Những người phụ nữ bất ngờ khi lần đầu tiên được nhận quà 8/3
Vừa dừng chiếc xe đạp cà tàng trên đường để nhặt cái chai bị vứt bên đường, bà Vũ Thị Trường (quê Xuân Trường, Nam Định) bất ngờ khi nhận được món quà 8/3 từ đoàn viên, thanh niên Báo Điện tử VOV. Hơn 30 năm nay làm nghề ve chai đây là lần đầu tiên bà nhận được món quà ý nghĩa như vậy.
Bữa cơm giản đơn ngày 8/3
Trong căn nhà vỏn vẹn 10m2, vợ chồng ông Toản mù đang trải chiếu ăn cơm trưa. Bữa trưa quá ư tuềnh toàng khi vỏn vẹn chỉ có một con cá chạch, 1 bát canh rau tập tàng (nhiều thứ rau nấu lại với nhau) và một nồi cơm trắng. Dù vậy 2 ông bà vẫn ăn uống ngon lành, nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời, thỉnh thoảng ông còn trêu chọc làm bà cười. Một bữa cơm đơn sơ, giản dị ngày 8/3.
Toản mù là cách gọi thân thuộc của người dân xóm Bụi (Phúc Xá, Ba Đình) dành cho vợ chồng ông Nguyễn Quang Toản và bà Nguyễn Thị Chỉ, quê Quốc Oai, Hà Nội. Hai ông bà đang ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” thế mà cuộc sống vẫn còn quá nhiều vất vả lo toan.
Ông Toản bị mù từ lâu, mọi việc trong nhà do một tay bà Nguyễn Thị Chỉ gánh vác. Quê nhà không ruộng không nương, 2 ông bà gồng gánh xuống Hà Nội mưu sinh. Đêm xuống bà Chỉ đi bán nước ở chợ Hôm. Ngồi vặt vẽo cả đêm cũng chỉ mong kiếm đủ tiền trả tiền thuê phòng trọ 1,7 triệu đồng mỗi tháng.
“Mùa hè, bà ngồi bán cả đêm cũng kiếm được 70.000 đồng, nhiều nhất là 100.000 đồng. Còn mùa đông, bà chịu, hàng hóa ế ẩm, cố gắng vớt vát cũng chỉ được 20.000 đồng, có khi kiếm được 50.000 đồng”, bà Chỉ nói.
20 năm nay bà vẫn cần mẫn bán trà đá dạo. Mấy hôm nay, những cơn gió mùa liên tục đổ về, thời tiết thay đổi, trong câu chuyện với ông, thỉnh thoảng bà lại ho lên mấy tiếng. Những lúc như vậy, ông Toản cũng chỉ biết nhìn vợ. Ông nói rằng “ước mắt ông không mù, ông có thể phụ bà nhiều hơn, cùng bà đi bán nước dạo hay đơn giản là cắm cho bà nồi cơm”.
Còn với bà Chỉ, dù cuộc sống vất vả, dù bệnh tật ông Toản chẳng đỡ đần được gì, nhưng bà “chưa bao giờ hối hận khi lấy ông”.
8/3 của bà đơn giả là được sống cùng ông. Cùng mong ước mạnh khỏe, có người chuyện trò mỗi ngày để xua đi cái cô quạnh của tuổi già.
“Giờ cuộc sống của bà đơn giản lắm. May nhờ có sự trợ giúp của nhóm thiện nguyện, ông bà cũng có đủ gạo ăn. Có lúc hàng xóm thấy thương 2 cụ già thì có gì họ lại cho”, bà Chỉ nói.
Về phần mình, bà chỉ mong có sức khỏe, tối đến lại đi bán nước. Sáng 6h sáng lại dậy xuống bờ sông kiếm rau về nấu cho ông ăn. Đôi lúc chỉ là một bữa cơm với nước mắm cũng thấy vui rồi.
“Ập” đến bất ngờ vào lúc 2 ông bà đang ăn cơm, nhóm đoàn viên, thanh niên Báo Điện tử VOV đã gửi những món quà nhỏ chúc mừng bà Chỉ vào ngày lễ của chính mình. Ông Toản đứng một bên cười hạnh phúc, bởi ông cũng luôn hy vọng mình có tiền mua cho bà bông hoa tặng 8/3.
“Giật mình” khi được tặng quà 8/3 giữa đường
Vừa dừng chiếc xe đạp cà tàng trên đường để nhặt nhạnh chai lọ bị vứt bên đường, bà Vũ Thị Trường (quê Xuân Trường, Nam Định) bất ngờ khi nhận được món quà 8/3 từ đoàn viên, thanh niên Báo Điện tử VOV. Hơn 30 năm nay làm nghề ve chai đây là lần đầu tiên bà nhận được món quà ý nghĩa như vậy.
“Tôi làm nghề nhặt nhạnh ve chai ở đường phố Hà Nội bao nhiêu năm nay, quên luôn cả những ngày lễ như thế này. Nhận được món quà của các bạn tôi thấy bất ngờ, phấn khởi và khỏe hẳn ra”, bà Trường chia sẻ.
Với bà Trường đây cũng là món quà 8/3 được nhận lần đầu tiên trong cuộc đời. Bởi chồng bà mất sớm, bà đã phải đến đất Thủ đô mưu sinh với nghề lượm nhặt ve chai và dọn nhà thuê để có tiền lo cho 2 đứa con trai và chính bản thân mình.
“Với tôi, ngày lễ cũng là những ngày bình thường, chỉ mong ai thuê làm bán thời gian để có thêm thu nhập giúp con, giúp cháu ở quê. Tôi ở trên này, nếu ngày nào thu mua đồng nát cũng kiếm được 100.000 đồng/ngày, còn dọn vệ sinh theo giờ có khi được 200.000 đồng. Số tiền này, tôi vừa gửi về cho con, vừa để trang trải sinh hoạt ở Hà Nội”, bà Trường nói.
Ngày nào cũng vậy, bà Trường cần mẫn như một con ong chăm chỉ. Bà chỉ mong có sức khỏe để bám trụ lại mảnh đất này, còn làm việc, còn kiếm tiền lo cho cuộc sống. Thế nên 1 tuần 7 ngày, bà không bỏ làm ngày nào. Sáng lúc nào cũng 8h đi làm đến 12h về nghỉ ngơi, ăn trưa, chiều lại 2h đến 6h tối mới về.
Giống như bà Trường, ngày 8/3 cũng trở thành ngày “xa xỉ” của chị Trần Thị Ngọc Hoa (Đội 2, Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội). Bởi chỉ chẳng mơ ước có hoa, có quà, chị chỉ mong đường phố sạch sẽ, ý thức của mọi người được nâng cao và hoàn thành xong công việc để về với bố mẹ già.
14 năm làm ở công ty môi trường, nhưng đây cũng là lần đầu tiên chị Hoa nhận được món quà bất ngờ trong ngày 8/3 trên đường phố.
“Mặc dù vào những ngày lễ, công ty cũng thường tặng hoa, quà động viên cho chị em trong công ty, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tặng hoa ngay giữa phố. Món quà đến với tôi quá bất ngờ”, chị Hoa nói.
Chị Hoa đã có 14 năm làm nhân viên môi trường. Ngày đầu mới bước vào nghề, mọi người xung quanh nghĩ rằng có lẽ sẽ không theo được đâu, bởi công việc quá vất vả. “Thế nhưng, họ đã lầm. Chị luôn tin rằng bản thân mình có sức khỏe thì chẳng ngại điều gì cả”.
“Tôi làm 1 ngày 8 tiếng. Công việc này chỉ vất khi tiếp xúc với quá nhiều rác thải, mùi hôi thối sực nức. Khi đã quen rồi, thì cũng không có gì ngại ngùng hay khó khăn cả. Công việc cũng có đôi lúc buồn vui, tức giận khi mọi người vứt rác bừa bãi, nhưng thôi tôi chấp nhận vì đó là công việc mình đã chọn”, chị Hoa nói.
Ngoài kia, vẫn còn đó những người phụ nữ không có ngày 8/3. Bởi họ đang tất bật mưu sinh với cuộc sống đời thường, vẫn ngày ngày đi làm cửu vạn, vẫn cần mẫn nhặt nhạnh ve chai, tất bật bán buôn… để mong cuộc sống của con cái, của chính mình ngày một tươi đẹp hơn. Và hạnh phúc của họ thật giản dị là khỏe mạnh, là làm việc, là nhìn thấy người thân được hạnh phúc…