Những người phụ nữ giàu nghị lực
Dù khiếm khuyết một phần cơ thể và phải đối mặt với không ít khó khăn, mất mát, nhưng những người phụ nữ ấy vẫn kiên cường bước qua mặc cảm, sóng gió để dựng xây một cuộc sống tốt đẹp, mang lại vinh quang cho chính mình, gia đình và quê hương. Với họ, điều quan trọng nhất trong cuộc đời là phải lạc quan, biết trân quý từng phút giây đang sống để nỗ lực hết mình vượt qua nghịch cảnh.
Không đầu hàng số phận
“Số phận đã cướp mất của tôi một chân trái, nhưng tôi vẫn còn chân phải, còn nguyên đôi tay và khối óc. Sao có thể dễ dàng vứt bỏ cuộc đời mình với đau thương, mặc cảm?”, bà Hồ Thị Huế (53 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật tỉnh chia sẻ như vậy khi kể về tai nạn lao động dẫn đến bị tàn tật lúc chỉ mới bắt đầu bước vào tuổi 18.
Cứ ngỡ, tai nạn đó sẽ là rào cản khiến cuộc đời cô gái trẻ chỉ loanh quanh sau “lũy tre làng”, nhưng đấy lại chính là động lực để bà Huế cố gắng hơn mỗi ngày. Năm 1996, bà Huế mạnh dạn đăng kí tham gia vòng tuyển chọn và trở thành thành viên đội tuyển thể thao Người khuyết tật của tỉnh. Năm 1997, tại hội thi Thể thao - Văn nghệ Người khuyết tật toàn quốc, bà đã xuất sắc giành Huy chương Vàng ở nội dung bơi lội, chính thức trở thành vận động viên chuyên nghiệp để tiếp tục cùng với đội tuyển thể thao người khuyết tật tỉnh, đội tuyển thể thao người khuyết tật quốc gia tham gia các giải thi đấu lớn khác. Theo bà Huế, để có thể thuần thục các kĩ thuật bơi chuyên nghiệp, những người khuyết tật như bà phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường bởi quá trình tập luyện gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn, nhất là làm sao dùng lực tay đẩy người đi thật nhanh nhưng đúng luật. Nhưng nhờ sự chỉ dạy tận tình của huấn luyện viên, vượt qua nỗi tự ti, mặc cảm của bản thân, bà đã quyết tâm và cố gắng không ngừng nghỉ để chinh phục được “đường đua xanh” bằng những tấm huy chương danh giá. Đáng nể hơn, năm 2002, khi tham dự Đại hội thể thao Người khuyết tật châu Á-Thái Bình Dương ở Busan, Hàn Quốc, bà Huế đã giành được Huy chương bạc môn bơi lội cấp quốc tế và vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Bà Huế cho biết, trong 10 năm (1997-2007) tham gia thi đấu, bà đã giành được tổng cộng trên 120 tấm huy chương các loại, trong đó có 15 Huy chương vàng ASEAN Para Games. Không chỉ môn bơi lội, khi chuyển sang thi đấu ở môn điền kinh, bà Huế cũng giành được nhiều huy chương và là 1 trong 5 vận động viên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; nhiều lần được UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương tặng bằng khen. Đó chính là niềm vinh quang, tự hào mà bà mang về cho quê hương, đất nước.
Không chỉ đạt được những thành tích nổi bật trên lĩnh vực thể thao, sau khi giải nghệ, bà Huế còn là một trong những tấm gương người khuyết tật sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình sản xuất gỗ mĩ nghệ, dân dụng. Từ cơ sở sản xuất đồ gỗ nhỏ lẻ, bà Huế đã đi khắp nơi để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, cập nhật các mẫu mã và công nghệ mới, từ đó mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, thành lập Công ty TNHH MTV Thành Huế ở Khu phố 10, Phường 5, TP. Đông Hà chuyên làm tủ, bàn, ghế cao cấp với doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, thấu hiểu và đồng cảm với những số phận kém may mắn như mình, cơ sở sản xuất của gia đình bà Huế còn tạo công ăn, việc làm, dạy nghề mộc miễn phí cho hàng trăm người khuyết tật trong và ngoài tỉnh, từ đó giúp họ tự tin hơn để hòa nhập cộng đồng, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tỉnh, bà Hồ Thị Huế còn thường xuyên tham gia vào các hoạt động xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ khuyết tật, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng và phát triển của phụ nữ, góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã hội; giúp đỡ những phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trong lao động, sinh hoạt, tạo sinh kế, xóa đi mặc cảm, phụ thuộc để chị em có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vươn lên bằng ý chí
Là người phụ nữ khuyết tật nhưng bằng ý chí, nghị lực và hơn hết là bằng tình yêu của người mẹ dành cho con của mình, chị Lê Thị Dũng, ở thôn Tân An, xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh đã vươn lên trong khó khăn, làm kinh tế giỏi. Chị là một trong những cá nhân xuất sắc trong phong trào “Học hay, làm sáng tạo, sống văn hóa” trên địa bàn huyện Vĩnh Linh vinh dự nhận giải thưởng “Bông sen hồng” do UBND huyện Vĩnh Linh trao tặng.
Lúc mới chào đời, chị Dũng vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng khi vừa tròn 2 tuổi, một trận sốt kéo dài khiến chân trái của bà teo lại, không thể đi đứng bình thường được. Tuổi thơ của bà trôi qua trong sự chế nhạo của bạn bè cùng trang lứa. Nhưng dù số phận có khó khăn, thử thách như thế nào cũng không thể dập tắt đi khát vọng cháy bỏng, được sống, cống hiến và hòa nhập cộng đồng trong bà. Chị Lê Thị Dũng tâm sự: “Tôi luôn nghĩ trong cuộc đời, nếu cứ mãi nghĩ đến khuyết tật của mình mà quên phấn đấu, luôn mặc cảm với bản thân, thiếu tự tin và luôn oán trách số phận thì sẽ chẳng bao giờ học và làm được bất cứ việc gì cả. Với tôi, khuyết tật không bao giờ là lí do để tôi bỏ cuộc mà khiếm khuyết trên cơ thể chỉ là những rào cản trên hành trình đầy cam go trong cuộc sống mà thôi”.
Chính những suy nghĩ, quyết tâm đó đã giúp chị đứng vững dù chỉ còn một chân phải lành lặn. Năm 1990, cô con gái đầu lòng chào đời, cuộc sống của người phụ nữ khuyết tật, là mẹ đơn thân tưởng chừng như rơi vào bế tắc khi gánh nặng cơm áo gạo tiền luôn đè nặng lên đôi vai chị. Để vượt qua khó khăn và nuôi con ăn học, chị đã mạnh dạn xây chuồng nuôi lợn sinh sản, lợn thịt, cải tạo vườn trồng hơn 40 gốc tiêu kết hợp nuôi gà thả vườn, làm thêm nghề nấu rượu, chủ yếu nhằm tận dụng phụ phẩm để nuôi lợn, làm bánh sắn gói bán cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh phát triển kinh tế, chị Dũng luôn quan tâm, dạy dỗ con bằng tất cả tình yêu thương, cố gắng uốn nắn, giải thích hoàn cảnh gia đình hay kể những câu chuyện người tốt việc tốt, những điều hay, lẽ phải để con không cảm thấy mặc cảm, tự ti với những người xung quanh và sống có tình, có nghĩa. Với cách dạy con khéo léo, cô con gái Lê Thị Khánh Ly của chị ngày càng trưởng thành, học giỏi, yêu thương, hiếu thảo với mẹ. Hiện con gái chị đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị và có việc làm ổn định tại UBND xã Vĩnh Hiền. Nhờ cần cù, chịu khó, vượt lên số phận để làm giàu chính đáng, mẹ con chị Dũng đã tích góp để xây được căn nhà khang trang cùng nhiều tiện nghị cần thiết. Bên cạnh đó, với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ khuyết tật huyện Vĩnh Linh, chị Dũng còn tham gia tích cực các giải, hội thao người khuyết tật cấp huyện, tỉnh và đạt được nhiều huy chương các loại. Đặc biệt, năm 2013, tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, chị Dũng đã đoạt 3 Huy chương bạc ở nội dung ném tạ, lao và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp. Ngoài ra, chị còn thường xuyên tìm đến những hoàn cảnh phụ nữ cùng chung cảnh ngộ để chia sẻ, động viên, giúp họ vượt qua mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Cuộc sống với những người phụ nữ khuyết tật như bà Huế, chị Dũng vẫn còn là một chặng đường dài với nhiều chông gai phía trước, nhưng chúng tôi tin rằng họ sẽ như những bông hoa xương rồng, với sức sống mãnh liệt sẽ lặng lẽ vươn lên và tỏa sáng.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143169