Những người phụ nữ 'quên 20-10'
Vào những ngày này, trên các tuyến đường từ nông thôn đến thành thị đâu đâu cũng xuất hiện hình ảnh những cửa hàng hoa, quà tặng với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú và màu sắc bắt mắt...
Những người phụ nữ suốt một đời lam lũ này chỉ mong bán được nhiều hàng, có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày.
Trong không khí nhộn nhịp của Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), nhiều phụ nữ đang hân hoan đón nhận hoa, quà tặng và những lời chúc tụng thì vẫn còn không ít chị em “quên” hẳn ngày này là gì. Họ là những người bán hàng rong, công nhân bốc vác, phụ hồ, nhặt ve chai... vì cuộc sống khó khăn, vất vả ngày ngày vẫn mải mê vật lộn với cuộc sống mưu sinh.
Tay thoăn thoắt lẫy từng bắp ngô, chị Ngân Thị Thu (39 tuổi), bản Cò Cài, xã Trung Lý (Mường Lát) bộc bạch: “Tôi cũng nghe nói là sắp đến ngày phụ nữ Việt Nam gì đó, nhưng thực sự chúng tôi không quan tâm nhiều. Bởi ở vùng đất heo hút này, đến điện lưới quốc gia còn chưa có nên chỉ mong trời mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi để các con không bị đói khổ là may lắm rồi. Và điều hạnh phúc hơn nữa là hàng ngày được nhìn các con được cắp sách đến trường, còn những chuyện khác không quan trọng”.
Về xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), ngay từ sáng sớm, hàng chục người phụ nữ ở các độ tuổi 40-70 đã ra bờ biển để làm những công việc như phân loại cá, bóc tôm... cũng như chờ đợi những chuyến tàu cập bến rồi đưa cá từ tàu thuyền lên bờ.
Đang phân loại cá mới được bốc từ trên tàu xuống, bà Nguyễn Thị Hón (67 tuổi), xã Ngư Lộc, cho biết: “Tôi không nhớ rõ mình đã làm việc ở đây từ bao giờ, chỉ biết là từ rất lâu, cuộc đời tôi đã gắn bó với con tôm, con cá ở bờ biển này. Ngày nào cũng vậy, chỉ mong trời yên, biển lặng, mong các tàu thuyền đánh bắt được nhiều tôm, cá để những người phụ nữ như chúng tôi có thêm thu nhập. Mấy hôm nay nghe mọi người bảo là sắp đến ngày 20-10 nhưng thật ra với chúng tôi ngày đó nó cũng như bao ngày khác thôi, công việc vẫn phải làm bình thường, bởi có làm mới có tiền trang trải cuộc sống”.
Theo những người phụ nữ đang vất vả mưu sinh ở dọc bờ biển này, ngày 20-10 là ngày của giới trẻ hay của những gia đình có điều kiện, chứ đối với những chị em lao động chân tay ở đây chẳng bao giờ dám nghĩ đến. “Thấy họ được tặng hoa, được đi chơi tôi cũng thấy thích. Nhưng biết làm sao được, âu cũng là cái số của từng người”, bà Hón bộc bạch.
Những tưởng chỉ phụ nữ ở vùng biên xa xôi hay vùng bãi ngang mới phải bươn chải trong những ngày lễ lạt. Nhưng dọc các tuyến phố ở TP Thanh Hóa, những người phụ nữ mua phế liệu, bán hàng rong... vẫn rảo bước dưới trời mưa gió, khiến nhiều người cảm thấy mủi lòng. “Tôi cũng biết là chuẩn bị đến ngày 20-10, nhưng không đi bán hàng thì biết lấy tiền đâu mà tiêu, mà không đi bán ở nhà cũng có làm gì đâu? Ngày này, có khi khách đông, lại có thêm thu nhập”, chị Nguyễn Thị Hà bán bánh rán dạo ở phố Lê Hoàn giải bày.
Dưới trời mưa, cụ Lê Thị Chung (76 tuổi), phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) vẫn lầm lũi gánh rau dọc theo Đại lộ Lê Lợi cũng chỉ mong hôm nay bán nhanh hết hàng hơn mọi ngày. Vừa lựa những mớ rau cho khách, cụ bộc bạch: “Từ khi sinh ra tôi chưa bao giờ nghĩ đến ngày 20-10 hay mùng 8-3, ngày đó đối với tôi chẳng khác gì những ngày bình thường, vẫn phải mưu sinh kiếm sống. Nhìn thấy những người phụ nữ khác có hoa, có quà tặng đôi khi nghĩ cũng tủi thân, nhưng cái số mình nghèo nên cũng không dám mơ đến”.
Trong dòng chảy tấp nập của cuộc sống mưu sinh, nhiều người phụ nữ đang ngày đêm hy sinh bản thân mình để lo cho mái ấm gia đình. Vì gánh nặng cơm áo gạo tiền mà họ “quên” đi cái ngày mà mình phải được trân trọng, yêu thương như những người phụ nữ khác. Với nhiều chị em phụ nữ trong cuộc sống này, những món quà của họ vào ngày 20-10 không phải là hoa, là những chuyến đi chơi mà chỉ đơn giản là bán được nhiều hàng hơn, được về sớm hơn mọi ngày. Đối với họ, ngày lễ này dường như không tồn tại và khi được hỏi thì hầu hết đều có câu trả lời “chúng tôi biết ngày 20-10 là Ngày Phụ nữ Việt Nam nhưng cũng không để ý nó đến và đi qua khi nào”.
Vì cuộc sống của họ còn nhiều thứ phải lo nên những thứ “xa xỉ” trong những ngày này như được tặng một bông hoa, một món quà nhỏ, một bữa ăn ngon để chào mừng ngày của mình là thứ xa hoa, chưa bao giờ họ dám nghĩ tới. “Tôi nói với con tôi, ngày của mẹ nhưng mẹ không cần hoa, bày vẽ mua hoa làm gì cho tốn kém. Chỉ cần các con ngoan, học giỏi là mẹ vui rồi” - cô Trịnh Thị Mai, đang khom người đẩy chiếc xe ba gác bộc bạch. Trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn bà ấy, nụ cười nhẹ ánh lên niềm hy vọng khó nói thành lời.
Với những người đàn bà suốt một đời lam lũ, chỉ cần có nhiều việc và thu nhập kha khá sau một ngày lao động là điều họ mong muốn nhất. Dù công việc có khó khăn, vất vả nhưng niềm vui của họ là giây phút nghỉ ngơi cầm trên tay những đồng tiền chân chính được làm ra từ mồ hôi, nước mắt của mình.
Chia tay họ, tôi thầm cầu chúc cho những người phụ nữ luôn “quên” ngày lễ của mình hãy sống thật hạnh phúc, bình yên.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhung-nguoi-phu-nu-quen-20-10/109099.htm