Những người phụ nữ 'chống trời' để giảm nhẹ thiệt hại thiên tai
Với người đàn ông, việc làm tham gia công tác phòng chống, ứng phó thiên tai đã vô cùng vất vả, khó khăn và hiểm nguy nhưng có những người phụ nữ lại tập hợp cùng nhau để cùng thực hiện sứ mệnh quyết tâm 'chống trời', để giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai cho bà con, đặc biệt là phụ nữ.
Xem các mẹ, các chị, các em diễn tập phòng chống thiên tai
Tiếng loa gióng riết, giục giã thông báo về cơn bão sắp xảy ra trên con đường thôn Thai Dương Thượng Tây của người phụ nữ chừng ngót bảy chục tuổi đã thực sự thu hút và khiến chúng tôi rất bất ngờ. Bởi công việc này trong tâm trí chúng tôi xưa nay vẫn là của những người đàn ông. Giọng của bà sang sảng, dứt khoát, rõ ràng mà không kém phần quyết liệt. Đợi bà xong việc, chúng tôi tranh thủ trò chuyện mới biết bà là Phạm Thị Toàn, năm nay 65 tuổi, là người đảm nhiệm chức Đội trưởng đội phụ nữ xung kích phòng chống thiên tai thôn Thai Dương Thượng Tây, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Đây là công việc của bà mỗi khi có mưa, bão, lũ sắp xảy ra tại địa bàn. Khi có mưa, bão, lũ, tôi lại cầm loa đi khắp thôn thông báo cho bà con, trong đó các chị em phụ nữ ở các hộ gia đình biết thông tin để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.
Ở cái tuổi cần được nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu, vậy sao bà vẫn...không đợi tôi nói hết câu, bà Toàn đã bộc bạch:
Ô hay, mình còn sức khỏe, mình phải đóng góp công sức giúp bà con chớ. Nói rồi bà nở nụ thật đôn hậu giải thích tiếp: Nãy giờ là chúng tôi diễn tập đấy, nhưng nếu không diễn tập đến khi có mưa, bão, lũ thì làm sao? các cậu không tin chứ gì để chúng tôi làm tiếp cho mà coi. Tôi tưởng bà nói đùa, ai dè bà làm thật. Bà lấy điện thoại ra gọi. Chỉ 15 phút sau, 5 thành viên nữ trong đội của bà đã có mặt tại nhà một hộ dân. Họ gật đầu chào chúng tôi rồi nhanh chóng theo sự chỉ huy của bà, tất cả cùng vào việc, gói ghém, thu dọn đồ đạc, chăn màn, quần áo cho vào từng bao tải, đồ đạc được kê lên, gà được nhốt vào lồng... Bà Toàn giải thích như một người chuyên nghiệp: Lúc phát loa thông báo là giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 là chúng tôi trực tiếp tổ chức hỗ trợ các gia đình chị em sắp xếp, di chuyển đồ đạc, mang theo những vật dụng thiết yếu để đưa đến nơi sơ tán an toàn; lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men, đèn pin, điện thoại...
Thế chẳng may có người bị thương thì sao, thưa bà? Tôi tỏ vẻ, nôn nóng sốt ruột. Cậu đừng vội, đợi tôi một lát- bà Toàn bảo. Nói rồi bà lại tiếp tục ra hiệu, những người phụ nữ ngay lập tục ngừng công việc thu dọn đồ đạc. Bỗng dưng một người phụ nữ nằm vật ra giường tỏ vẻ đau đớn, hình như chị ta bị gãy tay, tôi đoán vậy. Những người phụ nữ còn lại nhanh chóng tới gần người phụ nữ bị thương, giở bộ đồ cứu thương, nẹp gỗ rồi thực hiện các động tác băng bó một cách rất thành thục khiến chúng tôi thực sự ngỡ ngàng. Sau đó, mấy người phụ tiếp tục dìu người phụ nữ bị thương đi. Ngừng! tiếng bà Toàn hô. Tất cả 4 người dừng lại. Chúng tôi vẫn hết cảm giác bất ngờ và thú thực tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh diễn tập ứng phó thiên tai lại toàn phụ nữ ở nông thôn vậy mà lại do phụ nữ chỉ huy. Động tác của họ rất thuần thục, chính xác, nhanh chóng, khẩn trương, bài bản. Có chăng chỉ các cuộc diễn tập do các cơ quan chức năng tổ chức, khi ấy người dân, đặc biệt phụ nữ, trẻ em, người già vốn là những người yếu thế sẽ là những vào vai diễn phụ, vai diễn quần chúng trong các buổi diễn tập mà thôi. Nghĩa là họ là những người dân cần được lực lượng chức năng giúp đỡ, sơ tán, cứu thương, cứu hộ chứ không đảm nhiệm công việc từ A đến Z như vậy.
Trong ký ức bà Toàn trận lũ lịch sử năm 1999 vẫn vẹn nguyên: Nước lên nhanh lắm, tôi chỉ vội mang ít đồ đạc lên xà ngang ngôi nhà, kèm theo một gói tiền được bọc trong ny lông – tiền tôi nhận của chị em phụ nữ trả khoản vay cho ngân hàng bởi khi đó tôi là Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã. Thế rồi, tôi nháo nhào chạy sang nhà các chị em trong thôn phụ giúp thu dọn đồ đạc. Mà khi đó mình chưa có kinh nghiệm, kiến thức như nên cứ lúng ta lúng túng. Trận lũ năm đó, xã Hải Dương có 22 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ...
Phụ nữ giúp nhau phòng chống thiên tai
Hộ gia đình chị Hoàng Thị Mỹ cùng mẹ chồng và 2 đứa con thơ là một trong những hộ thường xuyên được đội nữ xung kích PCTT giúp đỡ mỗi khi thiên tai xảy ra. Chị bảo, đội xung kích phụ nữ PCTT thôn chính là một trong những điểm tựa của gia đình mỗi khi có thiên tai đến.
Chúng tôi tìm gặp chị Trần Thị Tâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Dương. Chị Tâm cho hay: Trước đây, mỗi khi có mưa, lũ, bảo đội xung kích là nam giới tới những nhà phụ nữ neo đơn đưa họ đi sơ tán nhưng nhiều lúc họ ngại không đi. Do nam giới khó có thể nắm bắt, giúp đỡ và đáp ứng được hết những nhu cầu của phụ nữ khi có thiên tai xảy ra. Nguyên nhân có thể xuất phát từ sự khác biệt về giới, hoặc sự e ngại của phụ nữ, thói quen cá nhân hay luật tục địa phương. Do đó, sự tham gia của phụ nữ trong các đội xung kích cấp thôn là điều cần thiết. Chính họ mới có thể hiểu bản thân mình cần gì, dễ dàng chia sẻ và thuyết phục hơn trong quá trình tuyên truyền, sơ tán, thăm hỏi, di dời...Vì vậy, ý tưởng mong muốn thành lập đội xung kích của phụ nữ giúp phụ nữ, trẻ em khi có thiên tai xảy ra bắt đầu manh nha hình thành. Thế nhưng mãi đến năm 2014, các đội xung kích phụ nữ phòng chống thiên tai xã Hải Dương mới được thành lập với 30 người, chia đều 6 đội ở 6 thôn của xã, mỗi thôn 5 người. Đội ở thôn Thai Dương Thượng Tây hiện giờ người nhiều tuổi nhất 65 tuổi, người nhỏ tuổi nhất 27 tuổi. Khi mới thành lập đội được Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD) là một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai: bơi lội, sơ cứu thương và các dụng cụ cứu thương, đèn pin, áo phao... Đặc biệt, khi tham gia Đội xung kích phòng chống thiên tai, mỗi người sẽ được tặng một tấm thẻ bảo hiểm y tế. Những trang bị, hỗ trợ tuy không nhiều nhưng đó là sự động viên, khích lệ giúp các bà, các chị em nhiệt tình tham gia công tác. Không chỉ giúp chị em phụ nữ, trẻ em phòng chống, ứng phó thiên tai, các bà các chị, các em ở đây còn vận động nhau tiết kiệm mỗi người mỗi tháng 20.000 đồng đóng vào quỹ dùng để hỗ trợ các hộ gia đình phụ nữ lương thực, thực phẩm, thuốc men...Chị Tâm giải thích: Sau khi thiên tai xảy ra thì có ngay nguồn tiền này, mặc dù không nhiều nhưng hỗ trợ các chị em kịp thời, bởi các cụ nhà ta thường dạy “một miếng khi đói....” .
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoàng Thị Thê, người phụ trách khâu cứu thương, thành viên trẻ tuổi nhất đội sinh năm 1977 kể: Em học trung cấp y tế. Đợt lũ lịch sử năm 1999, khi ấy em đang làm ở trạm y tế xã. Thời điểm trước lũ, trạm y tế đang có 3 sản phụ chờ sinh. Nước lũ ập về, lên nhanh, 1 mét, rồi 2 mét. Trạm y tế phải kê giường lên để cho sản phụ nằm chờ sinh. Nước lũ tiếp tục lên, phải kê tới 3 chiếc giường chồng lên nhau. Rất may, cuối cùng cả 3 sản phụ đều “mẹ tròn con vuông”.
Thế chồng chị có phản đối chị tham gia đội?- Tôi hỏi. Chị Thê tâm sự: Anh ấy rất ngạc nhiên bởi công việc này vốn của đàn ông. Ban đầu, anh ấy phản đối, sau dần bị em thuyết phục. Bởi anh chồng em cũng là thành viên của đội xung kích PCTT nam giới của xã nên anh ấy hiểu và cảm thông. Không chỉ em, có chị trong đội của em, lúc đầu, chồng các chị ấy, thậm chí mẹ chồng các chị, các cô ấy cũng phản đối quyết liệt. Nhưng rồi chính công việc đã của chúng em dần khiến mọi người bị thuyết phục, có bà mẹ chồng lúc đầu phản đối dữ lắm, nhưng bây giờ dù không phải là thành viên của đội nhưng nhiều bà, nhiều mẹ bây giờ cũng động viên, thậm chí trực tiếp hỗ trợ bọn em.
Về đội xung kích phòng chống thiên tai cấp thôn, xã, ông Nguyễn Hiệp, Phó cục trưởng cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục PCTT nhận xét: Đội xung kích có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác PCTT, chính là thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Lực lượng xung kích PCTT từ dân mà ra, cùng với dân, bám dân giúp dân xử lý PCTT từ chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra, giúp dân khắc phục thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại của thiên tai. Đầu tư cho lực lượng xung kích PCTT ở cấp xã không lớn nhưng hiệu quả thì rất là thiết thực đây chính là thực hiện PCTT theo phương châm “bốn tại chỗ”. Xây dựng thôn an toàn trước thiên tai, xã an toàn trước thiên tai, góp phần xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong chuyến về thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế, chúng tôi được biết không chỉ ở xã Hải Dương, mà xã Hải Phong là hai xã ven biển nằm bên bờ vùng đầm phá Tam Giang, nơi thường xuyên hứng chịu các đợt thiên tai bão, lũ đều đã thành lập được đội phụ nữ xung kích giúp phụ nữ, trẻ em phòng PCTT bên cạnh đội xung kích PCTT của nam giới. Trong cuộc sống hàng ngày luôn phải đối mặt với thiên tai, bão lũ, những người phụ nữ trước mắt chúng tôi giờ đây không còn nhỏ bé, yếu đuối nữa mà họ đã tập hợp với nhau tạo thành một sức mạnh để cùng giúp nhau chống chọi, ứng phó với thiên tai. Với sức mạnh ấy, chúng tôi tin họ sẽ luôn vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách cả hiểm nguy trước thiên tai ngày càng bất thường. Và đây cũng là lý do mà anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi gọi họ là những người phụ nữ chống trời, để góp phần bảo vệ cuộc sống. Mong rằng mô hình đội phụ nữ xung kích PCTT ở Hải Dương, Hải Phong sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác, đặc biệt là vùng ven biển, vùng miền núi- những nơi thường xuyên hứng chịu các loại hình thiên tai: mưa, lũ, bão, sạt lở đất... góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trận lũ lịch sử tháng 11-1999 (chưa từng xảy ra trong hơn 100 năm) ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã làm 818 người chết và mất tích, trên 1 triệu ngôi nhà bị ngập và hàng ngàn ngôi nhà, trường học, trạm y tế bị lũ cuốn trôi, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 5.000 tỷ đồng, riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế lũ đã làm 372 người chết, 94 người bị thương, thiệt hại kinh tế trên 1.700 tỷ đồng. (Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Bộ NN&PTNT).
Phóng sự của NGUYỄN KIỂM