Những 'người thầy áo xanh'

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm, thời gian, trí tuệ để giáo dục, bồi dưỡng các cháu thiếu niên, nhi đồng, các thế hệ thanh niên. Để tiếp bước di chúc của Bác, những 'người thầy áo xanh' ở Trung tâm Hoạt động và Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi Thanh Hóa luôn nỗ lực không ngừng cho công tác hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đoàn, hội, đội.

Cô Nguyễn Thị Thủy cùng các học sinh lớp ban chỉ huy và nguồn ban chỉ huy liên đội.

Vào nghề như duyên nợ

Sinh ra và lớn lên tại TP Thanh Hóa, từ nhỏ cô giáo Nguyễn Thị Hiền đã đam mê với công tác đoàn, đội và luôn tham gia các phong trào tại trường học và khu phố. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng vẫn ấp ủ trong lòng niềm đam mê với tổ chức đoàn nên cuối năm 2006 cô Hiền đã bén duyên với hoạt động đoàn tại địa phương với vai trò là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa). Như một cơ duyên, sau những lần được cử đi tập huấn ở Trung ương, cô được Trung tâm Hoạt động và Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi Thanh Hóa mời về làm cộng tác viên giảng dạy các lớp bồi dưỡng đoàn, đội. Khoảng thời gian được đứng lớp, cô cảm thấy công việc phù hợp với bản thân đã từng học ngành sư phạm, năm 2014 cô quyết định nghỉ công việc ở Đoàn Thanh niên phường Tân Sơn và xin về làm cán bộ tại Phòng đào tạo nghiệp vụ của Trung tâm Hoạt động và Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi Thanh Hóa.

Còn với cô Nguyễn Thị Thủy, năm 2014, sau khi tốt nghiệp Khoa Công tác xã hội Đại học Công đoàn, cô xin vào làm ở một trung tâm bảo trợ xã hội ở thủ đô Hà Nội. Năm 2015, do điều kiện gia đình nên cô xin về làm việc tại Trung tâm Hoạt động và Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi Thanh Hóa. Sau gần 2 năm làm trợ giảng cho các giảng viên của trung tâm và đi học thêm một số lớp chuyên sâu của Trung ương về nghiệp vụ công tác đoàn, cô Thủy đã được giám đốc trung tâm tin tưởng giao nhiệm vụ đứng lớp về công tác đoàn cho thanh, thiếu niên.

Trách nhiệm, nhiệt huyết với công tác đoàn, đội nên cô Hiền và cô Thủy giành nhiều thời gian cho công việc. Sáng đi sớm từ lúc các con còn chưa thức dậy, tối muộn khi gia đình đã xong bữa cơm mới về đến nhà. Có những ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật các cô cũng đi xuống các huyện để giảng dạy, đặc biệt vào các dịp hè có các lớp huấn luyện công tác đội, “Trại hè kỹ năng” ban chỉ huy liên đội,... các cô phải ở lại cả tuần tại trung tâm để chăm sóc các cháu.

Không ngừng sáng tạo

Nhắc đến Trung tâm Hoạt động và Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi Thanh Hóa là nói đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đoàn, hội, đội cho cán bộ chủ chốt công tác đoàn và thanh thiếu nhi trong tỉnh. Vì vậy, Phòng đào tạo nghiệp vụ được coi là “xương sống” của trung tâm. Những năm qua, đội ngũ giảng viên của phòng không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, tìm hướng đào tạo sát với nhu cầu của thực tế và đáp ứng cho hoạt động đoàn.

Đặc biệt, năm 2016 khi được Tỉnh đoàn giao cho Trung tâm phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Học kỳ quân đội đã rất thành công nên từ các năm 2021-2022, trung tâm đã tổ chức được 10 lớp/2.000 học viên. Để chất lượng đào tạo được nâng lên, Phòng đào tạo nghiệp vụ đã đi học hỏi nhiều nơi về công tác tổ chức, phương pháp nghiên cứu và giảng dạy, từ đó xây dựng khung chương trình giảng dạy, quản lý lớp. Tuy nhiên, ban đầu khi tổ chức các lớp bồi dưỡng ban chỉ huy liên đội cho các học sinh ở huyện về trung tâm học tập trong thời gian 7 - 10 ngày rất khó khăn. Bởi, phụ huynh rất lo lắng khi cho con đi học xa nên các thầy cô ở trung tâm như cô Hiền hay cô Thủy đã phải gọi điện vận động, giải thích cho phụ huynh hiểu. Đến nay, hàng năm khi lớp học được tổ chức, phụ huynh đã tự nguyện xin cho con được đi học, đây là sự ghi nhận lớn của Tỉnh đoàn, của Ban Giám đốc trung tâm và đặc biệt là phụ huynh.

Cô Nguyễn Thị Hiền tham gia chương trình huấn luyện “Trại hè kỹ năng học làm chiến sĩ”.

Trong 10 năm qua, với vai trò là một người giảng dạy công tác đội, cô Hiền đã làm tròn nhiều vai, vừa là cô giáo, vừa là chị lại vừa là bạn của các em học sinh. Có thế, cô Hiền mới thấu hiểu hết tâm lý cũng như tình cảm, sở thích của các em, từ đó có cách giảng dạy phù hợp, giúp các em phát huy hết khả năng bản thân. Công việc nhiều lúc tuy vất vả, nhưng hơn hết là tình yêu nghề đã biến trách nhiệm thành đam mê và cô luôn tâm niệm tất cả vì học sinh thân yêu. Sau những giọt mồ hôi, những hôm “gào” lạc cả giọng nói không thành tiếng, đánh đổi thời gian bên gia đình, các cô đã nhận lại được món quà lớn đó là sự trưởng thành của các em học sinh. “Có người thấy niềm vui trong gia đình, nhưng với tôi niềm vui chính là giá trị mà mình mang lại trong những hoạt động có ích cho xã hội, mình cho đi rồi sẽ được nhận lại”, cô Hiền bày tỏ.

Với bề dày thành tích trong công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi, cùng với gánh vác vô vàn việc không tên, cô Hiền đã được ban giám đốc giao trọng trách là Trưởng Phòng đào tạo nghiệp vụ, hàng năm được mời tham gia vào ban tổ chức, ban giám khảo các hội thi lớn cấp tỉnh như: Hội thi Chỉ huy đội - phụ trách sao; Giáo viên làm tổng phụ trách đội...

Còn với cô Thủy, khi được giao chuyên môn bồi dưỡng công tác đoàn bắt buộc đòi hỏi mình phải nhanh nhạy bởi thanh niên hiện nay rất giỏi và nắm bắt xu hướng rất nhanh, thay đổi theo từng năm, từng tháng. Vì vậy, bắt buộc những giáo viên phụ trách chuyên môn như cô phải tự tìm tòi tài liệu, học hỏi nghiên cứu từ thực tiễn, đa phần phải chủ động, trang bị kiến thức để nâng cao chất lượng giảng dạy, đưa thông tin đến đoàn viên một cách nhanh nhất. Sau quá trình phấn đấu cố gắng và nỗ lực, ban giám đốc đã ghi nhận và đề bạt cô làm Phó trưởng Phòng đào tạo nghiệp vụ và tham gia giảng dạy nhiều lớp bồi dưỡng cho cán bộ đoàn, đội.

Với niềm đam mê công tác đoàn, đội cộng với tình thương học trò đã giúp cô Hiền và cô Thủy giữ được nhiệt huyết với nghề, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của công tác đoàn, đội và phong trào thanh, thiếu nhi tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Ngân Kim

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/nhung-nguoi-thay-ao-xanh/204193.htm