Những người 'thắp lửa' bên dãy Trường Sơn: Bài 2. 'Cánh tay nối dài' kết nối bản làng vùng cao

Xác định rõ trách nhiệm và sự tâm huyết, gần 10 năm qua, ông Đinh Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) luôn sâu sát lắng nghe và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để gắn kết bản làng vùng cao, nỗ lực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Trong ngôi nhà kiên cố của mình, bà Hồ Thị Pấy, người Rục (dân tộc Chứt) ở bản Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa) nhớ lại, trước đây, khi mới lập gia đình, vợ chồng bà cũng như nhiều hộ gia đình khác ở trong bản sản xuất không đủ ăn, năm nào cũng thiếu đói, nhất là vào mùa giáp hạt. Con cái không được ăn no, mặc ấm để đến trường, nhà cửa chỉ tạm bợ. Nói chung, cuộc sống lúc đó còn lắm khó khăn, thiếu thốn.

Từ lời tuyên truyền, vận động của cán bộ Mặt trận xã và các tổ chức, đoàn thể về xóa đói giảm nghèo, vợ chồng bà Pấy đã xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, cây con giống năng suất kém để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ngày ngày trên nương rẫy, chăm chỉ trồng ngô, lúa. Ở vườn nhà, gia đình bà Pấy nuôi thêm đàn gà, con lợn để làm vốn.

Từ công tác tuyên truyền, vận động, người Rục ở Thượng Hóa đã biết trồng lúa nước. Ảnh: X.T

Từ công tác tuyên truyền, vận động, người Rục ở Thượng Hóa đã biết trồng lúa nước. Ảnh: X.T

Khi cái ăn được đảm bảo, gia đình vay mượn thêm tiền ở ngân hàng để mở rộng gia trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng để tăng thêm thu nhập. Có thời điểm đàn bò của gia đình bà lên đến 15 con. Nhờ thu nhập từ đàn bò và sản phẩm nông nghiệp, gia đình bà đã dần khấm khá, cuộc sống được cải thiện hơn nhiều so với những năm trước đây.

Ông Cao Xuân Long, Trưởng ban công tác Mặt trận bản Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa) cho hay, gia đình bà Pấy là một trong những hộ gia đình tích cực vươn lên xóa đói giảm nghèo từ chăn nuôi kết hợp trồng rừng ở bản. Theo ông Long, từ hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ Mặt trận, cuộc sống của 73 hộ đồng bào dân tộc thiểu ở bản Mò O Ồ Ồ, chủ yếu là người Rục và người Sách đã có nhiều đổi thay. Trong đó, vai trò của cán bộ Mặt trận địa phương, mà điển hình là ông Đinh Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thượng Hóa là rất lớn.

Với vai trò “đầu tàu”, trách nhiệm của người làm công tác Mặt trận, kể từ tháng 8/2015 đến nay, ông Đinh Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thượng Hóa đã trở thành “cánh tay nối dài” trong việc tuyên truyền, vận động người dân ở trên địa bàn xã thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận các cấp phát động.

Đôi chân của người cán bộ Mặt trận Đinh Ngọc Dung đã in dấu khắp 4 bản, 5 thôn, phải vượt đèo lội suối để cùng ăn, cùng ở với đồng bào để tuyên truyền, vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu, vươn lên thoát nghèo.

Trong công việc không kể ngày thứ 7 hay chủ nhật, ông luôn dành phần lớn thời gian để về tận cơ sở, không quản nắng mưa hay đường xá xa xôi, đi lại khó khăn. Mọi thắc mắc của người dân được cán bộ Mặt trận xã giải thích rõ ràng; kiến nghị, yêu cầu chính đáng của người dân được ông phối hợp giải quyết thấu đáo.

Từ thực tế, ông Dung nhận thấy cuộc sống của gia đình và dân bản còn nghèo khó khiến ông luôn day dứt. Ông suy nghĩ “phải vận động bà con từ bỏ lối sống, cách nghĩ “trông chờ, ỷ lại” vào chính quyền và sự trợ giúp của các cá nhân, tổ chức từng suất quà, bao gạo mà phải dựa vào lao động, sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế như nuôi gà, nuôi bò… để đảm bảo cuộc sống".

Từ phát triển chăn nuôi kết hợp trồng rừng, gia đình bà Hồ Thị Pấy (người Rục) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: T. T

Từ phát triển chăn nuôi kết hợp trồng rừng, gia đình bà Hồ Thị Pấy (người Rục) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: T. T

Nói đi đôi với làm, với trách nhiệm của người đảng viên, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thượng Hóa, ông Dung đã đi đầu, làm trước, có như vậy, bà con mới tin và làm theo. Trước đây, người Rục sống trong hang đá, quen với cuộc sống “săn bắt hái lượm”, được Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương hướng dẫn họ đã sống định cư, biết chăn nuôi, trồng rừng để phát triển kinh tế.

Để giúp đồng bào phát triển các mô hình kinh tế, Mặt trận xã Thượng Hóa, trong đó có vai trò “tiên phong” là ông Đinh Ngọc Dung đã phối hợp triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế. Trong đó, trồng dổi là mô hình mới nên ông đã “cầm tay chỉ việc”, kiên trì hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng, chăm bón kỹ càng… Sau gần 4 năm triển khai, đến nay trên diện tích 10ha, những cây dổi của 30 hộ đồng bào người Rục ở bản Phú Minh đã phát triển xanh tốt - hứa hẹn là cây thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Mùa vàng ở Thượng Hóa. Ảnh: X.T

Mùa vàng ở Thượng Hóa. Ảnh: X.T

Với vai trò Chủ tịch Mặt trận xã Thượng Hóa, ông Dung cũng đã nắm bắt kịp thời và tích cực hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận các thôn, bản Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để quán triệt cho cán bộ làm công tác Mặt trận nắm rõ để thực hiện.

Xã Thượng Hóa có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", ông Đinh Ngọc Dung đã kiên trì đến từng bản, từng thôn để cùng với Bộ đội Biên phòng, Công an xã, các Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn để nói cho bà con hiểu rõ về âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “dân chủ”, “nhân quyền” để dụ dỗ, lôi kéo, kích động.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông Đinh Ngọc Dung cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thượng Hóa đã hướng dẫn các Ban CTMT khu dân cư và các các thôn, bản đóng góp 150 ngày công, hiến 300 cây các loại, tặng 3.500m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Xây dựng 9 công trình “Thắp sáng đường quê” trị giá trên 950 triệu đồng; xây dựng cổng chào trị ở các thôn, bản với trị giá trên 200 triệu đồng; lắp Camera tại các trục đường trị giá trên 20 triệu đồng.

Ông Đinh Ngọc Dung đến thăm, tặng quà cho các hộ nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: X.T

Ông Đinh Ngọc Dung đến thăm, tặng quà cho các hộ nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: X.T

Từ nguồn vốn của Ban cứu trợ các cấp đã tu sửa cho 87 ngôi nhà cho 87 hộ đồng bào ở 4 bản ở xã Thượng Hóa với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng; xây mới 5 nhà cho hộ nghèo trị giá trên 500 triệu. Ngoài ra, ông Dung cùng với Mặt trận xã thường xuyên vận động các tổ chức thành viên giúp ngày công, tiền mặt để hỗ trợ làm nhà và mua công cụ sản xuất tặng các hộ gia đình.

Mặt trận xã Thượng Hóa đã góp sức xây dựng khu dân cư bản Phú Minh là bản nông thôn mới cấp huyện và xây dựng khu dân cư bản Mò O Ồ Ồ là bản nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 (hiện cả 2 bản đạt 12/15 tiêu chí).

Ông Đinh Hồng Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Minh Hóa nhận xét, ông Đinh Ngọc Dung là người cán bộ Mặt trận có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, gần dân, lắng nghe và phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của bà con tới cấp ủy, chính quyền địa phương. Ông đã thực sự làm tốt vai trò “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tại địa phương.

Xuân Thi - Xuân Hoàng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhung-nguoi-thap-lua-ben-day-truong-son-bai-2-canh-tay-noi-dai-ket-noi-ban-lang-vung-cao-10285356.html