi chỉ từ chối và đưa ra quan điểm: 'Nếu Chúa cho phép, thì nó phải như vậy’. Tôi thực sự nghĩ rằng mình sẽ chết”, ông nói trong đoạn video. Russell đã nhiễm bệnh trầm trọng, dẫn đến viêm phổi kép và phải nhập viện trong ba tuần.
Sở Y tế TriCounty, phía đông bắc Utah, cũng sử dụng cách làm tương tự, nhấn mạnh rằng virus corona không chỉ là "cảm cúm" và có thể tạo ra các tác động tiêu cực lâu dài.
Trong một video, cô Stormy, quản lý phòng khám bệnh viện Utah, đã phản đối một cách gay gắt: “Mọi người ở bệnh viện đều biết tôi không tiêm phòng”. Và thế là cô bị nhiễm bệnh, cùng với bệnh viêm phổi kép và nhiễm trùng huyết đã ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.
Stormy nói rằng cô ấy phải giấu họ của mình vì sợ rằng những người có quan điểm chống vaccine sẽ buộc tội cô ấy nói dối.
“Tôi không thể làm được nhiều việc như trước. Tôi không thể xe đạp cùng các con. Tôi đang trong tình trạng mà chỉ cầu nguyện sẽ khỏi bệnh. Nhưng hiện tại, tôi không thể lên cầu thang nếu nhịp tim tăng lên mức 150 và bị tức thở. Tôi vẫn chưa thể nếm hoặc ngửi", cô chia sẻ.
Trong một số trường hợp, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối cho người thân đã qua đời. Trên Twitter, Jenny McCann, đến từ London, đã kể lại trường hợp virus corona lấy đi mạng sống của người anh trai từ chối được tiêm chủng.
“Anh trai sinh đôi 42 tuổi của tôi đã qua đời vì Covid-19 vào tuần trước, chỉ 4 tuần sau khi phát hiện dương tính. Anh ấy là một người hoàn toàn khỏe mạnh. Anh ấy đã không muốn tiêm vaccine”, cô chia sẻ.
“Và trước khi thở máy, anh ấy nói với chuyên gia của mình rằng anh ấy ước mình đã được tiêm phòng,” cô nói thêm.
Christy Carpenter, đến từ Alabama, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi Curt, cậu con trai 28 tuổi của bà tử vong vì Covid-19 chỉ sau 2 tháng, trước khi không tiêm vaccine.
Bà nói rằng: “Phải chứng kiến con trai tôi ra đi và phải chịu những tác động của virus, chúng tôi mới nhận ra mình cần vaccine. Chúng tôi đã không tiêm phòng khi có cơ hội và hối hận cho tới bây giờ”.
Và giờ đây, bà thường xuyên đăng bài trên Facebook, thuyết phục mọi người xung quanh đi tiêm phòng, và cách này rất hiệu quả.
“Mọi người rât ủng hộ. Nhiều thành viên trong gia đình quyết định sẽ tiêm vaccine vì họ không muốn trải qua đau đớn. Một số người đăng ảnh sau khi được tiêm. Và họ sử dụng hashtag #curtsmission", bà nói thêm.
Mục tiêu của bà là cứu sống những người khác. Bà không muốn thêm một người mẹ nào khác phải ngồi đó và nhìn con mình chết chỉ vì không tiêm phòng.
"Xin lỗi nhưng đã quá muộn"
Nhưng những thông điệp thế này không phải lúc nào cũng được đón nhận. Brytney Cobia, một bác sĩ tại Trung tâm Y tế Grandview ở Birmingham, Alabama, đã lên Facebook kể chi tiết trải nghiệm của cô khi chứng kiến những người trẻ tuổi, không được tiêm chủng chết trong bệnh viện.
“Tôi đang tiếp nhận nhiều người trẻ khỏe mạnh đến bệnh viện vì mắc Covid-19 rất nghiêm trọng. Một trong những điều cuối cùng họ làm trước khi đặt ống nội khí quản là cầu xin tôi tiêm vaccine. Tôi nắm tay họ và nói với họ rằng tôi xin lỗi, nhưng đã quá muộn", cô bày tỏ.
“Vài ngày sau, khi tôi thông báo thời điểm tử vong, tôi ôm các thành viên trong gia đình của họ và nói rằng cách tốt nhất để tri ân người đã khuất là đi tiêm phòng và kêu gọi những người khác cùng thực hiện. Họ khóc và họ nói với tôi rằng họ không biết. Họ cho rằng đó là một trò lừa bịp", Cobia nói thêm.
Sau khi câu chuyện bắt đầu lan truyền mạnh mẽ, Cobia và mẹ cô bắt đầu nhận được một loạt các tin nhắn đe dọa và quấy rối. Nhiều ngày sau, cô ấy đã phải thay đổi số điện thoại của mình.
Mặc dù việc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ những câu chuyện này có thể hữu ích, nhưng theo Stacy Wood, giáo sư tại Đại học Bang North Carolina, người đã nghiên cứu việc truyền thông vaccine chống virus, các cuộc trò chuyện trực tiếp sẽ hiệu quả hơn.
Cô Wood nói: “Những người đã từng có trải nghiệm đáng sợ và cũng là người ủng hộ vaccine nên được khuyến khích chia sẻ câu chuyện tại các nhà thờ địa phương, các cuộc họp ở trường học hoặc các cuộc họp cộng đồng khác".
Cô cho rằng những câu chuyện chia sẻ trực tiếp có sức tác động mạnh mẽ, nhưng cần được truyền tải theo cách cá nhân nhất có thể.