Những người phụ nữ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của bản lĩnh, ý chí và trí tuệ Việt Nam. Làm nên chiến thắng lịch sử ấy có sự đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ. Nhiều bức ảnh, hiện vật mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang lưu giữ đã minh chứng cho điều ấy.
Chiếc túi vải của nữ Tiểu đội trưởng đội xe thồ
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, những nữ dân công dù không trực tiếp cầm súng nhưng họ đã miệt mài gánh gồng những tải gạo, lương thực, vật dụng cần thiết ra chiến trường. Hành trang mang theo bên mình là những vật dụng đơn sơ mộc mạc hàng ngày như túi vải đựng đồ cá nhân, chiếc hộp đựng thức ăn hay chiếc đèn chai tự tạo... đã là người bạn đồng hành cùng họ trên những cung đường, vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù.
Hiện nay, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang lưu giữ hiện vật là chiếc túi vải đựng đồ dùng cá nhân của bà Trần Thị Bé, Tiểu đội trưởng đội xe thồ thị xã Thanh Hóa đã dùng trong thời gian đi dân công thồ gạo cho chiến dịch Điện Biên Phủ 1953 - 1954. Theo thông tin từ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cách đây nhiều năm trong chuyến đi sưu tầm hiện vật của các nhân chứng lịch sử trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cán bộ sưu tầm của bảo tàng đã được mọi người giới thiệu về bà Trần Thị Bé tại nhà riêng ở thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa).
Theo lời kể của chủ nhân chiếc túi vải đã theo bà suốt những tuyến đường hành quân vận chuyển lương thực ra chiến dịch. Theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, Thanh Hóa là một trong những vùng hậu phương chủ lực cung cấp lương thực phục vụ cho chiến dịch. Thị xã Thanh Hóa đã thành lập 4 đoàn dân công, trong đó có 3 đoàn phục vụ hỏa tuyến, một đoàn phục vụ ở trung tuyến (đoàn này gồm 100 người, trong đó có một trung đội nữ).
Bà Trần Thị Bé lúc đó vừa 22 tuổi, được phân công làm Tiểu đội trưởng. Để được đi dân công, bà đã phải thuyết phục gia đình rất nhiều. Bằng sự kiên trì và quyết tâm của mình, bố mẹ bà đã đồng ý và còn cho con gái mang theo một chiếc xe đạp làm phương tiện. Mỗi xe của nữ phải đảm nhận trọng tải 60kg lương thực. Đoàn dân công xe thồ hành quân theo từng binh trạm; mỗi binh trạm cách nhau 25 - 30km, sẽ nghỉ một lần, từ khu phố Bốn Voi (thị xã Thanh Hóa) đến Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Đình Lư, Suối Rút (Sơn La).
Trên đường hành quân phát sinh bao khó khăn, vất vả, bà Trần Thị Bé vừa động viên, vừa san sẻ những khó khăn với chị em. Xe thồ của bà bao giờ cũng chở nặng hơn chị em khác, có khi trọng lượng hàng gấp đôi với quy định. Nhiều khi, bà còn xung phong đổi xe đạp tốt của mình cho đồng đội và nhận chiếc xe hỏng để sửa chữa…
Sau hai tháng phục vụ, đội nữ dân công của bà Trần Thị Bé đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về địa phương. Kỷ vật của thời đi dân công chỉ là chiếc túi vải màu nâu sồng tự khâu và vài bộ quần áo. Chiếc túi vải cũng là đồ dùng đựng tư trang duy nhất của bà Trần Thị Bé trong những ngày đi dân công xe thồ.
Ánh sáng đèn chai vượt hàng trăm km đường rừng
Cùng với hiện vật là chiếc túi vải đựng đồ dùng cá nhân của bà Trần Thị Bé, còn có chiếc đèn chai của sư thầy Đàm Duyên, Nam Ngạn, Thanh Hóa tự làm để tiện cho vận chuyển khi gánh gạo trong đêm. Tại khu trưng bày với chủ đề “Phụ nữ trong lịch sử” của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, chiếc đèn chai này với vẻ ngoài lạ mắt và câu chuyện lịch sử gắn với chiếc đèn đã rất thu hút sự chú ý của khách tham quan, nhất là du khách nước ngoài.
Chiếc đèn dùng vỏ chai thủy tinh, được sư thầy Đàm Duyên ở chùa Nam Ngạn (Thanh Hóa) sử dụng khi đi dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuối năm 1953, ở Thanh Hóa, phong trào đi dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ phát triển mạnh. Phụ nữ cũng rất tích cực tham gia. Với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, nữ sư thầy Đàm Duyên - trụ trì chùa Nam Ngạn, tỉnh Thanh Hóa tuy không thuộc thành phần tham gia kháng chiến nhưng đã hai lần xung phong đi dân công gánh bộ, vận chuyển lương thực lên Tây Bắc phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khi đó, mỗi người chỉ được cấp một đôi bồ, quang và đòn gánh, còn những vật dụng cá nhân khác phải tự chuẩn bị. Để chuẩn bị cho chuyến đi, sư thầy đã tự làm chiếc đèn từ chai thủy tinh 0,65l cắt bỏ phần đáy và cổ chai, có một móc treo đèn ở đầu đón gánh để soi đường. Chiếc đèn rất phù hợp với việc vận chuyển vào ban đêm của các dân công, phải vượt núi cao, suối sâu, rừng thẳm, không bị tắt khi trời mưa, để vận chuyển lương thực ra tiền tuyến trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chiếc đèn chai là một trong những vật đồng hành không thể thiếu của sư thầy trên đường vận chuyển. Đèn chai được bà buộc ở đầu đòn gánh, vượt qua hàng trăm km đường rừng, gánh hai bồ gạo nặng hơn 20kg để đưa gạo đến các chiến trường được kịp thời.
Khi trao chiếc đèn tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, sư thầy cho biết: “Chiếc đèn là vật kỷ niệm trong những ngày tháng khó khăn, gian khổ, nhưng rất hạnh phúc của tôi”.
Người phụ nữ Thái từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ
Cũng tại khu trưng bày với chủ đề “Phụ nữ trong lịch sử” có một bức ảnh đặc biệt có chú thích: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bà con Nhân dân vùng căn cứ cách mạng Mường Phăng và chụp ảnh với cụ Lù Thị Đôi ngày 19/4/2004”.
Trong ký ức của cán bộ làm công tác sưu tầm của Bảo tàng có một câu chuyện nhỏ: Năm 2014, khi quay trở lại xã Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ), các cán bộ của Bảo tàng gặp cụ Lù Thị Đôi (lúc đó cụ đã 100 tuổi), người phụ nữ Thái nhỏ nhắn từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và được nghe cụ kể: “Đầu năm 1954, tôi được bác Giáp giao nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình để xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng và vận động dân bản ủng hộ lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Sau 5 tháng, tôi cùng ông trưởng bản đã vận động bà con quyên góp được 9 tấn lúa, gạo và 5 con trâu”.
Cũng như bao thiếu nữ người Thái khác ở Mường Phăng, từ nhỏ, cụ Đôi đã làm quen với việc đi nương, thêu thùa, dệt vải. Nhưng, bước ngoặt cuộc đời là khi cụ được các cán bộ cách mạng ở địa phương vận động tham gia vào đội dân quân tự vệ của Mường Phăng. Từ đây, cụ Đôi dần trưởng thành và trở thành một nữ dân quân kiên cường, quả cảm. Mỗi khi chuẩn bị có chiến dịch và các trận đánh của bộ đội địa phương, tổ nữ dân quân của cụ Đôi lại được lệnh đi tải đạn, chuyển thương binh, nấu cơm, đắp đường, vận động quân lương... luân phiên phục vụ công tác chiến đấu.
Thời điểm thực dân Pháp cho quân nhảy dù tăng cường cho Chiến dịch Điện Biên Phủ cuối năm 1953, chúng bố trí lực lượng, lập đồn bốt ở khắp mọi ngả đường vào trận địa và cho máy bay quần thảo khắp nơi nhằm chặt đứt mọi đường tiếp tế nhu yếu phẩm và hậu cần của quân đội Việt Nam. Khi ấy, chiến trường ở bản Xôm nằm cạnh Mường Phăng, đang vào hồi cam go, ác liệt, cũng lâm vào tình trạng thiếu quân lương. Sau khi nhận chỉ thị từ lãnh đạo, cụ Đôi và các thành viên trong Tổ nữ dân quân Mường Phăng đã quyên góp, ủng hộ cho bộ đội được gần 9 tấn gạo.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Lù Thị Đôi tiếp tục tham gia và luôn đi đầu trong các phong trào dân vận, phụ nữ xã, cụ từng là Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Phăng đến khi về hưu năm 1979. Trong quá trình công tác, cụ đã lập được nhiều thành tích mới trong công cuộc vận động bà con tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế địa phương. Cụ được các cấp tặng thưởng 5 huân chương vì những thành tích trong công tác.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Đôi có nhiều kỷ niệm gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là vị Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, cụ Đôi biết việc mình tích cực vận động bà con đóng góp cho kháng chiến là giúp cho đội quân của tướng Giáp thắng trận. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, cụ Đôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời xuống gặp mặt ở Hà Nội. Cụ Đôi kể rằng, suốt buổi gặp đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi cụ rất nhiều về đời sống của đồng bào, về phong trào cách mạng ở Mường Phăng. Nhiều năm trước cụ Đôi đã kể lại với truyền thông: “Tướng Giáp có dặn dò tôi là phải làm việc nhiều, bao giờ già, hưu mới thôi”.