Những người săn tìm virus mới để ngăn chặn đại dịch trong tương lai

Gần đây, Chính phủ Mỹ tăng cường cử các chuyên gia săn tìm virus đến các điểm nóng toàn cầu để tìm ra loại virus chết người tiếp theo trước khi nó lây lan thành đại dịch. Hãy tìm hiểu công việc thú vị từ nhóm nghiên cứu Davis (thuộc Đại học California) và các đối tác Uganda để tìm kiếm 'Mầm bệnh X' - một mầm bệnh chưa biết và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Tháng 1-2023 Uganda đã tuyên bố chấm dứt đợt bùng phát virus Ebola từng gây chết người khiến giới khoa học lo ngại suốt năm 2022. Không có trường hợp nào được phát hiện bên ngoài châu Phi, nhưng Ebola vẫn là một trong những mầm bệnh nguy hiểm nhất, có khả năng lây từ động vật hoang dã sang người (giống như Covid-19). Kể từ năm 2009, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện hơn 900 loại virus mới. Công việc phát hiện virus mới này diễn ra như thế nào?

Nghiên cứu thực địa tại “Khu rừng bất khả xâm phạm” ở Uganda

Nghiên cứu thực địa tại “Khu rừng bất khả xâm phạm” ở Uganda

Săn dơi ở “Khu rừng bất khả xâm phạm”

Nhóm phóng viên của Đài CBS (Mỹ) đã tìm đến Kihihi - một thị trấn ở phía Tây Nam Uganda. Khi đến “Khu rừng bất khả xâm phạm”, họ đã hiểu được tại sao nó lại có tên như vậy. Khu rừng dày đặc cây cối và dây leo đến mức người Uganda gọi đó là “nơi bóng tối”. Trên đường mòn sâu hút dẫn vào rừng, họ đi ngang qua những người trồng chè, người khai thác gỗ, dân làng, tất cả đều sống ở bìa rừng, nơi có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm từ động vật cao nhất. Nhà dịch tễ học động vật hoang dã Christine Johnson làm việc tại đây quả quyết: “Chắc chắn sẽ có một đại dịch khác. Vấn đề không phải là nếu mà là khi nào. Đó là lý do tại sao chúng tôi luôn trong tư thế chuẩn bị”.

Ông Johnson dẫn đầu nhóm nghiên cứu Davis thuộc Đại học California đã săn lùng virus trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Họ tìm đến một hầm mỏ bỏ hoang để tìm dơi vì nó là nghi phạm chính gây ra sự lan truyền virus. Dơi chứa nhiều virus gây chết người hơn bất kỳ loài động vật có vú nào. Chúng mang virus Corona, cùng họ với virus đã gây ra đại dịch Covid-19 cũng như virus Ebola chết người.

Benard Ssebide - một trong những bác sĩ thú y hàng đầu về động vật hoang dã ở Uganda - cho rằng, khu vực này trước đây là rừng. Hiện người dân đã trồng ngô ngay sát cửa hang dơi. Sự thu hẹp vùng đệm, môi trường sống giữa con người và động vật hoang dã đã trở nên quá gần, từ đó làm tăng sự tiếp xúc và nguy cơ lây nhiễm virus.

Khi giăng lưới bắt được dơi, các nhà khoa học tiêm cho nó thuốc gây mê nhẹ để tìm virus. Nhà dịch tễ học Christine Johnson giải thích, họ dùng một miếng gạc có kích thước phù hợp để lấy mẫu qua đường miệng. Cánh của con dơi được kiểm tra ký sinh trùng vì bọ ve cũng có thể mang mầm bệnh. Tất cả các mẫu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để giải trình tự DNA. Mã di truyền của virus có thể giúp xác định loại nào có thể lây sang người. Sau khi kiểm tra xong, những con dơi được thả ra.

Dụ khỉ bằng chuối tàng hình

Cũng trong khu rừng này, bà Tierra Smiley Evans - bác sĩ thú y kiêm dịch tễ học của Đại học California lại đang tìm khỉ đầu chó. Giống như dơi, loài linh trưởng này mang nhiều virus lây truyền sang người. Bà Smiley Evans nói: “Việc phát hiện sớm là điều quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh. Số mầm bệnh mà chúng ta không biết lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta đã biết. Vì thế cần thu thập thông tin về khả năng lây truyền trước khi nó xảy ra”.

Tại Bệnh viện cộng đồng Bwindi ở bìa rừng gần đó, những con khỉ đầu chó thản nhiên dạo chơi, đôi khi chúng còn chui vào phòng bệnh nhân. Để tìm ra loại virus mà khỉ đầu chó mang theo, bác sĩ Smiley Evans dùng phương pháp đơn giản nhưng mang tính đột phá để thu thập mẫu nước bọt của chúng, đó là quả chuối tàng hình. Quả chuối sẽ buộc vào một sợi dây và được ném cho những con khỉ tò mò. Ẩn bên trong đó là một miếng tăm bông phủ một thứ gì đó ngọt ngào mà khỉ rất thích nhai. Khi hết vị ngọt, khỉ đầu chó sẽ vứt tăm bông đi để lại rất nhiều nước bọt có thể giải mã được virus.

Thông tin về bệnh tật cũng bao gồm việc huấn luyện cư dân cảnh giác với bất kỳ cơn sốt bất thường hoặc các triệu chứng giống cúm. Sau đó, các nhà khoa học có thể so sánh bệnh tật của con người với virus động vật mà họ tìm thấy ở cùng khu vực. Bác sĩ Smiley Evans nói: “Đó là việc ghép các mảnh ghép lại với nhau. Tất cả các mẫu đều được xét nghiệm theo cùng một cách để tìm ra mầm bệnh. Vì vậy, mục tiêu là nếu chúng ta lấy mẫu cùng một lúc, trong cùng một khu vực, chúng ta có thể kết nối điểm chung và hiểu được thời điểm lây truyền một loại virus cụ thể”.

Loài dơi được nghiên cứu kỹ bởi chúng chứa nhiều virus gây chết người hơn bất kỳ loài động vật có vú nào khác

Loài dơi được nghiên cứu kỹ bởi chúng chứa nhiều virus gây chết người hơn bất kỳ loài động vật có vú nào khác

Theo dõi loài khỉ có nguy cơ tuyệt chủng

Một trong những loài được giám sát chặt chẽ nhất trong “Khu rừng bất khả xâm phạm” là cư dân “ngôi sao” của nó - loài khỉ đột núi có nguy cơ tuyệt chủng. Gần một nửa số khỉ đột còn lại trên thế giới đang ở đây, con số cuối cùng là 459. Chúng luôn di chuyển nên các nhà khoa học phải đi tìm từ dãy núi này tới dãy núi khác. Khu rừng rậm rạp đến mức không có ánh sáng mặt trời.

Cô Amy Bond làm việc cùng nhóm bảo tồn quốc tế Gorilla Doctors cho biết, họ có cách nhận dạng từng con khỉ đột. Điều thú vị là, nếu như con người ai cũng có dấu vân tay riêng thì khỉ đột lại có dấu vân mũi độc đáo. Dấu vân mũi giúp nhóm nghiên cứu đánh giá trực quan, tìm kiếm các dấu hiệu bệnh tật hoặc thương tích ở từng cá thể. Quá trình này, các nhà khoa học phải đeo khẩu trang, không phải để bảo vệ bản thân mà để bảo vệ khỉ đột khỏi bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào mà con người có thể mang theo.

Bác sĩ Benard Ssebide và cô Amy Bond cho biết, khỉ đột dễ bị nhiễm nhiều mầm bệnh giống như con người. Chúng được theo dõi hàng ngày để phát hiện bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Khi ốm, khỉ đột cũng chảy nước mũi, ho, hắt hơi, không vận động hay không muốn ăn. Nếu một con khỉ đột nằm một chỗ, các nhà nghiên cứu sẽ xem xét nó đang nghỉ ngơi hay có điều gì khác đang ngăn cản nó di chuyển.

Với các nhà khoa học, khi các mối đe dọa về lây lan dịch bệnh ngày càng gia tăng, không thể tách rời sức khỏe con người với sức khỏe của thế giới tự nhiên. Việc tìm kiếm “Mầm bệnh X” là tìm kiếm những gì đe dọa các loài động vật trong “Khu rừng Bất khả xâm phạm”, đó chính là mối đe dọa sức khỏe con người trong tương lai.

Trong danh sách mới mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cập nhật hồi tháng 11-2022, “Mầm bệnh X” là cụm từ các nhà khoa học dùng để chỉ một mầm bệnh chưa biết, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên thế giới. Nhiều khả năng “Mầm bệnh X” xảy ra do nạn phá rừng, buôn bán động vật hoang dã, đô thị hóa và mở rộng ngành công nghiệp vì khiến động vật đến sống gần con người hơn, làm gia tăng nguy cơ lây lan virus sang người. Cùng với đó, biến đổi khí hậu cũng làm tăng nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai.

Theo CBS News

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-nguoi-san-tim-virus-moi-de-ngan-chan-dai-dich-trong-tuong-lai-post554067.antd