Những người phất ngọn cờ hồng (bài 3)
Họ là những lão thành cách mạng đã và đang bước vào tuổi 'bách niên giai lão', đã cống hiến trọn đời cho lý tưởng cách mạng và độc lập, tự do của dân tộc. 75 năm trước, hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ đã trở thành những người phất cờ hồng, cùng cả dân tộc Việt Nam vùng lên giành chính quyền, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Và họ cũng đã sống trọn vẹn 75 trang đời đầy vẻ vang, trụ cùng tuế nguyệt để chứng kiến non sông, cơ đồ ngày một rạng rỡ, phồn vinh.
Kỳ 1: Ký ức xanh như nắng Ba Đình
Kỳ 2: Sao vàng bay trên kỳ đài kinh thành Huế
Kỳ 3: Bước quân đi nối liền khu giải phóng
Trong căn nhà 3 gian giản dị gần sát bên đường lớn tại thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, Đại tá Hoàng Long Xuyên, nguyên Đội trưởng Đội du kích Hòa An (Cao Bằng), nguyên Giám đốc Công an Khu tự trị Việt Bắc kiêm Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) Khu tự trị Việt Bắc đón chúng tôi như đón người thân.
Không gian dìu dặt tiếng chim câu như thể hòa chung nét thanh mộc, thong dong của người lão thành cách mạng bước sang mùa Xuân thứ 104 của cuộc đời. Và cuộc đời ấy đã dành trọn để cống hiến cho đất nước và lý tưởng cộng sản.
Đại tá Hoàng Long Xuyên sinh năm 1917, tại Cao Bằng, tham gia cách mạng từ rất sớm. Những cống hiến của ông vẫn còn vang danh với núi rừng Việt Bắc qua nửa thế kỷ chiến đấu trên những mặt trận ác liệt nhất.
Đối với chúng tôi, ông vừa là cha anh, vừa là tiền bối, bởi người cộng sản kiên trung dẫu từng trải qua nhiều cương vị khác nhau, nhưng nhiều năm ông mang quân hàm xanh đầy tự hào. Năm 1962, ông về công tác tại Công an vũ trang Khu Tự trị Việt Bắc, sau đó làm Giám đốc Công an kiêm Chỉ huy trưởng của Công an nhân dân vũ trang Khu tự trị Việt Bắc. Năm 1986, ông nghỉ hưu.
Năm 2020, Đại tá Hoàng Long Xuyên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Và chiếc Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng ấy gắn với một sự kiện trọng đại của đất nước và cuộc đời của chàng thanh niên dân tộc Nùng - Hoàng Long Xuyên. Bởi tháng 3-1945, ngay sau khi phân đội Long Xuyên thuộc Mặt trận Việt Minh huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng do ông làm Phân đội trưởng xuất sắc tham gia đánh chiếm các khu vực quan trọng của địch, giành chính quyền tại Tràng Định, Lạng Sơn để mở rộng vùng giải phóng, ông đã được kết nạp Đảng. Đó là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời ông.
Ông kể: “Gia đình tôi ngày xưa nghèo lắm, dân bản bị cường hào và thổ ty áp bức đến mức nhiều người phải bỏ lên rừng. Năm 17 tuổi, tôi đi theo cách mạng và năm 24 tuổi thì được Bác Hồ, bác Võ Nguyên Giáp cử sang Trung Quốc học quân sự tại phân hiệu Trường võ bị Hoàng Phố. Bạn học cùng tôi ngày ấy, có nhiều người sau này đã giữ các chức vụ cao cấp trong quân đội như Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐND Việt Nam; Thượng tướng Vũ Lập; Thượng tướng Hoàng Minh Thảo; Thượng tướng Đàm Quang Trung; Trung tướng Nam Long; Đại tá Mai Trung Lâm; Đại tá Thanh Phong...”.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11-1944, đoàn thanh niên học quân sự rời thị trấn Đại Kiệt (Trung Quốc) về Tổ quốc để hội quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo, chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Không may, ông cùng với một số đồng chí khác bị lạc rừng, sau đó mới tìm về được đến nơi. Ông được phân công gây dựng cơ sở cách mạng tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Thời điểm ấy, phong trào cách mạng huyện Hòa An đang phát triển mạnh mẽ, có cán bộ quân sự về thì càng trở nên chính quy và hoạt động có bài bản hơn.
Bước vào giai đoạn cao trào kháng Nhật cứu quốc, các tổ chức vũ trang của Mặt trận Việt Minh nhận được chỉ thị tiến hành đánh phá các cơ sở tổ chức của Pháp, Nhật. Đặc biệt, cuộc khởi nghĩa Thanh La thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, ngày 10-3-1945 đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng. Phong trào chiến tranh du kích, khởi nghĩa từng phần đã diễn ra tại hàng loạt châu, huyện của các tỉnh Việt Bắc. Trung tuần tháng 3-1945, phân đội của ông Hoàng Long Xuyên nhận được lệnh cấp trên nhanh chóng đến địa điểm Phổ Nuống (nay thuộc xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) để nhận lệnh tập trung mít tinh toàn tỉnh và phân công công tác.
Nhiệm vụ của các đơn vị là Đông tiến mở đường giao thông liên lạc tới Lạng Sơn và mở rộng căn cứ Cao Bằng đến các huyện thuộc Lạng Sơn. “Phương châm hoạt động của đoàn Đông tiến là lấy chính trị làm trọng, quân sự hỗ trợ cho chính trị. Phân đội là một đơn vị chủ lực của Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, xuống Lạng Sơn cùng cán bộ chính trị, quân sự tỉnh Lạng Sơn xây dựng cơ sở quần chúng và đánh đồn địch. Trận đầu tiên phải thắng để gây thanh thế cho Việt Minh ở tỉnh Lạng Sơn. Ở Cao Bằng, ta đã thắng giòn giã Phai Khắt, Nà Ngần” - Đại tá Hoàng Long Xuyên nhớ lại.
Ngay sau khi nhận lệnh, tất cả các đội viên trong phân đội Long Xuyên đã nhanh chóng chuẩn bị lương thực và kiểm tra lại vũ khí, đạn dược. Đêm 18-3-1945, toàn phân đội xuất phát theo đường mòn xuyên rừng tiến xuống xã Văn Trình, rồi xã Tuất Tính thuộc huyện Thạch An và nghỉ lại một đêm. Ngày hôm sau, phân đội Long Xuyên từ Tuất Tính vượt ranh giới sang huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn và chính thức tiến công vào các đồn, bốt của địch. Toàn phân đội chiến đấu dũng cảm, lần lượt đánh chiếm kho muối ở Bản Trại (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) chia cho dân, đánh đồn Pò Mã, diệt phỉ, bảo vệ thị trấn Bình Gia, giải phóng Điềm He... Dẫu vũ khí đơn sơ, chân trần áo vải, nhưng quân giải phóng cuồn cuộn khí thế, tốc chiến, tốc thắng. Khu giải phóng được nối liền từ căn cứ Cao Bằng đến các huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn...
Cho đến khi Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh, thì Việt Minh đã hoàn toàn làm chủ vùng biên khu để chủ động tiếp ứng cho nhân dân nổi dậy giành chính quyền tại Lạng Sơn. Từ ngày 18-8 đến ngày 22-8-1945, Phân đội trưởng Hoàng Long Xuyên đã chỉ huy đơn vị cùng hội quân với đại đội độc lập Thoát Lãng do đồng chí Ngọc Trình làm chỉ huy tiến hành hỗ trợ quần chúng cách mạng nhất tề nổi dậy, tiến công quân Nhật, làm chủ Ôn Châu, Hữu Lũng, Thất Khê, Thoát Lãng, Na Sầm...
Ngày 24-8-1945, tại Ba Xã (châu Điềm He), Phân đội trưởng Hoàng Long Xuyên tham gia cuộc họp của Tỉnh ủy Lạng Sơn. Hội nghị thành lập Ban Chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh và đề ra chủ trương cần nhanh chóng giải phóng tỉnh lỵ, lập chính quyền cách mạng. Ngày hôm đó, từ vùng giải phóng, lực lượng vũ trang đi cùng quần chúng nhân dân chia làm 2 hướng tiến vào thị xã qua các ngả Bằng Mạc, Điềm He. Trời mới tảng sáng, nhưng nhân dân từ các ngả đổ ra chào đón lực lượng cách mạng. Tới 13 giờ, ta đã chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu như: Sở Mật thám, Kho bạc, Sở Dây thép (Bưu điện), phá đề lao, giải thoát cán bộ và quần chúng bị địch bắt. Phân đội Long Xuyên phối hợp cùng các đơn vị bao vây dinh Tỉnh trưởng, buộc Tỉnh trưởng bù nhìn Linh Quang Vọng phải đầu hàng. Tiếp đó, dưới sự chỉ huy của Ban Việt Minh, các châu, huyện, lực lượng vũ trang chủ lực của tỉnh cùng quần chúng cách mạng đã giành chính quyền ở Cao Lộc và Lộc Bình.
Chia tay chúng tôi, Đại tá Hoàng Long Xuyên đọc tặng những câu thơ mà ông đã thuộc nằm lòng từ năm 1941, tại hang Pắc Bó (Cao Bằng) trước khi lên đường sang Hoàng Phố học tập: “Hai mươi lăm triệu đồng bào/ Một lần nô lệ biết bao đau lòng/ Những người yêu nước quên mình/ Người giam Hà Nội kẻ tù Sơn La/ Nước Nam là nước Nam ta/ Vì ai đến nỗi xót xa thế này/ Vì thằng Nhật, vì thằng Tây/ Thanh niên ta phải ra đây học hành/ Một là học hết nhà binh/ Hai là học hết tính tình người ta/ Thanh niên là chủ nước nhà/ Phải cho huấn luyện mới là thanh niên”.
Giọng đọc của ông vẫn sang sảng tin yêu mà chúng tôi thì rưng rưng xúc động. Thật trân quý biết bao một thế hệ thanh niên “kim cương” của dân tộc Việt!
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-phat-ngon-co-hong-bai-3-post432643.html